Thế giới

Khi chính trị gia là bậc thầy mạng xã hội

TTO - Từ bầu cử Mỹ đến câu chuyện Jerusalem và cuộc trưng cầu độc lập Catalonia, mạng xã hội đã có một năm 2017 đại thành công nữa về sức ảnh hưởng đến chính trường.

Khi chính trị gia là bậc thầy mạng xã hội - Ảnh 1.

Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump thu hút hàng chục triệu người theo dõi - Ảnh chụp màn hình

Tôi nghĩ rằng những nỗ lực vun đắp cho hòa bình sẽ thúc đẩy nhiều hơn thông qua mạng xã hội, hơn là thông qua các chính phủ

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Xuất hiện trước công chúng ngày 6-12-2017, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không đề cập tới quyết định gây phản ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. 

Thay vào đó, ông Netanyahu có bài phát biểu trước quan chức của 30 quốc gia, khẳng định chắc nịch rằng sẽ tận dụng mạng xã hội như Facebook và Twitter để chinh phục người dân của thế giới Hồi giáo - những người chắc chắn không muốn thánh địa Jerusalem là thủ đô của nhà nước Do Thái.

Chính trị số

Niềm tin của ông Netanyahu được truyền tải ở hội nghị quốc tế về ngoại giao kỹ thuật số của Bộ Ngoại giao Israel. Giờ thì đã rõ, có hẳn một hội nghị như vậy và đó là minh chứng rõ ràng nhất về việc giới chính trị gia thừa nhận sức ảnh hưởng của mạng xã hội trong sự nghiệp của họ.

Ông Netanyahu trích lại một khảo sát của Bộ Ngoại giao Israel, nói rằng nó cho thấy công dân các nước Ả Rập đang "ngày càng mong muốn chính phủ của họ thiết lập quan hệ với Israel". 

Theo ông Netanyahu, với truyền thông mạng xã hội, Israel sẽ vượt qua "lớp vỏ bọc lừa dối" đã bao phủ Israel lâu nay bằng cách trực tiếp kết nối với người dân Ả Rập, thay vì để họ nhìn Israel bằng lăng kính của báo chí nhà nước.

Về ý muốn tương tác trực tiếp với người dân, ông Barack Obama là một trong những người tiên phong với chiến dịch tranh cử đậm màu sắc truyền thông xã hội năm 2012. Bốn năm sau, cũng tại nước Mỹ - cái nôi của Facebook và Twitter, những mạng xã hội phổ biến nhất thế giới - ông Donald Trump đã đưa "chính trị số" lên một nấc cao hơn nữa. 

Ông Trump phá vỡ truyền thống về mối quan hệ giữa người đứng đầu Nhà Trắng với báo chí Mỹ. Nhưng tất cả vẫn biết ông đang nghĩ gì, sắp đưa ra chính sách gì, quan điểm thế nào về thế giới, gửi thông điệp gì cho các sự kiện quan trọng... vì họ theo dõi Twitter của ông.

Ông David Black, giáo sư về truyền thông và văn hóa tại ĐH Royal Roads ở Victoria (Canada), cho rằng truyền thông xã hội đã có tác động đặc biệt mạnh mẽ trong văn hóa, chính trị và xã hội năm 2017. Điểm then chốt của truyền thông xã hội đối với chính trị là nó chạm tới các nhóm nhân khẩu học vốn trước đây không được xếp vào dạng quan tâm chính trị. 

Trích dẫn ví dụ từ Tổng thống Mỹ D. Trump, ông Black khẳng định mạng xã hội đã giúp chuyển hóa một làn sóng và sức hút của một chiến dịch, và là một công cụ quản lý chưa từng được chứng kiến trong thế giới phương Tây trước đây.

Khi chính trị gia là bậc thầy mạng xã hội - Ảnh 3.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định sẽ tận dụng mạng xã hội để chinh phục thế giới Hồi giáo - Ảnh: AFP

Mở ra kỷ nguyên... loạn?

