Du lịch

Những "lệnh cấm" cần biết khi đi du lịch

TTO - Trước khi đến các quốc gia này, khách du lịch nên “bỏ túi” một số kiến thức để tránh bị phạt oan mạng.

Trang Sputnik của Nga đã điểm qua một số luật cấm kỳ lạ ở các nước. Có những điều luật dường như đã lỗi thời, không còn được người dân thực thi trong thực tế nhưng chúng quả thật... lạ lùng.

1. Cấm trò chơi điện tử ở Hi Lạp

Chính phủ Hi Lạp cấm người dân chơi điện tử từ năm 2002 - Ảnh: kotaku

Kể từ năm 2002, chính quyền Athens đã cấm người dân chơi điện tử. Các quy định trong lệnh cấm khá mơ hồ vì ban đầu chính quyền chỉ dự kiến cấm các máy trò chơi điện tử.

Năm 2003, dưới áp lực của Liên minh châu Âu (EU), chính quyền buộc phải chỉnh sửa một số điều khoản. Tuy nhiên, trò chơi điện tử vẫn bị cấm trong các quán cà phê Internet.

2. Cấm cắt tóc kiểu “phương Tây” tại Iran

Kiểu tóc dài của phương Tây bị cấm tại Iran - Ảnh: AlloCiné

Năm 2010, chính quyền Tehran đã ra lệnh cấm một số kiểu tóc đang thịnh hành tại phương Tây như tóc đuôi ngựa hay tóc dài. Nhà chức trách thậm chí còn xuất bản một tờ báo có hình minh họa các kiểu tóc được phép cắt.

Năm 2015, Iran tiếp tục cấm nam giới để các kiểu tóc "quái dị" hoặc có hơi hướm của người đồng tính.

3. Cấm "Ngày tình nhân" ở Saudi Arabia

Chính quyền Saudi cấm người dân ăn mừng ngày Valentine - Ảnh: Pixabay

Theo các tờ báo địa phương ở Saudi, ngày Lễ tình nhân (Valentine) “khuyến khích các mối quan hệ thiếu đạo đức giữa nam và nữ chưa kết hôn”. Vì vậy, trong ngày này, người dân không được phép ăn mừng và cũng không được bán các món hàng có màu đỏ như hoa hồng, thiệp, hộp sôcôla...

Chính lệnh cấm này đã khiến chợ đen phát triển mạnh mẽ để phục vụ nhu cầu khách hàng.

4. Cấm quần áo màu vàng ở Malaysia

Nhóm người mặc áo vàng tham gia cuộc biểu tình chống chính phủ Malaysia vào tháng 9-2015 - Ảnh: Reuters

Năm 2011, chính quyền Malaysia cấm mặc các bộ quần áo màu vàng. Những vật dụng nhỏ nhất như sợi dây giày màu vàng cũng bị cấm.

Nếu bị phát hiện vi phạm, người dân sẽ phải đóng phạt lên đến 1.000 euro vì tội “đe dọa an ninh”.

5. Cấm sốt cà chua ở Pháp

Pháp cấm sử dụng sốt cà chua tại căn tin các trường học từ năm 2011 - Ảnh: letpacificfood

Kể từ năm 2011, sốt cà chua bị cấm sử dụng tại căn tin các trường học vì bị cho là làm hỏng mùi vị ẩm thực Pháp và chứa quá nhiều đường.

6. Cấm ăn món dồi Haggis tại Mỹ

Dồi Haggis không được phép xuất hiện trong thực đơn ở Mỹ suốt 40 năm qua - Ảnh: hendersonhamilton

Dồi Haggis là món ăn truyền thống của Scotland làm từ bộ đồ lòng của cừu gồm tim, gan và phổi.

Tuy nhiên, tại Mỹ, phổi cừu là thực phẩm bị cấm nên món dồi Haggis cũng không được phép xuất hiện trong thực đơn suốt 40 năm qua.

7. Cấm điện thoại di động tại Cuba

Cơn sốt điện thoại di động trong giới trẻ ở Cuba - Ảnh: Twitter

Dưới thời của cựu Chủ tịch Fidel Castro, chỉ có các quan chức cấp cao trong chính phủ và công ty nước ngoài mới được quyền có điện thoại di động.

Tháng 3-2008, Chủ tịch Raul Castro quyết định dỡ bỏ lệnh cấm này, chấm dứt tình trạng mua bán điện thoại di động lén lút tại các chợ đen.

8. Cấm ăn kẹo cao su tại Singapore

Từ năm 1992, chính phủ Singapore cấm người dân bán và nhai kẹo cao su - Ảnh: Stain Eaters

Từ năm 1992, chính phủ Singapore cấm người dân bán và nhai kẹo cao su bởi lẽ loại kẹo này gây mất vệ sinh đường phố và gây ảnh hưởng không tốt cho môi trường.

Nhờ Hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và Singapore, kể từ năm 2004 luật này được nới lỏng hơn một chút. Theo đó, những người nhai kẹo cao su vì lý do trị liệu sẽ không bị phạt.

9. Cấm "hóa thân tái sinh" tại Trung Quốc

Năm 2007, chính quyền Bắc Kinh đã ra lệnh cấm tình trạng "hóa thân tái sinh" mà không có sự cho phép của chính phủ. Quy định này được đưa ra nhằm ngăn chặn nạn hóa thân giả làm “Phật sống” của người Tây Tạng để trục lợi.

