TTO - Các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong đang hối thúc chính phủ Anh công bố hàng ngàn hồ sơ chưa từng công khai để có căn cứ bảo vệ quyền tự chủ của đặc khu này.
Nhà hoạt động chính trị Hoàng Chi Phong - Ảnh: REUTERS
Theo báo Guardian, các nhà hoạt động dân chủ tại đặc khu hành chính Hong Kong yêu cầu chính quyền Anh công bố các tài liệu liên quan tới khu vực từng là thuộc địa của Anh vì cho rằng sau 20 năm Hong Kong được trả về Trung Quốc, những tài liệu đó có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp họ bảo vệ quyền tự trị khi Bắc Kinh ngày càng gia tăng sức ép kiểm soát.
Các thông tin liên quan tới những tài liệu này từng xuất hiện khoảng 5 năm trước. Tuy nhiên phía London cho rằng cần một khoảng thời gian nữa trước khi quyết định ngày chính thức sẽ công bố toàn bộ.
Các tài liệu này đã được chuyển về Anh khi Hong Kong trả về Trung Quốc năm 1997, trong đó bao gồm cả những tài liệu đề cập tới tương lai của đặc khu này sau khi trao trả.
Các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong tin rằng những tài liệu ấy sẽ giúp soi tỏ đáng kể nhiều vấn đề tranh cãi hiện nay, đồng thời không khỏi lo ngại việc các hồ sơ liên quan tới những sự việc phía Bắc Kinh cho là nhạy cảm, như các cuộc bạo động đẫm máu năm 1967, có thể vĩnh viễn mất đi.
"Chúng ta đã tiến tới một giai đoạn trọng yếu. Văn phòng đối ngoại Vương quốc Anh nên công bố tất cả những hồ sơ này càng sớm càng tốt… Chẳng vinh dự gì khi che đậy sự thật lịch sử, nhất là lịch sử thuộc địa", Hoàng Chi Phong - thủ lĩnh sinh viên kiêm chủ tịch đảng Demosistō, nêu quan điểm.
Người Hong Kong có quyền được biết (về những tài liệu đó) trong bối cảnh không khí chính trị tại Hong Kong đang xấu đi nhanh chóng, việc này là rất bức thiết"
Hoàng Chi Phong - thủ lĩnh sinh viên kiêm chủ tịch đảng Demosistō
Giới chức Anh cho biết mặc dù không nêu quan điểm công khai, song thủ tướng Anh Theresa May cũng đã đề cập tới những quan ngại của bà về tình hình tại đặc khu kinh tế Hong Kong trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân chuyến công du tại Bắc Kinh ngày 1-2 vừa qua.
Tuyên bố chung của Anh và Trung Quốc có nội dung đảm bảo các quyền và sự tự do của đặc khu kinh tế Hong Kong cho tới ít nhất năm 2047, nửa thế kỷ sau khi trao trả.
Tuy nhiên thời gian qua, giới hoạt động chính trị và ủng hộ dân chủ tại Hong Kong liên tục cáo buộc chính quyền Bắc Kinh đã có những động thái vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận đó. Trong đó có việc bỏ tù nhà hoạt động Hoàng Chi Phong và những người khác liên quan tới các tội danh họ bị cáo buộc trong phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Hong Kong năm 2014.