Thế giới

Mỹ nói các nhà ngoại giao tại Cuba bị ‘tổn thương não’

TTO - Hiệp hội ngoại giao Mỹ cho biết một số nhà ngoại giao Mỹ trong vụ “tấn công quấy rầy bằng âm thanh” bí ẩn ở Cuba đã bị tổn thương não.

Mỹ nói các nhà ngoại giao tại Cuba bị ‘tổn thương não’ - Ảnh 1.

Tòa đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Havana, Cuba - Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin AFP, thông báo của hiệp hội nghề nghiệp ngày 1-9 cho biết, trong số những người bị ảnh hưởng trong vụ việc có cả những trường hợp bị mất thính lực vĩnh viễn.

Thời gian qua Washington thông tin đã có ít nhất 16 nhân viên đại sứ quán bị những thương tổn trong một loạt các vụ việc xảy ra từ thủ đô Havana bắt đầu từ năm ngoái. Tuy nhiên giới chức Mỹ vẫn chưa công bố mức độ các thương tổn này.

Nhưng nay, Hiệp hội ngoại giao Mỹ, hội nghề nghiệp đại diện quyền lợi cho các nhà ngoại giao Mỹ cũng như các nhân viên cứu trợ quốc tế, cho biết họ đã có thể nói chuyện được với 10 trong số những người đang điều trị.

Thông báo của Hiệp hội ngoại giao Mỹ nêu: "Các chẩn đoán bao gồm những tổn thương não mức nhẹ và mất thính lực vĩnh viễn cùng nhiều triệu chứng khác như mất thăng bằng, đau đầu nghiêm trọng, rối loạn nhận thức và u não".

Bộ Ngoại giao Mỹ gọi đây là những cuộc tấn công "chưa có tiền lệ" và cảnh báo Havana phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của các phái viên đang làm việc trên lãnh thổ của họ.

Các nhân viên ngoại giao trong phái đoàn Mỹ công tác tại đại sứ quán Mỹ mở lại năm 2015 ở Cuba bắt đầu thông báo về tình trạng sức khỏe bất thường của họ từ năm ngoái.

Trong trao đổi với truyền thông, giới chức Mỹ tin rằng đã có một thiết bị âm thanh được sử dụng để ngấm ngầm tấn công sức khỏe của các nhân viên ngoại giao.

Một số người trong 16 nhân viên bị thương đã được đưa tới Miami điều trị, trong khi những người khác được các bác sĩ Mỹ tới Havana chăm sóc ngay tại đại sứ quán.

Trong một diễn biến riêng, Canada cũng thông báo việc một trong các nhà ngoại giao của họ làm việc tại Havana cũng đang phải điều trị vì mất thính lực.

Tháng 5 năm nay, Mỹ đã lệnh cho 2 nhà ngoại giao Cuba phải rời khỏi đại sứ quán nước này tại Washington và trở về Havana nhưng không công khai lý do vì sao.

Chỉ mãi tới tháng trước ngoại trưởng Mỹ Rex Rillerson mới chính thức lên tiếng cảnh báo Cuba phải hợp tác trong công tác điều tra và ngăn ngừa các vụ tấn công tiếp theo.

Người phát ngôn của Ngoại trưởng Mỹ, bà Heather Nauert, cho biết vụ việc này tạm thời có vẻ đã kết thúc, nhưng các cuộc điều tra liên quan thì vẫn đang tiếp tục để tìm ra các thủ phạm đứng sau.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        222,562       2,002