TTO - Hàng trăm loại tên lửa đã xuất hiện trong trong buổi lễ duyệt binh biểu dương lực lượng mừng 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên sáng 8-2.
Mẫu SRBM mới tham gia buổi duyệt binh ngày 8-2 tại Bình Nhưỡng - Ảnh: KCTV
Sáng 8-2, Triều Tiên đã tiến hành buổi lễ duyệt binh trang trọng nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập lực lượng Quân đội nhân dân nước này, song sự kiện không được truyền hình trực tiếp và các phóng viên quốc tế cũng không được mời tham gia sự kiện như vài sự kiện trước đó.
Video ghi lại lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng - Nguồn: RT/YOUTUBE
Phô diễn ít vũ khí hơn
Hãng thông tấn Yonhap cho biết khoảng 50.000 người đã tập trung tại quảng trường Kim Nhật Thành tham gia sự kiện, trong đó có khoảng 13.000 binh sĩ.
Quang cảnh buổi lễ duyệt binh tại quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng ngày 8-2 - Ảnh: AFP/KCNA
Quang cảnh buổi lễ duyệt binh tại quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng ngày 8-2 - Ảnh: AFP/KCNA
Buổi duyệt binh đánh dấu 70 năm thành lập quân đội nhân dân Triều Tiên - Ảnh: AFP/KCTV
Các đơn vị đặc nhiệm tham gia lễ duyệt binh - Ảnh: AFP/KCTV
Buổi lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng đã diễn ra gần như cùng thời điểm với lễ tiếp đón các vận động viên Triều Tiên tham dự Olympic mùa đông tại Pyeongchang, Hàn Quốc.
Mặc dù báo Úc nêu nhận định cho rằng năm nay có vẻ Triều Tiên "khoe" ít vũ khí hơn năm ngoái, nhưng cũng có những loại vũ khí đáng chú ý đã xuất hiện.
Theo ông Michael Elleman thuộc trang web 38 North, mặc dù không có các loại tên lửa đạn đạo tầm xa, nhưng trong buổi duyệt binh ngày 8-2 tại Bình Nhưỡng, ông đã thấy xuất hiện loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn, sử dụng nhiên liệu rắn (SRBM).
Theo ông Elleman, kích thước và các đặc điểm bên ngoài của loại SRBM mới cho thấy nó được phát triển trên cơ sở công nghệ của tên lửa đạn đạo Iskander của Nga (9K720). Loại tên lửa này cũng có nhiều tính năng tương tự với tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2 của Hàn Quốc.
Ông Elleman viết: "Thêm nữa, loại tên lửa mới có vẻ lớn hơn một chút so với hệ thống tên lửa tầm ngắn, nhiên liệu rắn hiện có của Triều Tiên là Toksa (SS-21). Do đó có thể ước đoán nó có tầm bắn xa hơn, có lẽ tương đương với tên lửa Iskander hoặc Hyunmoo-2".
Không giống lần duyệt binh trước diễn ra hồi tháng 4-2017, hôm qua đài truyền hình nhà nước Triều Tiên đã không tường thuật trực tiếp buổi lễ này mà chọn cách phát sóng lại sau đó vài giờ.
Gửi đi thông điệp rõ ràng
Theo đài CNN, với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, lễ duyệt binh là cơ hội khích lệ tinh thần yêu nước và nhắc nhở thế giới về những thành tựu tiến bộ nhanh chóng, đột phá của Bình Nhưỡng trong chương trình nghiên cứu, phát triển hạt nhân.
Trong khi đó, với Hàn Quốc, buổi duyệt binh là một động thái khó chịu sau những nỗ lực của tổng thống Moon Jae In thể hiện tinh thần đoàn kết liên Triều bằng việc vận động viên hai nước tham gia thi đấu ở một môn dưới cùng một lá cờ.
Người dân xem các hình ảnh về nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại buổi duyệt binh - Ảnh: AP
Ông Adam Mount, chuyên gia nghiên cứu tại Hiệp hội khoa học gia Hoa Kỳ (FAS), nhận định: "Triều Tiên có xu hướng hành xử như vậy ngay cả trong những giai đoạn yên ắng để chứng tỏ sự độc lập của họ và để cố làm chúng ta tin rằng kho vũ khí hạt nhân của họ đã vượt qua mọi giới hạn".
"Đó là một tín hiệu thách thức rõ ràng, và họ cố tình làm như vậy", chuyên gia Adam Mount nói tiếp.
Những buổi duyệt binh của Bình Nhưỡng thường là cơ hội có một không hai để các chuyên gia phân tích tình báo có thể thu thập những hình ảnh về các loại vũ khí, khí tài quân sự của một trong những quốc gia biệt lập nhất thế giới.
Các tên lửa đạn đạo liên lục địa tham gia duyệt binh - Ảnh: KRT/AP
Năm ngoái, nhiều người trong cộng đồng tình báo nguồn mở chuyên theo dõi chương trình vũ khí của Triều Tiên đã rất kinh ngạc trước những loại tên lửa tinh vi, hiện đại mà Bình Nhưỡng mang ra "chào sân".
Các chuyên gia không phổ biến vũ khí hạt nhân cho rằng, trong buổi duyệt binh ngày 8-2, có thể Bình Nhưỡng đã phô diễn một số mô hình mô phỏng công nghệ mới hơn của họ như các loại tên lửa đạn đạo tầm xa sử dụng nhiên liệu rắn.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cùng vợ, bà Ri Sol Ju tại buổi duyệt binh - Ảnh: AFP/KCNA
Dựa trên sự kết hợp của nhiều nhân tố, trong đó có các phân tích hình ảnh vệ tinh và những nguồn tin sâu qua kênh ngoại giao, các chuyên gia phân tích nhận định có thể Triều Tiên muốn chứng tỏ với thế giới nước này đang trong quá trình sản xuất hàng loạt một công nghệ họ từng công khai năm ngoái như tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15.