TTO - Các chính trị gia Mỹ chạy đua cứu vãn tình trạng đóng cửa chính phủ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu kéo dài. Tuy nhiên, các bên vẫn không tỏ ý muốn nhượng bộ.
Biểu tình phản đối ông Trump ở New York - Ảnh: REUTERS
Cuộc họp của Thượng viện ngày 21-1 (giờ Mỹ) là nỗ lực cuối cùng để giải quyết bất đồng khiến Chính phủ Mỹ đóng cửa sau nửa đêm 19-1 (trưa 20-1, giờ Việt Nam), sau khi dự luật chi tiêu tạm thời không vượt qua được ải Thượng viện.
Nút thắt nằm ở yêu cầu của phe Dân chủ đòi hỏi giữ các biện pháp bảo vệ nhóm Dreamers, gồm hơn 700.000 người nhập cư bất hợp pháp đến Mỹ khi còn nhỏ.
“Thật mỉa mai là nó diễn ra vào dịp kỷ niệm năm đầu tiên của Tổng thống Trump, như là một cái tát vô mặt giới lãnh đạo ở Washington
Hãng Tân Hoa xã của Trung Quốc bình luận
Không nhượng bộ
Hãng tin AFP cho biết các cuộc thương thảo tiếp tục kéo dài suốt cuối tuần với hi vọng đưa ra được một giải pháp vào đầu tuần này để duy trì hoạt động của chính phủ thêm bốn tuần nữa trước khi hoàn tất gói ngân sách cuối cùng.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell khẳng định các nghị sĩ sẽ bỏ phiếu một lần nữa vào rạng sáng 22-1 (trưa giờ Việt Nam). "Chắc chắn chúng tôi sẽ bỏ phiếu lúc 1h sáng hoặc sớm hơn" - ông McConnell lạc quan.
Tuy nhiên, việc các bên chỉ trích nhau kịch liệt và đưa ra tuyên bố cứng rắn làm gia tăng lo ngại việc đóng cửa Chính phủ Mỹ sẽ còn kéo dài. "Tổng thống sẽ không đàm phán về vấn đề cải cách nhập cư cho đến khi phe Dân chủ thôi mánh khóe và mở cửa chính phủ trở lại" - hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump cũng chỉ trích phía Dân chủ đã ưu tiên "những đối tượng nhập cư phi pháp" hơn là các vấn đề quân sự hay an ninh biên giới. Phe Cộng hòa muốn tăng chi tiêu cho an ninh biên giới, bao gồm xây tường dọc biên giới Mexico, cải cách nhập cư và tăng chi tiêu quân sự.
Ông Trump cho rằng phe Dân chủ đã có thể "dễ dàng đạt được một thỏa thuận" với phe Cộng hòa nhưng lại lựa chọn việc chính phủ phải "đóng cửa". "Đây là kỷ niệm một năm nhiệm kỳ tổng thống của tôi và bên Dân chủ muốn tặng tôi một món quà hay ho" - ông Trump viết đầy mỉa mai trên Twitter.
Ngược lại, các nghị sĩ Dân chủ cho biết họ đã sẵn sàng nhượng bộ nhưng phe Cộng hòa đã rút khỏi thỏa thuận. Lãnh đạo Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer chỉ trích ông Trump là "một người đàm phán không đáng tin cậy", rút lui khi hai bên đã vài lần gần đạt được thỏa thuận. "Đàm phán với ông Trump giống đàm phán với thạch rau câu. Không thể đàm phán với một mục tiêu luôn di chuyển" - ông Schumer mô tả.
Ông Marc Short, giám đốc phụ trách vấn đề luật của Nhà Trắng, cho biết ông Trump đã liên lạc với các lãnh đạo Cộng hòa ở Quốc hội nhưng chưa tiếp xúc với các thành viên Dân chủ sau khi chính phủ đóng cửa.
Sợ hãi chờ đợi
Tác động của đợt đóng cửa cuối tuần qua vẫn chỉ hạn chế ở việc đóng cửa một số cơ sở như thư viện, nhưng có thể nghiêm trọng hơn nếu kéo dài sang tuần mới. Hàng trăm ngàn nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ việc tạm thời và hơn 1,3 triệu quân nhân vẫn phải thực hiện nhiệm vụ nhưng sẽ không được trả lương. Các nhân viên làm các nhiệm vụ thiết yếu như đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh công cộng sẽ tiếp tục làm việc. Số phận chuyến công du của ông Trump đến Thụy Sĩ dự Diễn đàn kinh tế thế giới Davos cũng chưa rõ ràng.
Giới phân tích ước tính nền kinh tế Mỹ có thể bị thiệt hại đến 6,5 tỉ USD nếu chính phủ bị đóng cửa chỉ trong một tuần. Thậm chí cuộc khủng hoảng chính trị có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Quốc hội trong năm nay.
Hãng tin AFP dẫn lời một nhân viên lâu năm trong Chính phủ Mỹ cho biết không bất ngờ với việc đóng cửa, vốn đã xảy ra bốn lần trong gần ba thập kỷ qua, nhưng việc chờ đợi vẫn rất đáng sợ. Gần đây nhất, vào năm 2013, chính phủ nước này đóng cửa trong 16 ngày do không đạt được thỏa hiệp về ngân sách cho những cải cách chăm sóc y tế của tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama.
Trong khi đó, các chính trị gia và giới quan sát không mấy lạc quan. Nghị sĩ Dân chủ Gerry Connolly cho biết ông sẽ cảm thấy ngạc nhiên nếu Quốc hội Mỹ đạt được thỏa thuận trước ngày 22-1 bởi các bên không thực sự thương lượng nghiêm túc. Hãng Reuters bình luận việc ông Trump luôn tự nhận mình là một nhà đàm phán xuất chúng nhưng lại không đạt được thỏa thuận bất chấp có ưu thế đa số cho thấy sự thụt lùi trong chính quyền của ông.
Sự phân cực chính trị còn thể hiện ở làn sóng biểu tình trên toàn nước Mỹ phản đối Tổng thống Trump và chính sách của ông. Hàng trăm ngàn phụ nữ và những người đàn ông ủng hộ họ đã xuống đường biểu tình trong hai ngày 20 và 21-1 ở Washington, New York, Los Angeles, Chicago và khoảng 250 thành phố khác. Bên ngoài nước Mỹ, phụ nữ cũng xuống đường tại Anh, Pháp, Hi Lạp, Úc...
"Chúng tôi phản đối ông Trump vì với chúng tôi, ông ấy đại diện cho chiến tranh, phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc và sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia" - nhà hoạt động người Hi Lạp Petros Konstantinou cho biết. Đáp lại, ông Trump chỉ phản hồi tỉnh bơ trên Twitter: "Thời tiết đẹp trên khắp đất nước vĩ đại của chúng ta, một ngày hoàn hảo cho tất cả phụ nữ tuần hành".
HỒNG VÂN