TTO - Lý Sơn thật sự rất đẹp, cần được khai thác đúng hướng cũng như khắc phục những nhược điểm hiện tại để nơi đây sẽ là một viên ngọc quý của Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung.
Ảnh dự thi: Cổng tò vò ở Lý Sơn (Nguyễn Võ Trường Linh)
Hồi tháng 9 năm ngoái, trong dịp trở lại Việt Nam hằng năm của mình, tôi chọn Lý Sơn làm điểm đến cho chuyến đi.
Với tôi, Lý Sơn thật sự rất đẹp, cần được khai thác đúng hướng cũng như khắc phục những nhược điểm hiện tại để nơi đây sẽ là một viên ngọc quý của Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tiềm năng du lịch dồi dào
Khi nghe tôi nói về Lý Sơn, bạn tôi ở nước ngoài đã rất háo hức tìm hiểu và hoàn toàn bị thu hút bởi vẻ hoang sơ của nơi này. Nghĩa là các trang nói về Lý Sơn vẫn có và bằng cách nào đấy, bạn tôi có những thông tin về vùng đất này.
Tuy nhiên, ở Huế lại không một văn phòng tour nào đưa Lý Sơn vào danh mục cả. Thậm chí một người bạn làm du lịch còn hỏi tôi: "Đi Lý Sơn làm gì? Ngoài đó có gì đâu mà đi!".
Thế nên tôi phải tự mình sắp xếp tất cả cho chuyến đi. Các bạn yêu "phượt" nói rằng họ chỉ dành 1 đến 2 ngày ở đảo. Còn chúng tôi quyết định ở đó lâu hơn để xem nó ra làm sao, nó như thế nào mà ở Huế người ta lại không giới thiệu Lý Sơn đến du khách gần xa.
Chúng tôi đến Lý Sơn một ngày sau bão. Hòn đảo, khi tôi đến, đang trong quá trình xây dựng. Cuộc sống trên đảo đầy đủ tiện nghi, chẳng kém gì trên đất liền. Những nụ cười niềm nở chào đón chúng tôi. Tôi càng tự tin hơn cho sự lựa chọn đúng đắn. Có lẽ, con người nơi đây sống gần gũi với thiên nhiên nên tâm hồn hiền hòa, thân thiện. Tôi càng an tâm.
Chúng tôi quyết định đi dạo một vòng quanh đảo để có những trải nghiệm thực sự. Giữa không gian mênh mông của các sắc thái xanh của nước biển, mây trời, màu vàng của nắng, vô số các con thuyền đủ kích cỡ lẫn màu sắc bao quanh đảo như những đứa con ôm ghì lấy mẹ.
Điểm đặc biệt ở đây là nước biển, gió và nham thạch tạo nên vẻ đẹp kỳ lạ đến khó tả. Dung nham phun trào trên mặt đất bị làm nguội đi bởi nước biển và vì thế mắc kẹt luôn ở đó, bên bờ biển, trong lòng nước...
Sự xói mòn của gió, mưa và dòng chảy hình thành nên những mỏm đá, vách đá lởm chởm và cheo leo mà từ đấy ta thấy được cái gọi là sức mạnh của tự nhiên được gói ghém trong cụm từ "chỉ có thể là tạo hóa". Từ đó, cây bụi nhỏ, cây thuộc họ xương rồng, rong rêu mọc lên... minh chứng cho sự trường tồn của sự sống.
Đảo Lớn trù phú và tiện nghi hơn so với đảo Bé. Đảo Bé hoang sơ hơn song vẫn có trạm pin mặt trời đủ cung cấp năng lượng cho nhu cầu thắp sáng. Vui nhất là khi chúng tôi được hòa mình vào thiên nhiên, ngắm biển, đá...
Tận hưởng những cơn gió mát từ biển kéo đến, được bước bộ giữa những đám cây bụi rồi cây thân gỗ, ngắm những ruộng hành đương xanh, được chuyện trò cùng những con người chân chất.
