TTO - Bộ Ngoại giao Iran đã ra tuyên bố bác bỏ mọi khả năng thay đổi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), mà Tehran cùng nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) đã ký năm 2015.
Người dân Iran xuống đường tuần hành hôm 3-1 để ủng hộ chính phủ đương nhiệm - Ảnh: REUTERS
Trong tuyên bố ngày 13-1, Iran cũng khẳng định không khuất phục trước sức ép của Mỹ buộc Tehran phải đàm phán lại thỏa thuận này.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ không tái áp đặt các biện pháp trừng phạt hạt nhân đối với Iran trong 120 ngày, đồng nghĩa với việc thỏa thuận lịch sử trên vẫn được duy trì ít nhất tại thời điểm này. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định quan điểm phải thay thế thỏa thuận hạt nhân Iran bằng một thỏa thuận khác cứng rắn hơn.
Trong tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Iran khẳng định: "Iran sẽ không chấp nhận bất kỳ sửa đổi nào của thỏa thuận, dù hiện nay hay trong tương lai, cũng như không cho phép ghép bất kỳ vấn đề nào khác với JCPOA".
Washington cũng thông báo các biện pháp trừng phạt đối với 14 thực thể và cá nhân, bao gồm người đứng đầu ngành tư pháp Iran, ông Ayatollah Sadeq Larijani.
Trong một bản thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố thái độ thù địch của chính quyền Trump đối với ông Larijani đã vượt qua tất cả các giới hạn đỏ về cách hành xử trong cộng đồng quốc tế, vi phạm luật pháp quốc tế và "chắc chắn sẽ bị Iran đáp trả bằng biện pháp thích đáng.
Cùng ngày 13-1, Trung Quốc đã kêu gọi tất cả các bên tôn trọng thỏa thuận hạt nhân Iran vốn rất khó đạt được, sau khi Mỹ quyết định gia hạn trừng phạt đối với Tehran.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đưa ra phát biểu trên khi được yêu cầu bình luận về quyết định của Mỹ. Ông Lục Khảng nhấn mạnh phía Trung Quốc cũng lưu ý rằng cộng đồng quốc tế ủng hộ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và hoàn toàn công nhận việc thực thi thỏa thuận hạt nhân của Iran.
Theo ông Lục Khảng, Trung Quốc luôn ủng hộ JCPOA, thỏa thuận này không chỉ là một thành tựu đa phương quan trọng, mà còn là một hình mẫu cho việc giải quyết các vấn đề quốc tế nóng thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao.
Liên minh châu Âu (EU) giữ lập trường ủng hộ thỏa thuận đã có được với Iran. Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders (phải) tiếp người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif tại Brussels (Bỉ) ngày 11-1 - Ảnh: REUTERS
Không thể đàm phán lại JCPOA. Thay vì thành kiến được lặp đi lặp lại, chính Mỹ phải tuân thủ đầy đủ thỏa thuận này - giống như Iran"
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif viết trên Twitter
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, trong cuộc điện đàm ngày 13-1, đã hối thúc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sửa đổi thoả thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 nhằm giúp gia tăng cơ hội duy trì thoả thuận này.
Theo thông báo của văn phòng Thủ tướng Israel, trong cuộc điện đàm, ông Netanyahu cho rằng Pháp nên cân nhắc nghiêm túc tuyên bố của ông Trump và bất kỳ bên nào muốn duy trì thoả thuận hạt nhân "nên sửa chữa nó".
Ở chiều ngược lại, Tổng thống Macron đã nhắc lại "tầm quan trọng của việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, và sự tuân thủ cần thiết của tất cả các bên đối với những cam kết của họ theo thỏa thuận này".
Thông tin trên được đưa ra trong một thông cáo báo chí phát đi từ Phủ tổng thống Pháp vào ngày 13-1. Phủ tổng thống Pháp nhấn mạnh rằng Tổng thống Macron và Thủ tướng Netanyahu "cũng đề cập đến vấn đề tiến trình hòa bình Israel - Palestine nhằm tiếp nối những cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo hôm 10-12-2017 vừa qua".
Trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Interfax ngày 13-1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Matxcơva đánh giá tuyên bố của tổng thống Mỹ là "cực kỳ tiêu cực", đồng thời cảnh báo nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận này, "đây sẽ là một tính toán sai lầm lớn trong chính sách ngoại giao của Washington". Ông Ryabkov nhận định trong tuyên bố của ông Trump "không hề có một lời mời đối thoại nào và điều này đi ngược lại với logic của thỏa thuận". Thứ trưởng Ryabkov cũng khẳng định Nga sẽ nỗ lực phối hợp với châu Âu và Trung Quốc duy trì thỏa thuận lịch sử này.