TTO - Thời báo Hoàn Cầu, tờ báo chính thức của chính quyền Bắc Kinh, gọi các lực lượng vũ trang Ấn Độ là "mớ xà bần" khi nhắc tới sự cố kỹ thuật xảy ra trên tàu ngầm hạt nhân INS Arihant của Ấn Độ.
Tàu ngầm INS Arihant trong thời gian chế tạo - Ảnh: AFP
Trong bài bình luận đăng hồi giữa tuần này, Hoàn Cầu thời báo đặt nghi vấn về tình trạng của tàu ngầm hạt nhân INS Arihant sau khi nó không xuất hiện trong lễ duyệt binh dịp 69 năm Quốc khánh Ấn Độ hồi tháng trước.
"INS Arihant, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân duy nhất của Ấn Độ, biểu tượng và niềm tự hào quân sự của New Delhi, đã không được nhìn thấy trong thời gian dài. Điều này làm dấy lên nhiều suy đoán", tờ báo Trung Quốc đặt vấn đề đầy ngụ ý.
Theo tờ này, với việc hoàn tất các thử nghiệm và đưa vào biên chế chiếc INS Arihant vào tháng 8-2016, Ấn Độ đã trở thành nước thứ 6 trên thế giới sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Các chuyên gia quân sự đều đồng tính đánh giá đây là cột mốc quan trọng trong sự phát triển của Hải quân Ấn Độ, quốc gia đã có kinh nghiệm hàng chục năm vận hành tàu sân bay.
"Ấy vậy mà chỉ trong vòng chưa tới 2 năm, tàu INS Arihant đã gặp một tai nạn và nằm bờ suốt hơn 10 tháng qua", Hoàn Cầu thời báo bắt đầu đổi giọng.
"Khoang động cơ của INS Arihant đã bị hư hỏng nghiêm trọng sau khi nước biển tràn vào qua một cái lỗ bị mở rdo nhầm lẫn khi thao tác. Bên cạnh các công việc sửa chữa khác, toàn bộ đường ống bên trong đã bị cắt đi và thay mới. Làm sạch tàu ngầm hạt nhân là một công việc tốn kém, đòi hỏi rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian", tờ báo lớn của Trung Quốc viết.
"Ấn Độ mất hơn 2,9 tỉ USD để chế tạo chiếc tàu ngầm đó. Tại sao lại để một lỗi ngớ ngẩn do con người như vậy xảy ra?", Hoàn Cầu đặt câu hỏi trước khi tự trả lời.
"Nguyên nhân chính là sự quản lý yếu kém, sự thiếu hiểu biết của các sĩ quan và thủy thủ Ấn Độ", tờ báo quy kết nhưng không đưa được bất kỳ bằng chứng nào.
Những người lính Ấn Độ thiếu kiến thức, học vấn quá thấp để có thể vận hành các vũ khí tiên tiến. Tất cả những gì họ có là kinh nghiệm và sự lạc hậu. Đó là cách tai nạn đã xảy ra trên tàu INS Arihant"
Tờ Hoàn cầu thời báo tiếng Anh của Trung Quốc viết
Bài bình luận của Hoàn Cầu thậm chí còn đi xa hơn, vượt ra khỏi chuyện tai nạn của tàu INS Arihant. Theo tờ này, dù "mơ ước trở thành cường quốc quân sự", Ấn Độ vẫn phụ thuộc phần lớn nguồn cung vũ khí từ các nước như Anh, Pháp, Mỹ, Nga.
"Các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định vũ khí là khác nhau giữa các quốc gia khác nhau. Cùng với thực tế là Ấn Độ cũng đang tự phát triển vũ khí, nói quân đội Ấn Độ là mớ xà bần không có gì sai", Hoàn Cầu thời báo nhấn mạnh.
Tờ báo này thậm chí còn cho rằng Ấn Độ đang phải lãnh hậu quả vì muốn đua với Trung Quốc.
"Cải tiến công nghệ quân sự không phải là chuyện một đêm một buổi. Ấn Độ đã quá háo thắng, dành quá nhiều sự chú ý đến việc đối phó Trung Quốc. Nó chắc chắn dẫn tới thảm cảnh", tờ báo của chính quyền Bắc Kinh kết luận.
Ấn Độ hiện đang vận hành 2 tàu ngầm hạt nhân, bao gồm cả tàu INS Arihant 6.000 tấn. Con tàu còn lại là INS Chakra 13.000 tấn, vốn là tàu ngầm hạt nhân lớp Akula III được thuê theo hợp đồng 10 năm từ Nga.
Tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