Người bạn của tôi còn được anh chủ homestay dẫn đi lặn san hô ở điểm lặn riêng của anh ấy. Cô bạn thích thú vô cùng, cứ liên tục kể về những gì đã thấy, mắt cứ tròn xoe.
Chúng tôi đã bước đi trên bãi cát không có cát mà thay vào đó là vô số các viên đá nhỏ như những hạt gạo với muôn vàn sắc màu, có lắm viên lớn hơn cùng hàng nghìn vỏ sò sực sỡ... Chỉ bấy nhiêu đấy thôi mà đã hết một ngày trên đảo Bé rồi.
Đêm đến, dưới ánh sao lấp lánh, trên bờ đê chắn sóng, trong bóng tối mập mờ, chúng tôi ngắm những con sóng đập vào đá rồi vỡ tan thành bọt trắng xóa, những con thuyền ngoài xa đang sáng đèn: một cuộc sống về đêm trên đảo lại đến để rồi sáng mai, chợ hải sản lại đầy ăm ắp. Lý Sơn quả cất giấu trong mình lắm điều thú vị!
Những điểm yếu cần khắc phục
Khi bước chân lên đảo, chúng tôi thấy nhiều nụ cười chào đón mình và cũng thấy rất nhiều rác thải sinh hoạt, nhiều nhất vẫn là túi nilông nổi bập bềnh trên mặt nước cũng như chất thành đống trên mặt đất.
Rác thải ở khắp mọi nơi chứ không được tập kết thành bãi, có thùng rác kế bên nhưng rác vẫn cứ ở bên ngoài. Rác chủ yếu vây lấy đảo Lớn. Rác cũng có đầy trên đảo Bé, song ít hơn.
Rác còn bị ném xuống biển để rồi "cái gì đến từ bờ sẽ được trả lại bờ" như là quy luật bất thành văn của tự nhiên. Chúng tôi thấy hai con tàu lớn làm nhiệm vụ vớt rác ngoài biển rồi đưa lên bờ. Có lẽ, con số hai chiếc chưa đáp ứng đủ nhu cầu làm sạch thì phải?!
Cũng trên con đường quanh đảo, chúng tôi chứng kiến người ta phơi khô hải sản. Rong biển, cá, mực... được phơi trực tiếp trên nền đường bêtông đầy bụi, đất, xe cộ và người qua lại trên đó.
Người dân còn dùng chổi cùng dụng cụ hốt rác để gom chúng lại trước khi cho vào bao tải đem bán như một đặc sản vùng miền.
Người bạn ngoại quốc của tôi đã không mua gì cả và chỉ chọn thức ăn tươi sống cho bản thân trong những ngày trên đảo. Từ ánh mắt bạn, tôi hiểu nguyên do. Liệu chúng ta có thể thay đổi nếp làm truyền thống này được chăng?
Còn nữa, khi chúng tôi đang dạo quanh đảo, một, hai rồi ba tiếng nổ vang lên khiến tôi giật cả mình. Từ nhiều chiếc thuyền thúng, vài cư dân của đảo ném "cái gì đấy" (có lẽ là thuốc nổ) xuống biển rồi tiếng nổ phát ra, sau đó người ta nhảy xuống để vớt hải sản.
Cách đánh bắt này cực kỳ nguy hiểm cho hệ sinh thái biển vì nó hủy diệt nhiều loài, là cách khai thác "cho hôm nay mà quên mất ngày mai" như nhiều người vẫn bảo.
Cuối cùng, món quà duy nhất chúng tôi mua về là tỏi cô đơn nổi tiếng của Lý Sơn. Nhưng sau đó, tất cả mọi người ở Lý Sơn mà chúng tôi gặp đều khẳng định túi tỏi tôi mua làm quà không phải là đặc sản của vùng đất trời ban cho loại cây này.
Tôi tự hỏi, chuyện gì đã và sẽ xảy ra?
Với những gì đã nghe, thấy cùng trải nghiệm, tôi rất mong chúng ta có một hướng đi tốt, rõ ràng, lành mạnh cho sự phát triển của Lý Sơn.