Du lịch

Chiêm ngưỡng Vatican, nơi cất giữ kho báu nhân loại

TTO - Không phải một tín đồ Hồi giáo để hành hương về thánh địa Mecca hay người Công giáo với niềm tin ở Vatican, là một kẻ vô thần, tôi chỉ đến đây bởi sức hút từ những kho báu nghệ thuật mà vùng đất thiêng này cất giữ.

Du khách như lạc lối trong Vatican - Ảnh: Kim Ngân
Du khách như lạc lối trong Vatican - Ảnh: Kim Ngân

Trong danh sách các bảo tàng lớn nhất thế giới theo thứ tự Louvre (Pháp), State Hermitage (Nga), Bảo tàng Quốc gia (Trung Hoa), Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (Hoa Kỳ) thì Vatican đứng hàng thứ năm.

Các bảo tàng ở Vatican trưng bày rất nhiều kiệt tác hội họa, điêu khắc và những tác phẩm nghệ thuật khác được các giáo hoàng kỳ công sưu tập trong nhiều thế kỷ. Đây là quốc gia duy nhất trên thế giới được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Tiết kiệm chi phí nên tôi không đặt vé trước qua mạng, vì thế sáng sớm đã vội đến cổng bảo tàng xếp hàng mua vé. May mắn hôm ấy chỉ phải đợi một giờ thay vì ba giờ như thường lệ.

Mỗi góc ngách hay bức tường của vương quốc bé nhỏ này đều cất giữ một báu vật, vì thế tôi chỉ còn biết phải cố gắng tận dụng thời gian để lưu giữ lại những kỷ niệm.

Vừa bước vào Vatican, ngay cầu thang xoáy ốc Bramante hiện đại xây từ năm 1932 (cách gọi để phân biệt với cầu thang Bramante cũ có từ năm 1505 vẫn còn đến ngày nay) là những hiện vật trưng bày về các loại thuyền của các nền văn minh khắp thế giới.

Vatican hiện có 19 nhà bảo tàng tùy theo quy mô lớn nhỏ và những vật triển lãm bên trong là tranh, bích họa, bình gốm, xe ngựa, tượng hay những đồ vật của các giáo hoàng tiền nhiệm…

Du khách như lạc lối trong Vatican - Ảnh: Kim Ngân
Du khách như lạc lối trong Vatican - Ảnh: Kim Ngân
Đồng hồ ở Vatican - Ảnh: Kim Ngân
Chiếc đồng hồ ghi dấu thời gian ở Vatican - Ảnh: Kim Ngân
Đến Vatican, hẳn ai cũng háo hức để tìm đến Nhà nguyện Sistine được xây dựng vào năm 1475.

Đây là bảo tàng nổi tiếng nhất trong Vatican, được đặt theo tên của giáo hoàng Sixtus IV (1471-1484) vì ông muốn xây dựng một căn phòng lớn hơn trên nền “Cappella Magna” cũ - một căn phòng kiên cố từng sử dụng cho Tòa án giáo hoàng.

Kích thước căn phòng được sao chép lại từ ngôi đền Salomon lớn nhất ở Jerusalem từng bị người La Mã phá hủy vào năm 70 sau Công nguyên.

Nhà nguyện nổi tiếng với những kiến trúc và hình vẽ trang trí trên trần nhà như tranh 3D được các nghệ sĩ vĩ đại nhất thời Phục hưng là Michelangelo, Raphael, Bernini và Sandro Botticelli thực hiện.

Trong đó những tác phẩm hùng vĩ như bức tranh tường vẽ trên 800m2 với chủ đề lịch sử nhân loại trước khi Chúa xuất hiện, Sự phán xét cuối cùng... của Michelangelo khiến người xem phải choáng ngợp. 

Những tuyệt tác trên trần nhà - Ảnh: Kim Ngân
Những tuyệt tác trên trần nhà - Ảnh: Kim Ngân
Bức phù điêu nhà hiền triết mang đôi cánh quỳ dưới cây thiêng trong triều đại vua Ashurnasirpal II người Assyria, năm 883-859 trước công nguyên - Ảnh: Kim Ngân
Bức phù điêu nhà hiền triết mang đôi cánh quỳ dưới cây thiêng trong triều đại vua Ashurnasirpal II người Assyria, năm 883-859 trước Công nguyên - Ảnh: Kim Ngân

Có rất nhiều nơi để ghé qua nhưng những căn phòng Raphael là nơi tuyệt đối không thể bỏ lỡ vì có thể so sánh tài năng hội họa của Raphael và Michelangelo, hai người đã cùng Leonardo da Vinci trở thành bộ ba bậc thầy vĩ đại của giai đoạn Phục hưng.

Giáo hoàng Julius II (1483-1520) giao toàn quyền cho Raphael xóa tất cả những hình vẽ cũ để sáng tạo nên những điều mới ở Bốn căn phòng Segnature (1508-1511), Heliodorus (1511-1514), Lửa trong Borgo (1514-1517) và Constatine (1517-1524).

Riêng phòng Constatine phần lớn các tác phẩm là học trò của Raphael vẽ do ông đột ngột mất vào năm 1520. Tác phẩm Trường Athen tiêu biểu cho tài năng của ông, khi kết hợp tư tưởng Hi Lạp cổ đại vào trong các bức vẽ khiến cho thần học, triết học, văn nghệ và pháp luật trở nên mềm mại và dễ đi vào lòng người hơn.

Bạn không cần phải đi Ai Cập mới có thể chiêm ngưỡng các xác ướp. Ngay bảo tàng Ai Cập tại Vatican đã có những tuyệt tác của Ai Cập.

