Du lịch

Lo cho Kỳ Co

TTO - Vẻ đẹp hoang sơ, độc đáo của bãi Kỳ Co (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, Bình Định) hấp dẫn bao nhiêu thì vấn đề an toàn đi lại trên biển, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường... khiến du khách lo lắng bấy nhiêu.

Đưa khách ra tàu bằng thuyền thúng trong mưa gió và sóng lớn - Ảnh: DUY THANH
Đưa khách ra tàu bằng thuyền thúng trong mưa gió và sóng lớn - Ảnh: DUY THANH

“Nếu không quản lý được du lịch tự phát, không bao lâu Kỳ Co sẽ bị tàn phá

Ông Nguyễn Phụ Sơn​ (giám đốc Công ty Hoàng Đạt)

Dù đang vào mùa mưa, biển động mạnh nhưng vẫn có khá nhiều du khách - hầu hết từ phương xa - đến Kỳ Co vì sự quyến rũ của điểm đến này được loan truyền rầm rộ gần đây. Trưa 30-9, chúng tôi đến Nhơn Lý để thuê tàu ra Kỳ Co. Khác với những nơi làm du lịch chuyên nghiệp thường hay hạ giá vào mùa thấp điểm, giá dịch vụ tại đây lại cao hơn.

Bà chủ của nhà hàng Anh Bảo, một trong những nơi tổ chức đưa khách tham quan tuyến này, thu của chúng tôi 400.000 đồng/người (gồm tiền thuê tàu và bao ăn trên bãi), cao hơn so với mức giá 350.000 đồng/người vào tháng trước, với lời giải thích ít người nên giá phải cao. Dù vậy, chúng tôi vẫn phải đi “ghép” với khách của những nơi khác gom về.

“Có chuyện gì ai bồi thường?”

Sóng lớn lại không có cầu cảng, để di chuyển từ bờ ra tàu khoảng 20m, chúng tôi phải lên chiếc thuyền thúng do hai thanh niên dầm mình dưới biển kéo, chèo ra. Lên thúng, chỉ hai con sóng đầu tiên, toàn bộ du khách bên trên cùng đồ đạc đã ướt nhẹp nước biển. Áo phao được chủ tàu phát ra và với thời tiết sóng gió tương đối lớn này, không cần nhắc ai cũng vội vàng xỏ áo vào người.

Huyền Thương, một bạn gái trong nhóm năm bạn trẻ từ TP.HCM ra đi cùng tàu chúng tôi, cho biết: “Nhóm thuê tàu của bên Mộc Viên, nhưng họ ghép sang cùng các anh. Nghe kể về Kỳ Co thấy thú vị và hấp dẫn quá nên tụi em vượt mấy trăm cây số ra để đến cho biết. Nhưng thú thật đi vầy hơi sợ, vì chỉ “tiền trao cháo múc”, bên tổ chức là những hộ dân tự phát, không có vé hay bất kỳ loại giấy tờ nào để bảo hiểm cho khách. Đi thế này, lỡ có chuyện gì không biết ai lo, ai bồi thường cho mình?”.

Để vào được bãi Kỳ Co, chúng tôi cũng được “tăng bo” bằng thuyền thúng bởi cầu cảng bằng gỗ đã bị nhà đầu tư dự án du lịch Kỳ Co tháo dỡ vì lo sợ sóng gió lớn cuốn trôi. Khách trên thúng thêm một lần ướt nước biển. Nhưng đường về còn gian truân hơn, chúng tôi tiếp tục được gửi đi nhờ với đoàn khách do Hướng Dương Travel tổ chức.

Trời mưa, sóng lớn mà canô chỉ có tấm bạt che bên trên nên trong 30 phút tàu chạy, toàn bộ khách, trong đó có những cụ già và trẻ nhỏ, đều ướt nhẹp nước mưa và sóng biển. “Dù biết đi chơi là chấp nhận mưa rơi, nhưng du lịch thế này thì... khổ thiệt” - ông Trần Văn Tuyên (Phù Cát, Bình Định) nói.

So với nhiều điểm du lịch sinh thái khác, Kỳ Co vẫn còn rất trong lành và sạch sẽ. Tuy nhiên, giữ cho được môi trường này trong tương lai hẳn là sự thách thức, bởi trên bãi cát vàng óng ánh đây đó xuất hiện những chai nước suối, vỏ lon bia, vật dụng... mà các du khách thiếu ý thức nào đó vứt bỏ.

