TTO - Nhiều điểm du lịch hấp dẫn 'nên đến trước khi chết' như Sa Pa, Mù Cang Chải, Sơn Đoòng... đang có nguy cơ 'chết' trước khi những người yêu thích tìm đến.
Khang A Tủa chia sẻ câu chuyện sâu lắng về nguy cơ những điểm du lịch như Sa Pa, Mù Cang Chải sẽ bị "chết" về văn hoá khi phát triển du lịch ồ ạt - Ảnh: V.V.TUÂN
Có nhiều gia đình đánh nhau vì chuyện bán đất. Ở Sa Pa bây giờ, tiền thách cưới cô dâu lên đến 100 triệu đồng.
Khang A Tủa
Buổi toạ đàm Điểm đến trước khi chết chiều 28-10, tại Trung tâm văn hoá Pháp tại Hà Nội đã thu hút hàng trăm người yêu và quan tâm đến phát triển du lịch bền vững tham dự.
Dùng khèn đám ma phục vụ khách du lịch?
Sau khi xem đoạn clip Việt Nam bản hoà tấu không trung của nhiếp ảnh gia Lê Thế Thắng, người dẫn chương trình Thuỳ Linh gợi mở vấn đề, Việt Nam thực sự rất đẹp nhưng lại đang bùng nổ phát triển du lịch, thu hút ngày càng nhiều khách trong và ngoài nước tìm đến các nơi như Sa Pa, Mù Cang Chải, Đồng Văn, Sơn Trà, Hội An...
"Việc bùng nổ du lịch đại trà là nguyên nhân gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên du lịch như môi trường bị phá huỷ, cấu trúc văn hoá bị phá vỡ hoặc huỷ diệt...", MC Thuỳ Linh đặt vấn đề.
Tiếp lời, chị Lê Nguyễn Thiên Hương, thạc sĩ ngành Phát triển quốc tế bền vững, người khởi xướng phong trào phản đối xây dựng cáp treo vào động Sơn Đoòng (Save Sơn Đoòng), ví von: "Rất tiếc, có nhiều điểm đến ở Việt Nam có nguy cơ chết trước khi chúng ta hoặc con cháu chúng ta đặt chân đến".
Anh Nguyễn Biên Thuỳ, cán bộ điều phối hoạt động cộng đồng Trường Quốc tế Liên Hiệp Quốc, cũng mong muốn cuộc toạ đàm sẽ tìm ra giải pháp phát triển du lịch bền vững, và người đi du lịch có trách nhiệm để những điểm mà chúng ta muốn đến một lần trong đời sẽ không "chết" trước khi chúng ta đến đó.
Trên những quả đồi, Sa Pa đang bị bêtông hoá với những ngôi nhà cao tầng mọc sát nhau - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Anh Khang A Tủa, người có nhiều năm nghiên cứu về đồng bào dân tộc Mông, chia sẻ câu chuyện suy ngẫm về sự đổi thay của Mù Cang Chải (Yên Bái) - nơi anh sinh ra và lớn lên.
Khang A Tủa kể: "Cách đây 10 năm, Mù Cang Chải bắt đầu xuất hiện những người ở xuôi lên nhiều hơn. Khi còn nhỏ tôi không để ý lắm.
Nhưng từ khi xuống Thái Nguyên học, một năm tôi chỉ về nhà được một vài lần, nhưng mỗi lần về đều thấy quê hương thay đổi chóng vánh.
Mỗi năm về, Mù Cang Chải của tôi đều thay đổi như tôi đã xa cách một thế kỷ mới trở về vậy.
Không chỉ những ngôi nhà mới, những cây cầu mới bằng bê tông cốt thép được xây nhiều hơn, mà trẻ em "xuống đường" cũng nhiều hơn.
Quê hương ngày càng trở lên xa lạ với tôi hơn".
Sau này, Khang A Tủa mới tìm hiểu và có ý thức rằng, sự thay đổi chóng vánh của Mù Cang Chải hoàn toàn có logic.
"Tất cả sự thay đổi đều để phục vụ phát triển du lịch, với mục tiêu càng nhiều công trình bêtông cốt thép, càng có nhiều khách du lịch càng tốt", Khang A Tủa tự lý giải.
Nhưng đi cùng những lợi ích trông thấy đó là sự quá nhiều nguy hại kèm theo.
Trước tiên, mối quan hệ của cộng đồng người dân bản địa thay đổi khác trước quá nhiều.
"Ngày trước, bữa cơm tôi thiếu ớt, mớ rau, tôi có thể sang nhà khác xin.
Còn bây giờ, nếu không có chợ thì không biết ăn cái gì. Mối quan hệ giữa mọi người với nhau trở thành sự trao đổi vật chất chứ không còn tình cảm như ngày xưa nữa.
Trước đây, mọi người dùng phân hữu cơ canh tác nông nghiệp thì nay dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ nhiều hơn".
Nhiều người chứng kiến sự thay đổi đó, đã nói với Khang A Tủa, rồi Mù Cang Chải cũng sẽ trở thành Sa Pa thứ hai thôi!
