TTO - Chính phủ Úc đã chuyển lời đến Thủ tướng Campuchia Hun Sen rằng việc ông đe dọa đánh người biểu tình trong chuyến thăm đến Úc sắp tới là "không thể chấp nhận được".
Thủ tướng Campuchia Hun Sen dự lễ Quốc khánh tại Phnom Penh tháng 11-2017 - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, sự tình căng thẳng bắt đầu từ tuần trước, khi đó Thủ tướng Hun Sen dọa sẽ tẩy chay Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Úc nếu ông "không nhận được sự tôn trọng đầy đủ" trong chuyến công du đến Sydney trong tháng 3 này.
Ông Hun Sen còn đe sẽ "đi theo về nhà và đánh bất cứ ai dám đốt hình nộm của ông".
Các thành viên đảng Lao động đối lập trong Quốc hội Úc vô cùng bức xúc vì phát ngôn của Thủ tướng Campuchia. Nghị sĩ Mark Dreyfus tuyên bố trước Hạ viện "sẽ không ngồi yên khi ông Hun Sen dọa tấn công các thành viên của cộng đồng người Úc gốc Campuchia".
"Úc có một lịch sử đầy tự hào về tự do thể hiện quan điểm chính trị. Khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen dọa đánh đập người Úc biểu tình phản đối chuyến thăm, ông xứng đáng bị lên án bởi hàng ngàn người cả trong lẫn ngoài cộng đồng người Úc gốc Campuchia" - nghị sĩ Dreyfus bình luận.
Tại một buổi điều trần của Thượng viện Úc, Bộ trưởng đối lập phụ trách ngoại giao Penny Wong nhận được sự trấn an rằng các quan chức Campuchia tiếp xúc với đại sứ Úc đã được thông báo về quan điểm của Canberra liên quan đến lời đe dọa của ông Hun Sen.
Bà Wong thông báo các nhóm cộng đồng đã gửi đơn tố cáo ông Hun Sen lên Cảnh sát liên bang Úc và vấn đề này sẽ được nêu ra với phái đoàn Campuchia trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Úc ngày 17 và 18-3.
Thú tướng Hun Sen và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Malaysia năm 2015 - Ảnh: AFP
Theo giới quan sát, chính quyền Canberra muốn xây dựng quan hệ gần gũi với ASEAN, và Úc không có lợi ích chiến lược nào trong việc phá hoại nỗ lực đó bằng cách phản ánh chuyện nhân quyền với các nước láng giềng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Wong, đây đã là lần thứ hai Thủ tướng Hun Sen mượn các hoạt động tại Úc để trấn áp phe đối lập trong nước. Lần đầu ông đã bắt bỏ tù thủ lĩnh đảng đối lập Kem Sokha vì một phát ngôn về chính trị ông này đưa ra tại Melbourne hồi năm 2013.
"Điều đó thật sự đáng quan ngại. Ai đó sẽ ý kiến rằng cần phải phản đối mạnh mẽ hơn" - bà Wong bổ sung.
Trong một bài phát biểu ngày 1-3, ông Hun Sen có vẻ đấu dịu trước tình hình căng thẳng, tuy nhiên ông không xin lỗi hoặc rút lại phát ngôn.
"Những ngày trước tôi hơi nóng giận, (do) họ đốt hình nộm của tôi ở khắp nơi. Thì họ cứ đốt đi, linh hồn của tôi nằm trong các bức tượng rồng trong chùa" - Thủ tướng Campuchia nói, ám chỉ rồng là linh vật biểu tượng cho năm sinh của ông.
Phát biểu tại một sự kiện ở Phnom Penh hôm đầu tuần, đại sứ Campuchia tại Úc Koy Kuong "chữa cháy" trước các phóng viên: "Đến giờ mọi sự đều tốt đẹp, không có gì đẩy lùi quan hệ hai nước".
Ông Kuong bổ sung rằng Thủ tướng Hun Sen không phải là nhà lãnh đạo ASEAN duy nhất bị chào đón "lạnh lẽo" bởi các cộng đồng thiểu số tại Úc.