TTO - Hơn 10 tỉ euro được báo cáo đã biến mất khỏi tài khoản ngân hàng của cố lãnh đạo Libya - đại tá Muammar Gaddafi. Người nào có đủ khả năng làm chuyện đó?
Đại tá Muammar Gaddafi thời còn nắm quyền - Ảnh: AFP
Theo nhật báo LeVif của Bỉ, số tiền khổng lồ hơn 10 tỉ euro của đại tá Gaddafi đã biến mất khỏi một tài khoản trong Ngân hàng Euroclear Bank, vốn bị đóng băng từ năm 2010.
Phản ứng trước thông tin này, Bộ Ngoại giao Bỉ mô tả những gì truyền thông đăng tải là "không chính xác", tuy nhiên họ không bác bỏ hay gọi đó là "tin vịt".
Theo điều tra của báo LeVif, số tiền của Gaddafi biến mất trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2017. Tổng cộng cố lãnh đạo Libya có tất cả 4 tài khoản trong ngân hàng Bỉ.
Sau khi "chủ tài khoản" chết năm 2011, thân nhân của ông này và tân chính quyền Libya đã cố tìm cách thu hồi số tài sản nhưng không ai thành công.
Nguyên nhân đơn giản là không ai chứng minh được số tiền 10 tỉ euro này là "tiền sạch", tức không liên quan gì đến tham nhũng hay tội phạm.
Đội nữ cận vệ của đại tá Muammar Gaddafi - biệt danh "Các nữ chiến binh Amazon" - Ảnh: AFP
Theo trang tin tài chính BFM của Nga, các chuyên gia chỉ ra rằng, nếu cần thiết, các ngân hàng phương Tây có thể đóng băng tài sản của các nhà lãnh đạo "dính tì vết" bao lâu tùy ý họ.
Ông Vladimir Gladyshev - chủ hãng luật Gladyshev và Cộng sự có trụ sở tại London, nhận xét số tiền của Gaddafi bị bốc hơi phản ánh một dạng tham nhũng trong thế giới phương Tây.
"Tôi cho rằng số tiền đó đã bị một người nào đó đánh cắp, một người nào đó đủ lực để quan hệ với một quan chức cấp trung. Anh ta chỉ cần nói: Này, chúng ta ôm số tiền đó rồi chia nhau, còn anh cao lắm thì bị cắt chức vì tội cẩu thả" - luật sư Gladyshev bình luận.
Trên thực tế, ngân hàng không phải là các doanh nghiệp độc lập. Hệ thống ngân hàng phương Tây hiện đại có thể so sánh với một biến thể lớn của ngân hàng nhà nước Liên Xô. Vụ mất tiền của Gaddafi phản ánh một vấn đề ít khi nào xuất hiện trên bề mặt hệ thống đó"
Luật sư Vladimir Gladyshev - chủ hãng luật Gladyshev và Cộng sự có trụ sở tại London
Ngoài ra, khả năng người Mỹ có liên quan đến sự biến mất khối tài sản của đại tá Kaddafi cũng được truyền thông Nga đề cập đến.
Ví dụ sau sự sụp đổ của chế độ Manuel Noriega tại Panama, năm 1992 Mỹ tịch thu toàn bộ tài sản của ông này trên lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, Washington không công khai số tài sản là bao nhiêu và sẽ được dùng vào mục đích gì.
Tại châu Âu, chỉ duy có Thụy Sĩ áp dụng "Luật Duvalier" - theo tên gọi của nhà độc tài Haiti François Duvalier, để xử lý tài sản bị đóng băng kiểu của Gaddafi.
Luật này quy định ngân hàng sẽ đóng băng tài sản của các nhà lãnh đạo bị lật đổ và chuyển giao nó cho tân chính quyền quốc gia đó để chi cho các chương trình xã hội.
Cựu lãnh đạo Ukraine Viktor Yanukovich từng bị ngân hàng Thụy Sĩ tịch thu 1,5 tỉ USD sau ngày lưu vong và chuyển tất cả cho Kho bạc nhà nước Ukraine.