Thế giới

Biểu tình không đe dọa được ông Putin

TTO - Giới quan sát đánh giá phong trào đối lập ở Nga sẽ không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Tổng thống vào tháng 3-2018, nhưng sẽ làm thay đổi bức tranh chính trị của nước Nga.

Biểu tình không đe dọa được ông Putin - Ảnh 1.

Những người tuần hành đòi tẩy chay bầu cử ở thủ đô Matxcơva ngày 28-1 - Ảnh: REUTERS

Ngày chủ nhật (28-1), tại nhiều thành phố lớn của Nga diễn ra các hoạt động tuần hành kêu gọi "cử tri tẩy chay bầu cử tổng thống" do nhà lãnh đạo đối lập Aleksei Navalny phát động. Trong mắt truyền thông phương Tây, đó là những cuộc biểu tình đông người và những cuộc bắt bớ.

Báo Vedomosti của Nga dẫn lời ông Navalny cho biết người dân đã đổ xuống đường tại 118 thành phố, nhưng khoảng 20% trong đó (bao gồm Matxcơva và Saint Petersburg) không nhận được sự cho phép của chính quyền.

Còn theo Bộ Nội vụ Nga, tuần hành diễn ra tại 46 khu vực trên cả nước với số lượng người tham gia khiêm tốn là 3.500. Tại thủ đô Matxcơva, khoảng 1.000 người đã tập trung tại quảng trường Puskin với các khẩu hiệu quen thuộc như "Nước Nga sẽ tự do", "Tẩy chay bầu cử"...

Đến chiều tối chủ nhật, cảnh sát Nga bắt giữ tổng cộng 257 người có hành vi quá khích, nhiều nhất là ở các thành phố Cheboksarakh, Ufa, Kemerov và Murmansk. Riêng ở Matxcơva có 16 người bị bắt, trong đó bao gồm thủ lĩnh Aleksei Navalny.

Theo ông Leonid Volkov - trưởng ban vận động tranh cử của ông Navalny, dù lần này tỉ lệ các cuộc tuần hành được cho phép cao hơn những lần trước, nhưng người tham gia đã vấp phải nhiều trở ngại hơn từ lực lượng chấp pháp. Chẳng hạn tại các thành phố như Omsk, Pskov, Petersburg, Murmansk... cảnh sát tịch thu hết các tài liệu tuyên truyền.

Còn nhớ hồi tháng 10-2017, trong cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin, ông Nicolai Svanidze - thành viên Hội đồng Nhân quyền Nga - đã nêu lên vấn đề từ chối cấp phép biểu tình và bắt giữ người. Đáp lại, ông Putin nhận xét việc can thiệp vào hoạt động xã hội ở các thành phố lớn là không đúng và hứa sẽ suy nghĩ về chuyện này.

Có vẻ như chính quyền Nga quả thật "nới tay hơn" kể từ sau lần ông Putin cân nhắc.

Các chuyên gia Nga đánh giá thủ lĩnh đối lập Navalny không cho người dân thấy được giải pháp sau tất cả những chỉ trích. "Nếu đã tuyên bố cử tri toàn Nga tẩy chay bầu cử, sau đó anh không thể tổ chức biểu tình rầm rộ chả hiểu vì mục đích gì" - nhà chính trị học Gleb Pavlovsky bình luận.

Chuyên gia Pavlovsky giải thích thêm: "Nhà lãnh đạo cần phải nói rõ ông ấy đề xuất cái gì và vì mục đích gì. Có một ấn tượng là ông Navalny cứ thường xuyên nổi lên ở tầm mức quốc gia, như hồi ra mắt bộ phim và hai lần biểu tình năm 2017, rồi lại chìm xuống".

Có một điều ông Navalny làm được, theo vị chuyên gia, đó là dựng lên một vũ đài chính trị mới, tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các ứng viên tổng thống như bà Ksenia Sobchak (ngôi sao truyền hình, thuộc Đảng Sáng kiến dân sự) và ông Pavel Grudinin (doanh nhân, thuộc Đảng Cộng sản Nga).

Trọng tâm của cuộc bầu cử không liên quan đến tên của tân tổng thống Nhà chính trị học

Aleksandr Kyinev

Ở góc nhìn khác, nhà chính trị học Aleksandr Kyinev nhận định mục đích của phong trào Navalny chỉ là tạo ra một trường thông tin. "Chính quyền lọt vào bẫy của ông ấy khi phản ứng quá đà, điều đó chỉ giúp thông tin lan truyền sâu rộng hơn" - ông Kyinev nêu quan điểm.

Theo đánh giá của ông Kyinev, có một sự thú vị nằm ở ứng viên tổng thống Pavel Grudinin của Đảng Cộng sản Nga. Thứ nhất, đây là một gương mặt mới và sự thể hiện của ông được nhiều người quan sát; thứ hai, kết quả tranh cử của ông Grudinin sẽ ảnh hưởng đến tương lai của Đảng Cộng sản Nga, tức câu hỏi ai sẽ là người thừa kế ông Gennady Zyuganov lãnh đạo đảng này.

Theo báo Vedomosti, giới quan sát tại Nga ít ai nghi ngờ về một chiến thắng tuyệt đối của ông Vladimir Putin, do đó mọi chú ý dồn về các ứng viên "về sau" nhưng nổi bật như bà Sobchak, ông Grudinin, ông Grigory Yablinsky (Đảng Quả táo)... và cách thức phân chia số phiếu bầu còn lại.

Kết quả bầu cử không chỉ liên quan người trong cuộc, nó còn ảnh hưởng đến số phận những chính trị gia ủng hộ ứng viên đó, hệ quả là cán cân quyền lực trong các đảng phái nói riêng và chính trường Nga nói chung sẽ thay đổi.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        247,633       301