TTO - Sân vận động mới phục vụ Thế vận hội mùa đông tại Pyeongchang, Hàn Quốc xây hết 109 triệu USD nhưng sẽ chỉ được dùng 4 lần, sau đó sẽ bị đập bỏ.
Sân vận động Pyeongchang mất khoảng 109 triệu USD xây dựng để phục vụ Thế vận hội mùa đông 2018 nhưng sẽ chỉ được dùng 4 lần rồi đập bỏ - Ảnh: AP
Theo đài NPR, sân vận động Olympic mới xây tại Pyeongchang, Hàn Quốc sẽ chỉ được dùng trong 4 dịp là các buổi khai mạc và bế mạc của hai sự kiện thể thao Olympic và Paralympic mùa đông năm nay, sau đó nó sẽ bị phá bỏ.
Việc một sân vận động ngốn hết 109 triệu USD ngân sách xây dựng nhưng chỉ được dùng 4 lần rồi bỏ một lần nữa lại dấy lên câu hỏi việc đăng cai tổ chức Thế vận hội có thực sự đem lại hiệu quả kinh tế khi những thành phố đăng cai không có sẵn một cơ sở hạ tầng tương đối đáp ứng sự kiện này.
13 tỉ USD cho các công trình Olympic
Trên thực tế sân vận động ở Pyeongchang chỉ là một trong số rất nhiều khu vực thi đấu, không gian tổ chức sự kiện và nhiều cấu trúc công trình khác được xây dựng tại Hàn Quốc thời gian qua để phục vụ Thế vận hội mùa đông. Tổng chi phí cho các công trình đó có thể ngốn gần 13 tỉ USD ngân sách Hàn Quốc.
Bất kể việc nhà chức trách đã đưa ra những kế hoạch thuyết phục về việc tái sử dụng những công trình này, tuy nhiên tại những thành phố từng đăng cai Olympic trước đó, trong đó có Rio de Janeiro và Athens, hiện vẫn đang tồn vô số những tổ hợp công trình thể thao bị bỏ trống, sập xệ theo thời gian.
Các nhà tổ chức Thế vận hội Hàn Quốc đang lên kế hoạch phá bỏ một số công trình sau Olympic. Theo phó giáo sư chuyên ngành quản lý thể thao của Đại học Michigan, bà Judith Grant-Long, họ thà làm như vậy còn hơn tiếp tục giữ chúng lại thành "những con voi trắng" (chỉ những thứ rất tốn tiền làm nên nhưng rồi chẳng có công dụng gì).
"Không có gì lạ khi các công trình tạm thời được dùng trong bối cảnh tổ chức Olympic. Tuy nhiên với mức chi phí khoảng 100 triệu USD thì thực sự khiến mọi người sửng sốt và quan tâm tới các khoản chi phí liên quan tới các công trình thi đấu", bà Grant-Long nói.
Số dân quá ít trong khu vực là một lý do khiến ý tưởng tái sử dụng sân vận động không thuyết phục về hiệu quả kinh tế. Tại Pyeongchang chỉ có khoảng 40.000 dân, do đó gần như không có cơ sở để duy trì hoạt động hiệu quả một sân vận động có tới 35.000 chỗ ngồi như vậy.
Trung tâm Olympic Aquatic tại thủ đô Athens, Hi Lạp hiu hắt kể từ sau Thế vận hội mùa hè 2004 - Ảnh: GETTY IMAGES
Những bài học nhãn tiền
Giới chức Hàn Quốc hy vọng Thế vận hội mùa đông sẽ góp phần biến Pyeongchang thành một điểm thu hút khách du lịch mới.
Các nhà tổ chức Thế vân hội tại Sochi, Nga cũng từng có mục tiêu này. Tuy nhiên theo bà Grant-Long, khác với người Nga, người Hàn Quốc không quan tâm nhiều tới thể thao mùa đông.
