TTO - Trong số 31 vệ tinh được Ấn Độ đưa vào vũ trụ, có hơn một nửa loại vệ tinh micro và nano cho Mỹ.
Ấn Độ hiện giữ kỷ lục phóng cùng lúc 104 vệ tinh chỉ bằng một tên lửa đẩy - Ảnh: EPA
Ngày 12-1, Ấn Độ đã phóng một tên lửa mang theo 31 vệ tinh cỡ nhỏ lên vũ trụ. Chuyến phóng được hoãn 1 phút do lo ngại va chạm với mảnh vỡ vũ trụ.
Đài IndiaTV dẫn lời các nhà khoa học Ấn Độ cho biết lần phóng vệ tinh này là "có một không hai", khi các vệ tinh được phóng lên hai quỹ đạo khác nhau.
Theo đó, 30 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo cách Trái đất 550km, và 1 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo cách Trái đất 359km.
Theo TTXVN, trong số vệ tinh được phóng, có hơn một nửa loại vệ tinh micro và nano cho Mỹ, còn lại là của Canada, Phần Lan, Pháp, Hàn Quốc và Anh, và vệ tinh thứ 100 của Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi nói lần phóng vệ tinh này không chỉ đánh dấu bước tiến xuất sắc mà còn mang đến hi vọng vào tương lai tươi sáng của ngành hàng không vũ trụ của Ấn Độ.
Một quan chức cấp cao giấu tên cho biết tên lửa được sử dụng trong lần phóng này nặng khoảng 1.323kg.
Chương trình không gian vũ trụ của Ấn Độ có ngân sách khoảng 4 tỉ USD và chính phủ của Thủ tướng Modi hi vọng lần phóng vệ tinh mới nhất này sẽ giúp Ấn Độ giành được nhiều hợp đồng mới trong thị trường ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu trị giá khoảng 300 tỉ USD hiện nay.
Đẩy mạnh phát triển chương trình không gian vũ trụ trong nước là nhiệm vụ quan trọng được Thủ tướng Modi rất quan tâm nhằm chứng minh khả năng của công nghệ giá rẻ của nước này và tăng doanh thu.
Hồi tháng 2 năm ngoái, Ấn Độ đã phóng cùng lúc tới 104 vệ tinh chỉ với một tên lửa đẩy, hầu hết là cho những khách hàng nước ngoài.
Cho đến nay, đây vẫn là kỷ lục về số vệ tinh được phóng sử dụng chỉ một tên lửa đẩy.