TTO - Quốc hội bị đình chỉ hoạt động, tình trạng khẩn cấp được ban bố, chánh án tòa án tối cao bị bắt, các cuộc biểu tình bị giải tán… Từ đầu tháng 2-2018, quần đảo Maldives thơ mộng đã rơi vào cảnh hỗn loạn chính trị.
Quần đảo nhỏ Maldives ở Nam Á tọa lạc trên Ấn Độ Dương, là quốc gia châu Á có dân số ít nhất (340.000 dân), diện tích đất chỉ 298 km2, tức chỉ hơn 1/14 diện tích TP.HCM và Hồi giáo được xem là quốc giáo. Maldives nổi tiếng là thiên đường biển đảo, địa điểm nghỉ dưỡng cao cấp dành cho các đôi vợ chồng trẻ đi hưởng tuần trăng mật.
Tình hình trở nên bất ổn ở Maldives từ đầu tháng 2-2018. Ngày 1-2, tòa án tối cao phán quyết hủy án, trả tự do ngay cho 9 nhân vật đối lập, trong đó có cựu Tổng thống Mohamed Nasheed, với lý do quá trình xét xử không công bằng và có động cơ chính trị.
Tòa án tối cao cũng yêu cầu khôi phục quyền lợi cho 12 nghị sĩ đã bị đình chỉ tư cách nghị sĩ vì họ đã tuyên bố rời khỏi đảng cầm quyền (Đảng Tiến bộ Maldives).
Quyết định này của tòa mở đường cho Đảng Dân chủ Maldives (đối lập) có thể chiếm thế đa số tuyệt đối trong Quốc hội 85 ghế và như vậy theo lý thuyết có thể lật đổ tổng thống và bãi nhiệm chính phủ.
Cảnh sát bắt giữ cựu Tổng thống Maumoon Abdul Gayoom (giữa) ngày 6-2 - Ảnh: AP
Chính phủ của Tổng thống Abdulla Yameen Abdul Gayoom (gọi tắt là Abdulla Yameen) tuyên bố không thể tuân theo phán quyết của tòa bởi không thể trả tự do cho các tù chính trị bị kết án "hoạt động khủng bố, tham nhũng, thâm lạm công quỹ và phản bội".
Ngày 3-2, chính phủ tuyên bố đình chỉ hoạt động Quốc hội. Chỉ huy trưởng cảnh sát quốc gia Ahmed Areef định tuân theo phán quyết của tòa án tối cao đã bị cách chức. Chỉ huy trưởng cảnh sát Ahmed Saudhee mới được bổ nhiệm hai hôm cũng tiếp tục bị sa thải.
Hàng trăm người đã xuống đường biểu tình hòa bình tại thủ đô Malé (rộng 4 km2) đòi trả tự do cho tù chính trị. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay giải tán biểu tình.
Ngày 5-2, tình trạng khẩn cấp được ban bố trong 15 ngày nhằm củng cố thêm quyền hạn của cảnh sát. Rạng sáng ngày 6-2, cảnh sát chống bạo động bắt giữ chánh án Abdulla Saeed và một thẩm phán tòa án tối cao với lý do có hành vi tham nhũng.
Cảnh sát giải tán người biểu tình đòi trả tự do cho tù chính trị. - Ảnh: AP
Đảng cầm quyền yêu cầu cảnh sát phong tỏa các văn phòng của kênh truyền hình Raajje. Trang web Maldives Independent của đảng đối lập bị tấn công mạng.
Ngày 6-2, đến lượt cựu Tổng thống Maumoon Abdul Gayoom (81 tuổi) bị bắt tại nhà riêng. Ông là anh em cùng cha khác mẹ với Tổng thống Abdulla Yameen (59 tuổi), giữ chức tổng thống từ năm 1978 -2008 trước cựu Tổng thống Mohamed Nasheed. Tuy là anh em nhưng ông không cùng cánh với tổng thống và đã gia nhập đảng đối lập hồi năm ngoái.
Đến tối 6-2, ba thẩm phán tòa án tối cao còn lại chưa bị bắt đột nhiên quay ngoắt 1800, tuyên bố thu hồi phán quyết trả tự do cho 9 tù chính trị đối lập với lý do "tổng thống đã bày tỏ nhiều lo ngại".
