TTO - ‘"Nhà buôn vũ khí" Mỹ chiếm 1/3 số lượng toàn cầu, Nga nối gót với mức xuất khẩu vũ khí đạt 1/5 lượng buôn bán toàn cầu.
Xe tăng và các loại xe quân sự khác trưng bày tại Diễn đàn công nghiệp quân sự quốc tế ở Kubinka, ngoại ô Matxcơva (Nga), hồi tháng 6-2015 - Ảnh: REUTERS
Lượng vũ khí nhập khẩu ở Trung Đông và châu Á đã tăng mạnh trong giai đoạn 5 năm 2013-2017, chủ yếu do chiến tranh và căng thẳng kéo dài tại các khu vực này.
Theo nghiên cứu công bố ngày 12-3 của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 2013-2017, châu Á - châu Đại dương là khu vực nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 42% tổng lượng nhập khẩu toàn cầu trong giai đoạn 2013-2017.
Nghiên cứu của viện độc lập của Thụy Điển cho biết Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới (ước tính 12% trong tổng số vũ khí đã bán ra) và chủ yếu mua từ Nga (62% tổng lượng nhập khẩu của Ấn Độ).
Ngoài ra, lượng vũ khí Ấn Độ mua từ Mỹ, nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, cũng tăng hơn 6 lần trong 5 năm qua.
Ông Siemon Wezeman - một chuyên gia của SIPRI, cho rằng căng thẳng giữa Ấn Độ và các nước láng giềng như Pakistan hay Trung Quốc đã thúc đẩy nhu cầu mua vũ khí của New Delhi.
Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh năng lực sản xuất và bán vũ khí. Xuất khẩu vũ khí của Bắc Kinh tăng 38% trong giai đoạn 2013-2017 với đối tác lớn nhất là Myanmar (68% số vũ khí nhập khẩu của Myanmar là từ Bắc Kinh). Báo Daily Mail cho rằng cuộc khủng hoảng với cộng đồng Hồi giáo Rohingya ở Myanmar là lý do khiến số vũ khí mà chính quyền Yangon phải nhập vào tăng lên.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là nhà xuất khẩu lớn vũ khí sang Bangladesh (71%) và Pakistan (70%). Các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đã tìm cách chen chân vào "thị trường ngách" với các hợp đồng vũ khí giá rẻ và không quá nhiều ràng buộc đối với đối tác.
Những cuộc xung đột triền miên ở khu vực Trung Đông đã khiến lượng vũ khí nhập khẩu vào đây tăng hơn gấp đôi trong 5 năm gần đây - Ảnh: AFP
SIPRI là một viện nghiên cứu độc lập làm nhiệm vụ theo dõi hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu theo từng giai đoạn 5 năm.
Nhưng thị trường nhập khẩu ấn tượng hơn cả trong nghiên cứu của SIPRI là khu vực Trung Đông với lượng vũ khí nhập khẩu tăng hơn gấp đôi (103%) so với giai đoạn 5 năm trước đó.
Khu vực Trung Đông chiếm khoảng 32% tổng lượng vũ khí nhập khẩu toàn cầu; trong đó, Saudi Arabia là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất của khu vực và lớn thứ 2 thế giới.
Mỹ là đối tác bán vũ khí lớn nhất cho Saudi Arabia, với 61% lượng vũ khí mà Riyadh nhập khẩu đến từ Mỹ, gần gấp 3 so với đối tác lớn thứ 2 là Anh (23%). Còn theo cách đối chiếu khác thì khách hàng sộp Saudi Arabia đã mua đến 18% tổng lượng vũ khí xuất khẩu của Mỹ trong giai đoạn 2013-2017.
Ông Pieter Wezeman - chuyên gia cấp cao của SIPRI, cho rằng xung đột và bạo lực lan rộng tại Trung Đông cũng như những quan ngại về nhân quyền tại đây đã khiến xuất hiện nhiều cuộc tranh luận tại Bắc Mỹ và Tây Âu về việc hạn chế xuất khẩu vũ khí.
Tuy nhiên, thực tế là Mỹ và nhiều nước châu Âu vẫn tiếp tục là các nhà xuất khẩu vũ khí chính vào Trung Đông.
Đáng buồn là số lượng vũ khí bán ra trên thế giới tăng thêm 10% so với 5 năm trước - Ảnh: REUTERS
Dẫu luôn đòi hỏi yếu tố nhân quyền trong các cuộc đàm phán buôn bán vũ khí nhưng Mỹ vẫn tiếp tục là "nhà buôn vũ khí" đứng đầu thế giới với 34% vũ khí trong tổng lượng xuất khẩu toàn cầu, tăng thêm 4% so với giai đoạn 2008-2012.
Số vũ khí Mỹ bán ra đến ít nhất 98 quốc gia và lãnh thổ, nhiều nhất trong số các nhà buôn hàng đầu thế giới và phần lớn hàng bán của Mỹ là máy bay chiến đấu hoặc máy bay vận tải quân sự. Khu vực Trung Đông mua gần 50% lượng vũ khí xuất khẩu của Mỹ và châu Á mua 1/3.
Và đáng buồn hơn, giai đoạn 2013-2017 cho thấy số lượng vũ khí bán ra toàn cầu đã tăng thêm khoảng 10% so với giai đoạn 2008-2012.
Viện SIPRI dự đoán trong vài năm tới, Washington tiếp tục là nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Thứ tự các nhà buôn hàng đầu có lẽ cũng sẽ chưa có thay đổi nhiều với Nga đứng thứ hai (hiện chiếm khoảng 20% số lượng vũ khí bán ra toàn cầu với khách hàng đến từ 47 quốc gia và lãnh thổ): Pháp đứng thứ ba (6,7%), tiếp theo là Đức và Trung Quốc.