TTO - Các nghị sĩ đến từ các nước thành viên Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) đều cho rằng chính sách hạt nhân của Bình Nhưỡng là mối đe dọa khôn lường đối với khu vực.
Nghị sĩ nhiều nước đồng loạt lên tiếng về chương trình hạt nhân của Triều Tiên tại phiên toàn thể "Các vấn đề an ninh, chính trị" ngày 19-1 trong khuôn khổ hội nghị lần 26 Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) tổ chức tại Hà Nội.
Nguy cơ xung đột quân sự
Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Iosifovich Kosachev khẳng định nước này phản đối phổ biến vũ khí hóa học và hủy diệt hàng loạt và không dung thứ cho hành động sử dụng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Chúng tôi phản đối mọi hành động đơn phương của Triều Tiên. Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên phải được giảm vì nếu không nó sẽ dẫn đến xung đột quân sự trong khu vực"
Ông Konstantin Iosifovich Kosachev - Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga
Trong khi đó ông Banri Kaieda, đoàn Nhật Bản, khẳng định chương trình hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa rất lớn với các nước láng giềng, do đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần có một hiệp định chống phổ biến vũ khí hạt nhân của riêng mình để có thể gây sức ép với Triều Tiên.
"Chúng ta cần phải có một hiệp định khung chống phổ biến vũ khí hạt nhân phiên bản châu Á - Thái Bình Dương để các nước trong khu vực gây sức ép yêu cầu Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân của mình" - ông Banri Kaieda nhấn mạnh.
Ông Ali Ehassassi - nghị sĩ Canada, trong khi đó khẳng định Canada sẵn sàng hợp tác với nghị viện các nước ở châu Á - Thái Bình Dương để giải quyết vấn đề Triều Tiên.
"Triều Tiên là nước duy nhất tiến hành thử hạt nhân trong thời kỳ hiện đại... Bất cứ hành động quân sự nào của Triều Tiên có thể dẫn đến sự phản kháng của Mỹ và dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân" - nghị sĩ Ali Ehassassi cảnh báo.
Ngoài vấn đề Triều Tiên, nghị sĩ các nước thành viên APPF cũng dành nhiều thời gian thảo luận các thách thức an ninh khác, bao gồm tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, bất bình đẳng, người di cư, dịch bệnh, thiên tai khốc liệt...
Cần biến lời nói thành hành động
Phó chủ tịch Hạ viện Indonesia Fahri Hamzah, trưởng đoàn Indonesia, cho rằng người dân đang sống trong một thế giới mà xung đột dễ xảy ra, do đó ngoại giao nghị viện, nhất là APPF, phải đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan.
"Mỗi kỳ họp cần thực hiện việc đưa lời nói tới hành động, vì lợi ích, chính nghĩa của người dân trên thế giới, với chức năng cao cả là tạo hòa bình và công bằng" - ông Fahri Hamzah nêu đề xuất.
Theo nghị sĩ Indonesia, mối quan hệ đối tác giữa các nước thành viên cần được củng cố hơn nhằm đóng góp cho hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững của khoảng 3 tỉ người dân ở 27 quốc gia thành viên APPF. Trong sự đóng góp đó, APPF phải phát huy tối đa vai trò xúc tác và gắn kết các bên.
Đại diện nước chủ nhà Việt Nam trong phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng với vai trò là cơ quan lập pháp, các nghị viện cần nội luật hóa các cam kết quốc tế, tăng cường giám sát việc thực hiện nghĩa vụ, cam kết đối với các công ước, luật pháp quốc tế.
Cũng trong ngày 19-1 đã diễn ra phiên thảo luận "Các vấn đề kinh tế thương mại", tập trung vào các chủ đề như vai trò của nghị viện trong việc thúc đẩy hội nhập quốc tế khu vực, an ninh lương thực và phát triển bền vững nông nghiệp, ủng hộ doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ trong kỷ nguyên số.
Ngày 20-1, Hội nghị APPF-26 kết thúc. Dự kiến các nước thành viên sẽ thông qua 44 dự thảo nghị quyết của chương trình nghị sự, trong đó có 6 dự thảo nghị quyết của chủ nhà Việt Nam.
Công bố dự thảo nghị quyết về an ninh khu vực
Trong khuôn khổ APPF-26, chủ nhà Việt Nam đã công bố dự thảo nghị quyết "Thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới". Nội dung của dự thảo này nhấn mạnh vai trò của nghị viện trong việc thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế, ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, kêu gọi tăng cường hợp tác, thực hiện các cam kết toàn cầu nhằm đối phó với các thách thức hiện nay; hiện thực hóa các trọng tâm đã được các nền kinh tế thống nhất tại APEC 2017 như thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, sáng tạo, bền vững và cân bằng.