Không ít người bản địa vui mừng, nhưng A Tủa hình dung, nếu không xa, Mù Cang Chải cũng mọc lên những toà nhà đồ sộ như ở Sa Pa thì quê hương anh không biết sẽ ra sao?
"Tôi hỏi thì hầu hết các bạn trẻ ở Sa Pa, Mù Cang Chải đều không biết đến những câu chuyện dân gian của dân tộc mình nữa. Người trẻ không còn khóc được trên quê hương của mình.
Họ phải quan tâm nhiều hơn về sinh kế. Những người phụ nữ Mông, Dao... sẵn sàng đeo bám du khách cả ngày chỉ để bán được vài trăm nghìn tiền hàng, nhưng rồi họ lại đi uống rượu hết sạch, để hôm sau lại bắt đầu cái vòng luẩn quẩn đó.
Trào lưu bán văn hoá bản địa một cách vô thức cho du khách đang tràn lan. Nhiều bạn trẻ vô tình mang chiếc khèn người Mông vẫn dùng trong tang lễ ra để biểu diễn ở sân vận động trung tâm thị trấn Sa Pa phục vụ khách du lịch.
Người bản địa những nơi này đang mất ý niệm họ là người bản địa, mất ý niệm thực hành những nghi lễ, văn hoá bản địa của mình", câu chuyện buồn sâu thẳm của Khang A Tủa làm cả hội trường nín lặng.
Lê Nguyễn Thiên Hương chia sẻ lo lắng nếu làm cáp treo vào hang Sơn Đòong - Ảnh: V.V.TUÂN
Nếu xây cáp treo, Sơn Đoòng sẽ bị khai tử?
Câu chuyện thứ hai của chị Lê Nguyễn Thiên Hương và anh Nguyễn Biên Thuỳ về quá trình khởi xướng phong trào phản đối xây dựng cáp treo, bảo vệ hang Sơn Đoòng khiến người nghe xúc động.
"Trên thế giới đang có nhiều điểm du lịch bị khai tử vì số lượng khách du lịch quá đông. Liệu Sơn Đoòng của Việt Nam có phải là điểm tiếp theo?".
Câu hỏi của Lê Nguyễn Thiên Hương cũng là băn khoăn của nhiều người khi ý định xây cáp treo tại đây vẫn chưa dừng lại.
Sơn Đoòng với nhiều điều thú vị đã đưa Việt Nam lọt vào top những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.
Hiện nay, cách duy nhất để đến được với Sơn Đoòng là đi bộ dài ngày với chi phí khoảng 3.000 USD.
"Cách này sẽ tốn tiền, tốn thời gian, và đòi hỏi du khách phải có thể lực. Nhưng khó khăn đó là điều tốt cho Sơn Đoòng vì sẽ giúp bảo vệ sự nguyên sơ của nơi đây.
Hiện tại Sơn Đoòng chỉ đón khoảng 500 - 600 người mỗi năm. Nhưng nếu làm cáp treo thì mỗi giờ sẽ vận chuyển được 1.000 người.
Với Nguyễn Biên Thuỳ, du lịch bền vững phải là sự kết hợp hài hoà giữa lợi ích kinh tế, văn hoá, bảo tồn thiên nhiên, môi trường và các giá trị, di sản văn hoá.
"Tôi không phản đối cáp treo nếu nó đưa khách đến điểm mà mọi người khó tới. Nhưng tôi phản đối cáp treo đi liền với những lợi ích khác, làm méo mó nhiều giá trị, văn hoá bản địa bị mất đi", Nguyễn Biên Thuỳ bày tỏ quan điểm về thực trạng "loạn cáp treo" ở Việt Nam hiện nay.
Nếu phát triển du lịch đại trà như vậy thì bắt buộc phải có ánh sáng, đèn flash, tiếng ồn, hơi thở con người quá nhiều... sẽ làm tổn hại đến hệ sinh thái của Sơn Đoòng", Lê Nguyễn Thiên Hương chia sẻ.
Đó là động lực để chị cùng Nguyễn Biên Thuỳ khởi xướng chiến dịch phản đối xây dựng cáp treo vào hang Sơn Đoòng.
Hai người cũng khẳng định sẽ tiếp tục những chiến dịch phản đối ý tưởng xây cáp treo tại vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và bảo vệ Sơn Đoòng.
Cùng với đó, nhóm sẽ mang mô hình thực tế ảo Sơn Đoòng đến với nhiều địa phương trong cả nước để mọi người đều có thể được ngắm vẻ đẹp của động này.
"Nếu cố xây cáp treo đến hang Sơn Đoòng thì sẽ nguy hiểm khi không giữ được sự an toàn cho số đông du khách", MC Thuỳ Linh bày tỏ lo lắng.
Sơn Đoòng - cảnh đẹp gây sửng sốt khán giả khi Đài truyền hình ABC phát trực tiếp giới thiệu di sản này với nước Mỹ - Ảnh: THUẬN THẮNG