Thế giới

Triều Tiên giảm quy mô tập trận: hết tiền hay cố ý?

TTO - Triều Tiên được cho đã giảm quy mô đợt tập trận thường niên của nước này. Nhưng vì Bình Nhưỡng đang 'hết tiền' hay cố ý làm vậy?

Triều Tiên giảm quy mô tập trận: hết tiền hay cố ý? - Ảnh 1.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong bức ảnh chụp tháng 9-2017 - Ảnh: Reuters

Thông thường, Triều Tiên thường bắt đầu tập trận từ tháng 12 đến tháng 3 hàng năm, trong đó có các bài bắn đạn thật và tàu ngầm.

Tuy nhiên hôm 29-1, báo Wall Street Journal cho biết đợt tập trận của Triều Tiên đang "ít rộng lớn hơn bình thường".

Tờ báo Mỹ dẫn lời một số quan chức Mỹ nhận xét rằng động thái này phản ánh các áp lực mà Triều Tiên đang gánh chịu từ lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào kinh tế và quân sự.

Tuy nhiên cũng không ít ý kiến nói rằng đây chỉ là màn "PR" của Triều Tiên khi tất cả đang hướng về họ trước thềm Olympic Mùa đông tổ chức ở Hàn Quốc.

Nhà phân tích quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia (Center for the National Interest, trụ sở Washington, Mỹ), ông Harry Kazianis nói với CNBC rằng ông thiên về hướng "PR" hơn.

Về cơ bản Triều Tiên đã hạ tốc độ và nhịp độ của các đợt tập trận. Tôi nghĩ rằng điều này có ý nghĩa, nhưng tôi không đề cao những báo cáo nói rằng hành động của Triều Tiên là do bị trừng phạt hay hạn chế nguồn cung dầu, hoặc cái gì đó đại loại thế.

Ông Harry Kazianis

Cũng theo nhà phân tích này, nếu có việc giảm quy mô tập trận, thì có vẻ nó cho thấy Bình Nhưỡng đang cố gắng thể hiện cách hành xử tốt đẹp nhất cho sự kiện Olympic, vì cả thế giới đang dõi theo quốc gia này.

Các bạn phải nhớ là họ (Triều Tiên) đã không thực hiện vụ thử tên lửa nào trong vài tháng gần đây nhất. Tất cả điều này là một màn PR của người Triều Tiên để giúp hình ảnh của họ tốt đẹp nhất có thể.

Kazianis nhận xé

Thực tế, ý kiến cho rằng Triều Tiên đang giả vờ thân thiện với Hàn Quốc và Mỹ đã xuất hiện kể từ khi Bình Nhưỡng bất ngờ tuyên bố sẵn sàng đối thoại cách đây chưa lâu.

Các quan điểm hoài nghi về nhã ý của Triều Tiên đa phần cho rằng chính quyền lãnh đạo Kim Jong Un đang chịu áp lực trừng phạt quốc tế quá lớn, nên tỏ ra thân thiện để "giảm tải".

Nhưng cũng nhiều chuyên gia nói rằng thực tế lệnh trừng phạt đang cắt đúng yết hầu tài chính và nhiên liệu của Triều Tiên, nên nước này không thể triển khai tập trận hay phát triển hạt nhân.

"Một khả năng là Triều Tiên đơn thuần không còn tài nguyên vào thời điểm này để phục vụ cho hoạt động ấy (tập trận) và phải quyết định tiết kiệm tài nguyên, và dành tài nguyên ấy vào các lĩnh vực khác", bà Lisa Collins, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) nói.

Đồng ý kiến đó, ông Denny Roy tại trung tâm nghiên cứu East-West Center (trụ sở ở Honolulu), chuyên gia về an ninh châu Á - Thái Bình Dương khẳng định Triều Tiên đang lực bất tòng tâm.

Triều Tiên có nhiều điểm yếu cơ bản, và họ đang gặp khó trong việc duy trì tư thế sẵn sàng về quân sự nhìn chung. Họ phải làm thế trong nhiều năm, nhưng hiện nay tình hình mỗi lúc một khó với những lệnh trừng phạt như đã thấy.

Ông Roy nêu nhận định

Dù thế nào đi nữa, kể cả ông Kazianis vẫn cho rằng bất chấp những gì đang diễn ra là một "diễn biến tích cực", thì căng thẳng vẫn có thể gia tăng bất cứ lúc nào sau Olympic, khi cuộc tập trận Mỹ - Hàn sắp diễn ra.

Vì lẽ đó, nếu Mỹ và Hàn Quốc "ghi nhận" nỗ lực của Triều Tiên ở Olympic này thì cơ may giải quyết mâu thuẫn hạt nhân sẽ cao. 

Còn nếu đợt tập trận Mỹ - Hàn vẫn diễn ra trong sự phản đối của Triều Tiên, chưa chắc những cảm giác tích cực được kéo dài.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        247,597       631