TTO - Dù chỉ có ba ngày nghỉ nhưng lượng du khách chọn xuất ngoại dịp 2-9 vẫn tăng mạnh. Lý do nhiều người không chọn tour trong nước vì giá tăng... còn tour ngoại thì ngày càng giảm giá.
Một đoàn khách Việt đi du lịch Bhutan làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều 29-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Giá dịch vụ thiếu ổn định đang khiến nhiều người quay lưng với các điểm đến trong nước.
Tour ngoại rẻ, khách nghỉ thêm để đi
Theo ông Từ Quý Thành - giám đốc Công ty du lịch Liên Bang, tour 5 ngày 4 đêm đi Đài Loan dịp 2-9 của đơn vị chỉ còn 9,5 triệu đồng, bằng phân nửa hai năm trước.
Tương tự, thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản của công ty cũng giảm 3-7 triệu đồng/tour, còn 16-30 triệu đồng/người, đi 6 ngày 5 đêm.
Ông Thành cho biết dịp 2-9 năm nay, lượng khách đi Đài Loan của đơn vị tăng hơn 35% so với ngày thường. Tour Hàn Quốc và Nhật Bản tăng ở mức 20-25%...
Theo ông Thành, thời điểm cận lễ lượng khách đặt tour nước ngoài của công ty chiếm tới 94% trong tổng số khách.
Đại diện Công ty lữ hành Du lịch Việt cũng cho hay dịp 2-9 lượng khách đi nước ngoài của đơn vị chiếm khoảng 60%.
Theo bà Đoàn Thị Thanh Trà - giám đốc truyền thông - tiếp thị Công ty lữ hành Saigontourist, dịp lễ này đơn vị dự kiến phục vụ 19.000 khách.
Bà Trà thừa nhận tour nước ngoài dịp lễ đang khá hút khách, với lượng khách đặt mua tour của công ty đến ngày 22-8 đã đạt hơn 75% so với kế hoạch. Trong khi đó, nhiều khách hàng vẫn còn do dự với tour trong nước.
Theo bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, nhiều du khách có xu hướng nghỉ thêm ngày để được đi xa hơn.
Các điểm đến như Thái Lan, Trung Quốc đại lục, Đài Loan khá nhộn nhịp. Với giá tour chỉ khoảng 7 triệu đồng/người (đi đường bộ), 9 triệu đồng/tour (đi máy bay) trong 5-6 ngày nên tour mới Trương Gia Giới và Phượng Hoàng Cổ Trấn, Côn Minh (Trung Quốc) nhiều đơn vị lữ hành đã “khóa sổ” từ trước lễ cả tháng.
Tăng giá đã thành “thói quen”?
Theo anh Minh (Q.Thủ Đức, TP.HCM), dịp cuối tuần giá phòng ở điểm lưu trú bình dân tại Vũng Tàu đã tăng gấp đôi so với ngày thường. Đợt lễ 2-9 liên hệ lại, nhiều khách sạn báo giá tăng gấp đôi, gấp ba. Điều này khiến khách cảm thấy bị “chặt chém” và cách làm ăn không chuyên nghiệp.
Bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ cho rằng khách đang có xu hướng chọn đi nước ngoài vì giá tốt hơn trong nước.
Trong khi giá vé từ tàu xe, khách sạn, nhà hàng ở Việt Nam tăng mạnh thì nhiều tour 5 ngày 4 đêm đi Thái Lan chỉ khoảng 4 triệu đồng nhưng được ở khách sạn 5 sao, đưa đón tại sân bay”, bà Nghệ nói.
Đại diện Vietravel cũng nhận định các khu du lịch ở Đà Lạt từ hè đến nay tăng giá liên tục. “Thời điểm này, các khu vui chơi, điểm đến tại Huế và Nha Trang, Vũng Tàu giá cũng tăng, khiến giá nhiều tour trong nước ngang ngửa nước ngoài. Thậm chí tour đi miền Bắc dao động 5-9 triệu đồng đã cao hơn một số tour đi Thái Lan dịp lễ”.
Nhiều người trong đoàn khách của Công ty LB đang chuẩn bị xuất ngoại sớm cho kỳ nghỉ 2-9 cho biết họ chọn đi nước ngoài vì mới lạ và đặc biệt vì ngại dịp lễ đông người, ngại bị... “chặt chém”. Riêng Công ty lữ hành TransViet cho biết do giá dịch vụ trong nước tăng cao, khách hàng ít đặt tour nên dịp 2-9 năm nay hãng chỉ làm tour đi nước ngoài.
Theo giám đốc một công ty du lịch tại TP.HCM, thủ tục đơn giản, giá hợp lý nên xu hướng chọn du lịch nước ngoài sẽ tiếp tục bùng nổ. “Thay vì tự làm khó mình, dịch vụ du lịch trong nước hãy ổn định về giá” - vị giám đốc này nói.
Người Việt chi 7-8 tỉ USD/năm du lịch nước ngoài? Theo thông tin từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm 2016 có 6,5 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài và chi tiêu 7-8 tỉ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2015. Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, số liệu trên là ước lượng, tính toán dựa vào thông tin từ các đơn vị lữ hành và cơ quan quản lý du lịch. Tới đây, các đơn vị liên quan sẽ tổ chức hội thảo để bàn sâu hơn vấn đề này. |