10. Cấm chơi ghép từ tại Romania

Trong những năm 1980, chính quyền Romania đã cấm người dân chơi trò ghép từ - Ảnh: Pinterest

Trong những năm 1980, chính quyền Bucharest đã cấm người dân chơi trò ghép từ với lý do trò này “quá trí tuệ”. Tuy nhiên, hiện nay lệnh cấm này đã được dỡ bỏ.

​9. Cấm hoa nhài tại Tunisia

Chính quyền Tunisia đã cấm trồng hoa nhài kể từ sau cuộc Cách mạng Hoa Nhài năm 2010 - Ảnh: Mark Vos

Chính quyền Tunis đã cấm trồng hoa nhài kể từ sau cuộc Cách mạng Hoa Nhài năm 2010. Trong thời gian diễn ra cách mạng, người dân tràn ra đường biểu tình phản đối nạn tham nhũng, thất nghiệp, giá thực phẩm tăng.

Bạo loạn lên đến đỉnh điểm khiến Tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali bị lật đổ và phải tháo chạy khỏi đất nước sau 23 năm cầm quyền.​

10. Cấm khái niệm “du hành vượt thời gian” tại Trung Quốc

Năm 2011, chính quyền Bắc Kinh cấm các nội dung liên quan đến khái niệm du hành vượt thời gian để “tôn trọng lịch sử” sau khi hàng loạt chương trình truyền hình liên tục khai thác quá mức chủ đề này.

11. Cấm xe tập đi cho em bé tại Canada

Kể từ năm 2004, những bà mẹ Canada không được phép sử dụng các xe tập đi cho con mình - Ảnh: Amazon

Kể từ năm 2004, những bà mẹ Canada không được phép sử dụng các xe tập đi cho con mình. Theo chính phủ, loại xe này làm chậm quá trình phát triển thể chất của trẻ. Canada cũng là quốc gia đầu tiên đưa ra lệnh cấm này.

Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu về An toàn trẻ em cũng khuyên các bậc cha mẹ không nên sử dụng xe tập đi cho trẻ.

12. Cấm thức ăn nhanh McDonald's tại Bolivia

Từ năm 2002 đến 2015 du khách không thể tìm thấy bất cứ một cửa tiệm nào thuộc thương hiệu McDonald tại Bolivia - Ảnh: Today

Tuy chính quyền Bolivia không thính thức đưa ra luật nào cấm mở các nhà hàng McDonald's nhưng từ năm 2002 đến 2015 du khách không thể tìm thấy bất cứ một cửa tiệm nào thuộc thương hiệu này tại đây.

Trước đây, tại Bolivia từng có McDonald's nhưng do người dân không chuộng thức ăn nhanh nên chính quyền đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ chuỗi cửa hàng.

13. Cấm manơcanh không đội khăn choàng đầu tại Iran

Năm 2009, chính quyền Iran cấm người dân trưng bày manơcanh trong cửa hàng mà không đội khăn choàng đầu - Ảnh: Flickr

Năm 2009, chính quyền Iran cấm người dân trưng bày manơcanh trong cửa hàng mà chưa đội khăn choàng đầu hijab. Ngoài ra, các manơcanh phải được mặc quần áo kín đáo, không được để lộ các đường cong. Nam giới cũng bị cấm bán đồ lót phụ nữ.

14. Cấm túi nhựa tại Bangladesh

Năm 2002, Bangladesh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm sử dụng túi nhựa để tránh ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, các nhà kinh doanh bắt đầu phân phối túi nhựa bất chấp lệnh trừng phạt.

15. Cấm đánh đòn tại Thụy Điển

Năm 1979, Thụy Điển là quốc gia đầu tiên áp dụng luật cấm đánh đòn - Ảnh: Le Figaro

Năm 1979, Thụy Điển là quốc gia đầu tiên áp dụng luật cấm đánh đòn nhưng không mấy thành công. Thay vì mang lại giá trị tích cực, luật này gây ra nhiều hậu quả như con cái lên án cha mẹ hay trẻ em bỏ nhà ra đi chỉ vì bị tát.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác như Phần Lan, Na Uy và Áo vẫn quyết định áp dụng luật này nhằm bảo vệ trẻ em. 

​ 16. Cấm phụ nữ lái xe tại Saudi Arabia

Phụ nữ Saudi không bị cấm lái xe, nhưng không bao giờ lấy được bằng lái - Ảnh: Kippreport

Tại Saudi Arabia, về lý thuyết, phụ nữ không bị cấm lái xe. Tuy nhiên, chính quyền cũng không cấp bằng lái cho họ. Nếu lái xe mà không có bằng, họ sẽ bị phạt. 

Vào tháng 4-2016, hãng tin Reuters dẫn lời Phó vương Mohammad bin Salman Al Saud nói rằng "xã hội vẫn chưa thấy được thuyết phục với chuyện phụ nữ lái xe" và thậm chí việc này gây ra nhiều "hậu quả tiêu cực". 

17. Cấm đặt tên tự do tại Đan Mạch

Ở Đan Mạch, cha mẹ phải chọn tên cho con trong danh sách hơn 24.000 cái tên có sẵn. Nếu muốn đặt theo tên nằm ngoài danh sách, các bậc phụ huynh phải nộp đơn xin phép.

BÌNH MINH
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        12,899,912       221