Ông ấy muốn củng cố quyền lực trước kỳ bầu cử tổng thống"
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp Jean-Luc Racine nói về Tổng thống Abdulla Yameen
Những người ủng hộ đảng đối lập biểu tình trước trụ sở tòa án tối cao ở Malé đêm 5-2 - Ảnh: AFP
Cựu tổng thống kêu gọi Ấn Độ can thiệp
Ông Mohamed Nasheed (51 tuổi) giữ chức tổng thống từ tháng 11-2008 và đến tháng 2-2012 thì bị phó tổng thống lật đổ. Tháng 3-2015, ông bị kết án 13 năm tù về tội "hoạt động khủng bố". Tháng 3-2016, ông được phép rời trại giam sang Anh trị bệnh nhưng đã trốn ở lại London, sau đó được Anh cấp quy chế tị nạn chính trị.
Trong bối cảnh bất ổn ở Maldives, từ Sri Lanka ông đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ tước bỏ quyền lực của Tổng thống Abdulla Yameenvì tổng thống ban bố thiết quân luật bất hợp pháp để tiếm quyền.
Ông đề nghị Ấn Độ can thiệp quân sự nhằm bảo đảm thực hiện phán quyết của tòa án tối cao Maldives Ông cũng yêu cầu Mỹ phong tỏa hoạt động tài chính của các nhà chính trị Maldives bị nghi ngờ ăn hối lộ.
Ông Mohamed Nasheed mong muốn trở lại chính trường để tham gia ứng cử tổng thống Maldives trong năm nay. Phe đối lập dựa vào ông đã nhiều lần muốn sử dụng quyền hạn của Quốc hội để bãi chức tổng thống nhưng không thành công.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi "chính phủ Maldives tôn trọng phán quyết quan trọng của tòa án tối cao" và yêu cầu các bên kiềm chế.
Tổng thống Abdulla Yameen ban bố tình trạng khẩn cấp tối 5-2 - Ảnh: AP
Tôi bắt buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp vì không có bất kỳ phương cách điều tra về các thẩm phán này. Đầu tiên chúng ta phải ngưng quyền hạn và quyền miễn trừ của họ bởi lẽ chúng ta phải phát hiện âm mưu phản bội hoặc đảo chính diễn biến đến đâu…"
Tổng thống Abdulla Yameen phát biểu trên truyền hình tối 5-2
Ấn Độ đã từng điều động 1.500 quân can thiệp vào Maldives năm 1988 để ngăn chặn vụ đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Gayoom nhưng đến nay vẫn chưa có phản ứng chính thức.Tương tự LHQ, Liên minh châu Âu, Mỹ và Anh, Ấn Độ đã đề nghị chính phủMaldives dở bỏ tình trạng khẩn cấp và tôn trọng phán quyết của tòa án tối cao.
Trung Quốc, đồng minh của Maldives, cam kết ủng hộ các bên ở Maldives và kêu gọi giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và thương lượng đồng thời bảo vệ tình hình ổn định quốc gia và xã hội.
Trong khi đó, quân đội Maldives đã công khai tuyên bố ủng hộ tổng thống đương nhiệm. Các nhà quan sát nhận định nếu quân đội Maldives phản phé, Tổng thống Abdulla Yameenchỉ còn có thể nhờ cậy Trung Quốc và Saudi Arabia.
Thủ đô Maldives tọa lạc trên đảo Malé - Ảnh: shaheeilyas.com
Từ đầu tháng 2-2018, không riêng gì Việt Nam, nhiều nước đã khuyến cáo du khách về tình hình bất ổn tại quần đảo Maldives. Trung Quốc là quốc gia có số du khách đến Maldives nhiều nhất đã khuyến cáo người dân không nên đến Maldives vào thời điểm này mặc dù Tết là mùa cao điểm du lịch.
Pháp, Nga, Úc, Ấn Độ khuyến cáo người dân tránh đến thủ đô Malé của Maldives và các đảo khác, thậm chí nên hoãn hành trình. Mỹ và Anh đề nghị người dân nên thận trọng khi đến Maldives.
Dù tình hình chính trị căng thẳng, các trường học và mạng lưới giao thông ở Maldives vẫn hoạt động bình thường. Năm 2017, Maldives đã đón khoảng 1,4 triệu khách quốc tế so với 1,28 triệu khách năm trước đó.