Tháng tư năm ngoái, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đã làm khảo sát và nhận thấy, chỉ 35,6% người dân nước này quan tâm tới Thế vận hội mùa đông.
Các gánh nặng tài chính sau những kỳ Thế vận hội và các sự kiện thể thao quốc tế khác là chuyện "thường ngày ở huyện". Thành phố Montreal của Canada phải mất tới 30 năm để trả hết nợ vay sau Olympic 1976.
Sân vận động tổ chức Olympic của thành phố này gần đây đã được chuyển thành trung tâm tiếp đón những người di cư từ Mỹ sang Canada xin cơ chế tị nạn.
Thành phố Athens của Hi Lạp cũng đã bỏ ra hơn 15 tỉ USD để tổ chức Thế vận hội mùa hè năm 2004. Khoản chi này thực sự đã đội thêm gánh nặng nợ nần, đẩy Hi Lạp vào cuộc khủng hoảng nợ công rất lớn thời gian qua và hiện vẫn đang phải chật vật giải quyết.
Tại thành phố Rio của Brazil, các nhà tổ chức Thế vận hội vẫn đang "vật vã" với khoản nợ 40 triệu USD đi vay để tổ chức thế vận hội mùa hè 2016 sau khi các kế hoạch tham vọng biến các khu thi đấu thành trường học phá sản.
Một sân vận động khác tiêu tốn 550 triệu USD tại Brasilia, Brazil, cũng đã bị biến thành bãi đậu xe bus sau vòng loại bóng đá năm 2015 được tổ chức tại đây.
Một số sân thi đấu tennis còn lại bên cạnh sân vận động tennis chính ở khu Olympic Park tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil vắng vẻ và hiện không được sử dụng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế sâu tại thành phố này - Ảnh: GETTY IMAGES
Đăng cai sự kiện thể thao là nợ?
"Hầu hết các nước rốt cuộc đều rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, rất nhiều "con voi trắng", và quá nhiều khoản đầu tư hạ tầng không lý tưởng cho nhu cầu phát triển của thành phố", giáo sư kinh tế học Andy Zimbalist tại trường cao đẳng Smith ở Northampton, bang Massachusetts từng nêu quan điểm như vậy từ năm 2014.
Các chuyên gia cho rằng hầu hết các thành phố quyết định đăng cai Olympic đều sẽ đối mặt với hàng núi nợ nần, nhất là khi họ không có sẵn một cơ sở hạ tầng thích hợp.
Bên cạnh đó các công ty xây dựng lại thường "vẽ" thêm rất nhiều các bản kế hoạch chi tiết để hối thúc giới chức cầm quyền hăng hái giành quyền đăng cai hơn.
"Nếu quý vị tổ chức thế vận hội, quý vị sẽ phải chuẩn bị sẵn tâm thế ứng phó với những bất ngờ về tài chính, và nợ nần", sử gia Olympic, ông David Wallechinsky nói.
"Tuy nhiên chuyện người vẫn có thể làm được, và nó đã được làm thành công. Thế vận hội London đã không tốn tiền bạc. Thế vận hội Los Angeles 1984 thậm chí còn có lời, và trên thực tế khoản lời đó đã được sử dụng hiệu quả".
Theo báo The Los Angeles Times, thế vận hội 1984 đã mang lại lợi nhuận 225 triệu USD cho nhà tổ chức. Đây là khoản tiền đã được dùng để hỗ trợ các hoạt động của tổ chức Olympic Mỹ và các tổ chức thể thao trẻ ở địa phương trong 3 thập kỷ qua.
Cuối năm ngoái, hai thành phố Paris và Los Angeles đã được chọn đăng cai tổ chức Thế vận hội năm 2024 và 2028. Ủy ban Olympic Quốc tế cho biết sở dĩ các thành phố này được chọn vì họ có những kế hoạch sử dụng "một số lượng kỷ lục các cơ sở hạ tầng đã có và tạm thời".