TTO - Nhiều vụ việc xảy ra như lăng mạ tiếp viên khi bị nhắc nhở, hăm dọa đặt bom, đánh ghen, cho trẻ tè vào túi nôn và thậm chí rượt đuổi, lăng mạ, chửi bới tiếp viên hàng không… khiến không ít người lắc đầu ngao ngán khi nói về “văn minh hàng không” của hành khách.
Hành khách xuống sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Q.ĐỊNH |
Mất ngay 15 triệu cho lần… “tò mò”
Khi “giấc mơ bay” ngày càng trở nên phổ biến, mở ra nhiều cơ hội cho mọi người được thỏa sức bay. Tuy nhiên ý thức ứng xử trên máy bay trong thời gian qua khiến nhiều người phải giật mình về sự văn minh và văn hóa khi tham gia hàng không.
Các chuyên gia hàng không nhận định, hành vi thiếu ý thức của một số hành khách dẫn đến trễ chuyến bay, ảnh hưởng đến toàn bộ hành khách trong chuyến bay và những chuyến bay khác. Bên cạnh đó, việc không tuân thủ những nguyên tắc an toàn bay theo đúng chỉ dẫn của tiếp viên hàng không còn có thể đe dọa tính mạng của cả phi hành đoàn.
Mới đây, hành khách N.V.V, trên chuyến bay từ Côn Đảo về TP.HCM không tuân theo hướng dẫn của tiếp viên khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, ông V. đã tự ý mở cửa thoát hiểm máy bay để…xuống cho nhanh. Kết quả cho bài học tò mò này, ông V. bị phạt tiền 15 triệu đồng.
Được biết, mỗi lần tàu bay bung phao trượt, chi phí cho việc sang nước khác cuộn lại phao, đóng lại cửa thoát hiểm phải tốn tới 10.000 USD, chưa kể thiệt hại do phải dùng máy bay khác để tiếp tục khai thác đường bay.
Các tiếp viên cũng nhiều phen hú vía khi hành khách lên máy bay trong tình trạng say xỉn, có biểu hiện không làm chủ được hành động của mình. Cụ thể, tháng 5-2017 trên chuyến bay của hãng Vietnam Airlines chặng TP.HCM - Vinh, tiếp viên nhận thấy vị khách có biểu hiện say xỉn, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn chuyến bay nên ngay lập tức báo với cơ trưởng. Cơ trưởng đề nghị hành khách này phải rời tàu bay.
Vụ việc chỉ có thể giải quyết khi có sự xuất hiện của lực lượng an ninh sân bay đưa hành khách xuống tàu để chuyến bay tiếp tục. Sự việc trên khiến chuyến bay bị trễ hơn 1 tiếng so với lịch bay dự kiến ban đầu.
Tương tự, chị Nguyễn Bảo Trân (Q.Bình Thạnh) cho biết khoảng đầu tháng 7-2017, chuyến bay chặng TP.HCM – Đà Nẵng phải tạm dừng hơn 1 tiếng vì hành khách hút thuốc trên máy bay.
Theo chị Trân, khi ông này vừa lên máy bay, mọi người còn loay hoay tìm chỗ ngồi thì vị khách này vừa ngồi xuống cạnh tôi lập tức vắt tréo chân và hút thuốc một cách rất tự nhiên.
“Tôi có nhắc không được làm vậy, ông này trừng mắt chửi tục nên tôi đành im. Khi tiếp viên phát hiện, giải thích nhưng ông này cố chấp nên đã xảy ra tranh cãi cho đến khi lực lượng an ninh can thiệp, mời xuống máy bay thì chuyến bay mới được khởi hành” - chị Trân nói.
Theo thống kê, số liệu vụ việc liên quan đến an ninh hàng không năm 2016 xảy ra trên chuyến của Vietnam Airlines cho thấy: có 4 trường hợp gây rối, 3 trường hợp sử dụng điện thoại, có 4 trường hợp hút thuốc, 3 lần trộm cắp áo phao, cao nhất là trộm cắp hành lý tới 26 vụ.
Tuy nhiên, ghi nhận tới quý 6 tháng 2017 đã có 4 trường hợp gây rối, 8 trường hợp trộm cắp, 2 vụ hút thuốc lá...
Nâng cao văn hóa đi máy bay
Trao đổi với chúng tôi, một tiếp viên hàng không tâm sự dù đã cố gắng tối đa nhưng không phải lúc nào cô cũng nhận được những phản ứng tích cực của khách. Có lần, khi hành khách ngồi sai số ghế, cô nhẹ nhàng yêu cầu khách trở về đúng vị trí.
Hành khách này tỏ vẻ khó chịu và không về chỗ, không mang theo hành lý xách tay được cất ở khoang trên đầu.
Khi chuyến bay vừa hạ cánh, vị khách này đã rời khỏi chỗ dù chưa có hiệu lệnh tháo dây an toàn, tiến đến vị trí của tiếp viên và có thái độ to tiếng, lời lẽ dọa nạt, xúc phạm đòi tiếp viên trả lại hành lý. Vị khách thậm chí còn chặn cửa tàu bay không để tiếp viên thực hiện nhiệm vụ mở cửa cho hành khách ra khỏi tàu bay.
Theo một lãnh đạo Cục hàng không VN, căn nguyên cơ bản xảy ra nhiều tình huống “xấu xí” trên một phần là do hành khách không đọc kỹ các quy định vận chuyển của các hãng hàng không từ sau khi mua vé cho đến thời điểm làm thủ tục lên máy bay.
Một số hành khách chủ quan với suy nghĩ đi máy bay cũng bình thường như các loại hình phương tiện thông thường khác, nên không tìm hiểu kỹ về các quy định vốn rất chặt chẽ của ngành hàng không.
Đáng tiếc là các trường hợp vi phạm quy định khi được nhắc nhở, hướng dẫn lại không phối hợp, không tuân thủ, thậm chí thiếu kiềm chế, nên dẫn tới hành vi gây rối và hành hung nhân viên hàng không.
Cùng quan điểm trên, một chuyên gia hàng không cho rằng, chung quy lại nguyên nhân chủ yếu do hành khách không chịu học hỏi, tìm hiểu quy định. Hành khách rất thụ động khi vừa tới sân bay, chưa xem bảng biển hướng dẫn, cứ thấy ai mặc áo đồng phục nhân viên là ra hỏi, dần dà biến thành thói quen xấu.
Ông cho rằng, việc trước nhất cần làm là tuyên truyền quy định pháp luật của hàng không để mọi người không vi phạm. Dù vậy, người dân cũng nên tìm hiểu các thông tin liên quan vào hàng không cũng như điều chỉnh hành vi của mình làm sao cho có văn hóa.
Cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định pháp lý để minh bạch hóa trách nhiệm của hãng hàng không với khách hàng, đồng thời tạo hành lang pháp lý minh bạch, đủ sức ngăn ngừa tình trạng hành khách vi phạm các quy định hàng không, uy hiếp an toàn bay.