TTO - Cộng đồng tình báo Mỹ cảnh báo các học viện Khổng tử của Trung Quốc trên đất Mỹ có thể là một phần trong mạng lưới tình báo của Bắc Kinh.
Nhóm trình diễn của Viện Khổng Tử tại thành phố Indianapolis, bang Indiana (Mỹ) trong lễ kỷ niệm 100 năm thành lập thành phố năm 2011 - Ảnh: PRI
Những khó khăn về tài chính đã đẩy hơn 100 trường đại học ở Mỹ vào thế bắt tay với Viện Khổng tử của Trung Quốc trong thời gian 2, 3 năm ngắn ngủi. Trong khi cộng đồng tình báo Mỹ lo ngại đó có thể là những mạng lưới gián điệp của Bắc Kinh, các chính khách Mỹ còn lo xa hơn thế.
Nói như báo Washington Post, sự tồn tại của các Viện Khổng Tử trên đất Mỹ đặt ra mối đe dọa tới tương lai của quốc gia này vì "Nó ảnh hưởng tới cách mà thế hệ lãnh đạo tiếp theo của nước Mỹ suy nghĩ về Trung Quốc và nhận thức của họ về chế độ ở Bắc Kinh".
Thượng nghị sĩ Marco Rubio (bang Florida) cảnh báo Viện Khổng Tử thực chất là công cụ để thúc đẩy các tư tưởng và suy nghĩ lệch lạc nhưng có lợi cho Trung Quốc trên đất Mỹ.
Trung Quốc đang tận dụng môi trường tự do học thuật ở Mỹ để gieo rắc tư tưởng thân Trung Quốc vào đầu các lãnh đạo tương lai của nước Mỹ. Đó mới là mục đích thật sự của Viện Khổng Tử"
Thượng nghị sĩ Marco Rubio
Hồi đầu tháng 2 này, ông Rubio đã kêu gọi tất cả các trường đại học ở Florida có liên hệ với Viện Khổng tử của Trung Quốc cân nhắc lại mối quan hệ trên.
Động thái này diễn ra sau khi có nhiều báo cáo nói Bắc Kinh, thông qua các Viện Khổng Tử, đã cố gắng kiềm chế những chỉ trích nhắm vào Trung Quốc trong các trường học Mỹ, can thiệp vào các chủ đề học thuật liên quan tới Trung Quốc, thậm chí kiểm soát tư tưởng và giám sát các du học sinh Trung Quốc tại Mỹ.
Những nỗ lực của ông Rubio đã nhận được sự hồi đáp. Đại học West Florida đã quyết định không gia hạn hợp đồng và mối quan hệ với Hanban, cơ quan quản lý các Viện Khổng tử trên toàn thế giới của Trung Quốc.
Đại diện của trường nói việc chấm dứt hợp tác với Viện Khổng Tử là bởi sinh viên không còn hứng thú nhưng thừa nhận những nghi ngại ngày càng tăng cũng ảnh hưởng một phần.
Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), ông Christopher A. Wray trong một cuộc điều trần trước Ủy ban tình báo thượng viện Mỹ hồi tuần rồi xác nhận cơ quan này đang "thận trọng theo sát", thậm chí điều tra một số Viện Khổng Tử.
Các viện Khổng Tử được gắn mác học thuật và chính "sự ngây thơ", như lời ông Wray nói, mới là vấn đề.
"Chúng ta đã tạo ra một môi trường tự do học thuật, nghiên cứu và họ đang lợi dụng điều đó", ông Wray nói. Sự lo lắng của người Mỹ là có cơ sở, bởi người ta hầu như không biết chính xác điều gì đang xảy ra, ai đang đứng đằng sau pho tượng triết gia Khổng Tử.
Một số chuyên gia Mỹ chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và các cựu nhân viên tình báo đã chỉ ra mối liên hệ giữa Viện Khổng Tử và Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Một số nghị sĩ Mỹ như ông Rubio đang yêu cầu Quốc hội hành động nếu các Viện Khổng Tử không minh bạch hóa các hoạt động của họ một cách tự nguyện.
Thực chất đây chỉ là cách chữa cháy bởi căn nguyên xuất phát từ việc các trường đại học Mỹ thiếu tiền còn Trung Quốc thì sẵn sàng đổ núi tiền để mở Viện Khổng Tử trên đất Mỹ.
"Muốn cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc, đừng ngại vun tiền đầu tư cho thế hệ trẻ, các lãnh đạo tương lai của nước Mỹ. Hay chúng ta muốn Trung Quốc làm giúp Mỹ?", Washington Post chốt vấn đề.