Có thể nói năm 2017 là đỉnh cao của những cuộc vận động chính trị - xã hội thông qua quyền lực của một tính năng: hashtag. Tính năng này cho phép cả cộng đồng mạng xã hội kết nối với nhau bằng các chủ đề, ví dụ "#MeToo" (tôi cũng vậy) - một cuộc vận động thành công rực rỡ năm 2017 về những chia sẻ xung quanh vấn đề tấn công và quấy rối tình dục.

Nhưng nếu đó là một chiến dịch tiêu cực thì sao? Và trong năm 2017, chưa bao giờ vấn đề tin giả (fake news) được nhắc tới nhiều đến vậy, mà chính mạng xã hội lại là môi trường lý tưởng nhất để các thông tin sai lệch phát tán, ảnh hưởng tới toàn xã hội.

Raul Romeva i Rueda, người đứng đầu bộ phận ngoại giao của chính quyền vùng tự trị Catalonia, đã đăng lên Twitter của mình những bức ảnh một phụ nữ mặt đầy máu và viết rằng: "Chính phủ Tây Ban Nha cho chúng tôi thấy lý lẽ của họ đây: đàn áp và bạo lực. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra lý lẽ của riêng mình: những thùng phiếu, lá phiếu, dân chủ và hòa bình".

Rất ấn tượng. Đầy cảm xúc. Và thế là cử tri Catalonia, những người được bổ sung năng lượng từ cơn thịnh nộ trong "cuộc đàn áp bạo lực của cảnh sát" Tây Ban Nha, đã bỏ phiếu quyết định tuyên bố độc lập hồi tháng 10-2017. 

Bên vận động ly khai ý thức được rằng báo chí trung ương sẽ không truyền tải sự thật và dùng Facebook, Twitter để nói lên tiếng nói của mình. Đó là lúc tin giả tràn ngập Catalonia, tờ Washington Post dẫn lời nhà báo Clara Jimenez Cruz đang làm cho báo Maldito Bulo tại Tây Ban Nha khẳng định như vậy.

Với Catalonia, vì cảm xúc của cả hai phe trộn lẫn, người ta sẵn sàng tin bất cứ câu chuyện nào phục vụ cho lập luận của họ và người dùng mạng xã hội đã bị dẫn dắt bởi hàng đống tin giả từ cả hai bên"

Nhà báo Clara Jimenez Cruz

Để diễn tả việc cảnh sát chính quyền trung ương đàn áp cử tri, những câu chuyện cảm động, thương tâm xuất hiện đầy rẫy, như việc một phụ nữ bị bắt và cấm bỏ phiếu, hay một bé trai 6 tuổi bị cảnh sát khống chế bạo lực. Thế nhưng tất cả đều là tin vịt. 

Theo bà Cruz, những hình ảnh cũ kỹ, không liên quan tới sự kiện năm 2017 đã bị sử dụng làm tin giả để đánh vào tâm lý cử tri, thậm chí còn đổi trắng thay đen, biến một người ủng hộ hòa hợp Catalonia và trung ương thành... người ly khai.

Vận động giá rẻ

Mạng xã hội mang lại rất nhiều lợi thế cho các chính trị gia và trở thành một phần không thể thiếu trong các cuộc vận động chính trị.

Trước hết, nó cắt giảm chi phí vận động truyền thông đáng kể. Thay vì tốn tiền cho truyền hình, báo đài, chính trị gia giờ đây có thể quảng bá miễn phí trên Facebook, Twitter và YouTube.

Và thay vì mơ hồ không biết bao nhiêu người mua báo đọc, bao nhiêu người dán mắt vào tivi, các công cụ mạng xã hội còn giúp chính trị gia đo đếm số lượng người ủng hộ hay phản đối chính sách của mình thông qua các dòng bình luận và bày tỏ cảm xúc, cũng như quan trọng hơn là nắm thành phần nhân khẩu học của các phản ứng ấy.

Một lợi thế khác là khi dùng mạng xã hội, chính trị gia có thể trực tiếp tương tác với cử tri. Điều này giúp hình ảnh của họ gần gũi, thân thiện hơn mà vẫn đảm bảo an ninh.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        221,098       1,191