Thế giới

Trung Quốc yêu cầu Mỹ thôi đơn phương trừng phạt Triều Tiên

TTO - Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Mỹ ngừng ngay lập tức "các hành động sai trái để tránh làm tổn hại quan hệ giữa hai nước".

Trung Quốc yêu cầu Mỹ thôi đơn phương trừng phạt Triều Tiên - Ảnh 1.

Mỹ không giấu diếm kế hoạch sử dụng cả tàu cảnh sát biển để truy tìm và ngăn chặn các tàu làm ăn với Triều Tiên - Ảnh: REUTERS

Ngày 24-2, trong một tuyên bố ngắn gọn, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chính thức lên tiếng phản đối lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ nhắm vào Triều Tiên được công bố một ngày trước đó.

Lệnh trừng phạt mới nhất, theo lập luận của Washington, là sự tiếp nối chiến lược gây áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng cho đến khi quốc gia này từ bỏ chương trình hạt nhân. 

Tuy nhiên, lệnh này không chỉ nhắm vào Triều Tiên và có cơ sở để Trung Quốc lên tiếng phản đối.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23-2 đã thông báo lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của Mỹ nhắm vào Triều Tiên. 

Theo đó, các đối tượng bị Mỹ trừng phạt lần này gồm 56 tàu, các công ty vận tải biển và các doanh nghiệp thương mại. 

Ông Trump bỏ qua việc thông tin chi tiết về các đối tượng bị trừng phạt, chỉ bày tỏ hi vọng những biện pháp mới sẽ phát huy tác dụng tích cực.

Tuy nhiên, theo Hãng tin Reuters, lệnh trừng phạt mới của Mỹ còn nhắm vào cả các cá nhân Đài Loan, các công ty vận tải và năng lượng của Trung Quốc, Hong Kong và Singapore. 

Và đó có thể là lý do khiến Bắc Kinh phản ứng.

Gọi lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ là "sai lầm", Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu Washington ngừng ngay, đồng thời cảnh báo nếu tiếp tục có thể dẫn tới căng thẳng giữa hai nước.

Theo bản tin của Reuters, chính quyền của ông Trump và các đồng minh châu Á đang chuẩn bị mở rộng các chiến dịch ngăn chặn tàu thuyền bị nghi ngờ có hoạt động làm ăn trái phép với Triều Tiên.

Kế hoạch này có thể sẽ gồm cả việc điều động lực lượng cảnh sát biển của Mỹ tham gia ngăn chặn và truy lùng các tàu vi phạm ở vùng biển châu Á - Thái Bình Dương, theo thông tin của một số quan chức cao cấp Mỹ.

Mỹ hiện đã đàm phán với các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Singapore về việc này, theo Reuters.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        233,354       426