TTO – Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng muốn gửi binh sĩ sang cho Trung Quốc huấn luyện nhằm tạo sự "cân bằng" với Mỹ. Mới đây ông bị tình báo Mỹ gọi là "mối đe dọa cho dân chủ".
Tổng thống Duterte thử súng trường Trung Quốc trong lễ bàn giao lô vũ khí đầu tiên ở căn cứ không quân Clark ngày 28-6-2017 - Ảnh: PHÒNG THÔNG TIN TỔNG THỐNG PHILIPPINES
Phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp Trung Quốc - Philippines ở Manila đầu tuần này, Tổng thống Duterte nói rằng Manila hiện cần tạo sự "cân bằng" trong huấn luyện các binh sĩ bởi họ đang có mối quan hệ quá khăng khít với Mỹ.
Muốn tạo "cân bằng"
"Hầu hết binh sĩ Philippines sẽ ngay lập tức lựa chọn Mỹ. Họ đã hình thành một mối quan hệ khăng khít như vậy" - báo Philippines Star ngày 21-2 dẫn lời ông Duterte.
"Tôi đề nghị đợt quân tiếp theo sẽ đi thẳng tới Trung Quốc, như vậy sẽ tạo được sự cân bằng. Tôi chắc chắn Trung Quốc sẽ có một học viện chuyên đào tạo các binh sĩ chuyên nghiệp. Và Trung Quốc có thể tiếp nhận các binh sĩ chúng tôi… nhưng không phải để chống lại Mỹ, mà là chống khủng bố" - nhà lãnh đạo Philippines tuyên bố theo kiểu đôi chút bông đùa.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Philippines nhấn mạnh đề xuất trên không có nghĩa Manila sẽ cắt quan hệ với đồng minh truyền thống là Washington.
Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng đề xuất của ông Duterte sẽ giúp Philippines tái cân bằng ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc đối với nước này.
Theo nhà nghiên cứu Xu Li Ping tại Học viện khoa học xã hội Trung Quốc, Manila và Bắc Kinh có thể "bắt đầu hợp tác về chống khủng bố" trước khi hai nước thật sự mở rộng hợp tác về quân sự.
Tuy nhiên, một số quan chức Philippines đã cho thấy sự hoài nghi đối với đề xuất của ông Duterte. Nó hoàn toàn không khả dĩ với tình trạng hiện nay của quân đội Philippines.
"Các nguyên tắc và trang thiết bị của quân đội Philippines nhìn chung tương thích với Mỹ. Mỹ là đồng minh hiệp ước của Philippines từ năm 1951. Những thứ đó không thể bị làm thay đổi để phù hợp với quân đội Trung Quốc" - cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez lý giải.
Cựu quan chức Philippines nói rằng chưa kể rào cản ngôn ngữ và kinh nghiệm thực chiến của Trung Quốc cũng có thể gây nhiều khó khăn trong công tác huấn luyện binh sĩ Philippines nếu ông Duterte xúc tiến đề xuất trên.
Binh sĩ Trung Quốc tập trận nhưng trong giới quân sự, họ bị cho là kém khả năng thực chiến - Ảnh: AFP
…nhưng vẫn nghi ngại
Đề xuất của ông Duterte càng cho thấy mong muốn thay đổi trong lập trường của nước này trong quan hệ với các nước lớn. Chính người phát ngôn Harry Roque của ông Duterte gần đây tuyên bố Philippines muốn "muốn duy trì quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc".
Hồi tháng 6-2017, Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đã cung cấp cho quân đội Philippines các hỗ trợ về an ninh cũng như giúp huấn luyện binh sĩ Philippines trong các mảng tình báo, trinh sát trong cuộc chiến chống khủng bố ở thành phố Marawi, miền nam Philippines.
Tuy nhiên, cũng ngay trong tháng đó, Philippines đã được Trung Quốc tặng lô vũ khí gồm hàng ngàn khẩu súng trị giá 7,8 triệu USD nhằm giúp Manila đối phó các tay súng khủng bố ở miền nam.
Việc Philippines tiếp nhận cả sự hỗ trợ của cả Mỹ và Trung Quốc cho thấy Manila không muốn dựa dẫm hoàn toàn vào Washington. Các diễn biến trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila thời gian qua đã cho thấy điều đó.
Nhưng Philippines rõ ràng vẫn cho thấy sự đề phòng trong việc đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc. Ngay trong đề xuất gửi quân sang Trung Quốc huấn luyện, ông Duterte khẳng định: "Chúng tôi muốn nói rõ là chúng tôi có quan hệ tốt với Mỹ… Chúng tôi không thể có thêm một liên minh quân sự khác với bất kỳ quốc gia nào vì hiện chỉ có một".
Mặc khác, dù đề xuất đưa quân tới Trung Quốc huấn luyện, nhưng ông Duterte chỉ muốn hợp tác với Bắc Kinh trong lĩnh vực "chống khủng bố". Đó là chưa kể đề xuất trên hiện chỉ trên mặt lời nói và Philippines chưa rục rịch xúc tiến. Nó cho thấy Philippines chỉ muốn quan hệ Manila - Bắc Kinh tiến triển có chừng mực.
Thái độ nghi ngại của ông Duterte khi "chơi" với Trung Quốc cũng dễ hiểu, một phần vì hai nước hiện còn nhiều bất đồng, đặc biệt trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển.
Việc Philippines "nín khe" hơn trong việc đề cập phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế ở The Hague (Hà Lan) không có nghĩa Philippines đồng ý với yêu sách của Trung Quốc.
Trong khi đó, nếu tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là vấn đề gây bận tâm nhiều năm qua cho Philippines thì Benham Rise, vùng biển phía Đông Philippines, hiện khiến Manila lo ngại Trung Quốc hơn bao giờ hết.
Philippines không ngừng lên tiếng về các hoạt động thăm dò của tàu Trung Quốc ở Benham Rise. Mới đây, nước này còn rầm rộ phản đối khi Trung Quốc đơn phương đề xuất đặt tên bằng tiếng Hoa cho 5 thực thể ở Benham Rise lên một tổ chức quốc tế.