Giáo hoàng Gregory (1831-1846) thành lập bảo tàng này tại cung điện Lateran vào năm 1884, sau đó giáo hoàng John XXIII di dời đến Vatican vào năm 1970. Đây là nơi triển lãm nhiều tác phẩm nghệ thuật của Ai Cập cho đến các nền văn minh khác.

Bảo tàng Etruscan được giáo hoàng Gregory XVI thành lập năm 1837 sẽ là nơi thỏa mãn du khách yêu thích các loại bình hoa được trang trí các bức họa đẹp mắt hay một bộ sưu tập lớn bình hoa theo trường phái Ý Hi Lạp hóa và một số từ thời La Mã, khám phá các loại huy chương bằng đồng và những phát hiện khảo cổ ở phía nam Etruria.

Trong căn phòng số II có mộ của Regolini-Galassi, gia đình Etruscan giàu có đã chôn theo vô số vạc đồng và trang sức vàng, tìm được ở thành phố cổ Caere ở Ý. Còn các phòng IV-VIII dành cho triển lãm trang sức vàng được thợ thủ công vùng Etruscan chế tác trong thế kỷ 10.

Bảo tàng Gregorian Profane do giáo hoàng Gregory XVI (1831-1846) thành lập tại cung điện Lateran Palace vào năm 1884 và sau đó giáo hoàng John XXIII đã chuyển về Vatican vào năm 1970.

Những bức tượng gốc Hi Lạp, bản sao La Mã và những công trình có từ thế kỷ 1 đến 3 sau Công nguyên được trang trọng đặt trong khu vực này. Nổi tiếng nhất là hai tác phẩm về nữ thần Athena và thần rừng Marsyas.

Nếu bạn mê các loại thảm thì nên tìm đến bộ sưu tập Tapestries. Những tấm thảm trang trí khổng lồ Flemish được các họa sĩ thuộc nhóm Pieter van Aelst sáng tác dưới ảnh hưởng của các tác phẩm do học trò của Raphael vẽ.

Các tuyệt tác trong giai đoạn giáo hoàng Clement VII (1523-1534) được trưng bày lần đầu ở nhà nguyện Sistine năm 1531 sau đó chuyển qua nơi này vào năm 1838.

Những bức tranh tường đẹp lộng lẫy- Ảnh: Kim Ngân
Những bức tranh tường đẹp lộng lẫy - Ảnh: Kim Ngân
Một bức tranh kính- Ảnh: Kim Ngân
Một bức tranh kính - Ảnh: Kim Ngân

Bảo tàng Pius-Clementine là nơi giáo hoàng Clement XIV (1769-1774) và Pius VI (1775-1799) ủy quyền cho người khác sưu tập những kiệt tác quan trọng nhất của Hi Lạp và La Mã mang về Vatican.

Bước vào đây bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những bức tượng về các vị thần và động vật. Khu vực sân hình bát giác có bức tượng về thần Belvedere Apollo đội vòng nguyệt quế được tạc từ đá cẩm thạch, phát hiện vào cuối thế kỷ 15.

Đây vốn là một bản sao chép của người La Mã ở thế kỷ 2 từ bản gốc bằng đồng ở Hi Lạp. Riêng phòng Bust chủ yếu chứa chân dung các vị hoàng đế La Mã.

Phòng tròn do Michelangelo Simonetti xây vào cuối thế kỷ 18 theo trường phái Neo cổ điển thuần túy, với mái vòm dựa trên mái vòm của đền Pantheon có đường kính 21,60m, có cả một bức tượng Hercules bằng đồng mạ vàng gần nhà hát Pompey.

Borgia vốn là một căn phòng xây riêng dành cho giáo hoàng Alexander VI (1492-1503), sau đó được trùng tu qua các đời giáo hoàng kế tiếp. Công trình tạm ngừng cho đến cuối thế kỷ 19 mới được mở cho công chúng vào tham quan.

Hiện nay Borgia được sử dụng làm nơi sưu tập các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo hiện đại, gồm khoảng 600 tác phẩm hội họa, điêu khắc, đồ họa. Trong đó đặc sắc là các tác phẩm của các họa sĩ Gaugin, Chagall, Klee and Kandinskij.

Một nơi ít hứng thú với khách du lịch là gian phòng Bộ sưu tập bản đồ được đặt tên từ 40 tấm bản đồ trên tường, vẽ về các vùng của nước Ý và những bất động sản thuộc quyền sở hữu của giáo hoàng Gregory XIII (1572-1585).

Những tấm bản đồ này được họa sĩ Ignazio Danti, một nhà địa lý học nổi tiếng đương thời vẽ từ giữa năm 1580-1585.

Du khách nghỉ ngơi sau khi tham quan bảo tàng - Ảnh: Kim Ngân
Du khách nghỉ ngơi sau khi tham quan bảo tàng - Ảnh: Kim Ngân
Du khách nghỉ ngơi sau khi tham quan bảo tàng - Ảnh: Kim Ngân
Một góc sân trong, nơi du khách dừng chân nghỉ ngơi - Ảnh: Kim Ngân
Nơi du khách thường vứt đồng xu may mắn bên trong bảo tàng Vatican - Ảnh: Kim Ngân
Nơi du khách thường vứt đồng xu may mắn bên trong Bảo tàng Vatican - Ảnh: Kim Ngân

Ở Vatican linh thiêng, người ta sẽ phải bước khẽ và im lặng, cổ thì mỏi còn mắt thì đau vì mải ngắm quá nhiều kiệt tác trong vòng vài giờ.

Nhưng giữa dòng du khách tấp nập, tôi đã tìm được một chỗ cho riêng mình để giữ những kỷ niệm về kho báu nghệ thuật quý giá này.

KIM NGÂN
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        12,853,861       429