Cạnh một nhà chòi nơi chúng tôi nghỉ chân xuất hiện những “cụm” rác thải sinh hoạt lưu cữu. Đi hết một vòng trên bãi cát vàng Kỳ Co, không thấy có một thùng chứa rác nào. Trên đường về, một người “nhà tàu” vô tư vứt bọc rác thải từ hoạt động nấu nướng, ăn uống từ bãi Kỳ Co xuống biển, như thói quen thường ngày của ngư dân...

Do làm du lịch tự phát và được bao ăn trọn gói, nên những hộ dân tổ chức “tour” chở thực phẩm từ Nhơn Lý ra Kỳ Co và nấu nướng tại chỗ phục vụ du khách. Tại nhà chòi mà Hướng Dương Travel thuê phục vụ khách hôm ấy, lò nướng được đặt trên cát, bánh tráng, rau sống, chén bát mang theo được bày ngay trên nền gạch cáu bẩn, nhiều cát...

Nhiều du khách cảm thấy thú vị vì thấy tôm, ốc, cá tươi được nướng ngay tại chỗ, nhưng cũng có những vị khách nữ kiên quyết không ăn vì lo ngại mất vệ sinh 
an toàn thực phẩm.

Cảnh nhếch nhác khi nấu nướng, phục vụ du khách của một hộ tổ chức du lịch Kỳ Co tự phát - Ảnh: DUY THANH
Cảnh nhếch nhác khi nấu nướng, phục vụ du khách của một hộ tổ chức du lịch Kỳ Co tự phát - Ảnh: DUY THANH

Lo môi trường bị tàn phá

Những người phát hiện tiềm năng du lịch của Kỳ Co là ngư dân Nhơn Lý và chính họ đưa những đoàn du khách đầu tiên đến nơi này để tham quan theo nhu cầu, dần dà hình thành nên cách tổ chức, phục vụ tự phát.

Khoảng hai năm nay, Kỳ Co trở thành điểm đến hấp dẫn du khách khắp nơi và hệ lụy cũng nảy sinh từ đó. Ông Nguyễn Tấn Dũng, chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, cho hay địa phương này đón khoảng 1.000 du khách/ngày đi chơi ở Kỳ Co và một số đảo lân cận vào mùa hè.

“Để phục vụ nhu cầu du khách, ngư dân của xã mua sắm, cải hoán 35 chiếc tàu, canô chở khách. Nhưng theo kết quả kiểm tra cuối tháng 9-2016, có đến 19 chiếc hoạt động không hợp pháp và bảy chiếc trong số này đã bị lập biên bản đình chỉ hoạt động” - ông Dũng cho hay.

Dù vậy theo ông Dũng, vì người dân đầu tư mỗi tàu vài chục đến cả trăm triệu đồng nên một số người vẫn lén đưa khách đi Kỳ Co và một số đảo khác mà chính quyền không thể kiểm soát hết được...

Trong khi đó, ông Lê Anh Sơn - phó chủ tịch UBND TP Quy Nhơn - cho biết thời gian gần đây thành phố phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc chở khách đến các điểm tham quan trên biển, đảo tại địa bàn và chấn chỉnh, xử lý nhiều trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên theo ông Sơn, cái khó lớn nhất là đến nay ở Quy Nhơn chưa có bến tàu, đò du lịch. Kỳ Co và một số điểm khác chỉ làm du lịch tự phát, không bán vé nên chính quyền rất khó quản lý.

“Du lịch phát triển nóng như vậy, nhiều du khách lại thích kiểu tự nhiên, không bó buộc, họ tự đến, tự thuê tàu tự đi, tự ăn, tự chơi... rồi dần hình thành nên kiểu phục vụ du lịch tự phát hiện nay khiến chính quyền và các cơ quan quản lý gặp không ít khó khăn” - ông Sơn cho hay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty CP du lịch và thương mại Hoàng Đạt đã trúng thầu đầu tư dự án phát triển du lịch tại Kỳ Co với tổng vốn 250 tỉ đồng, hoạt động trong 50 năm. Hiện công ty này đang hoàn thiện việc xây dựng con đường dài 4,5km từ trung tâm xã Nhơn Lý đến bãi Kỳ Co, đã làm xong tám nhà chòi có diện tích khoảng 70m2/nhà và đang triển khai xây dựng nhà hàng, các bungalow lưu trú ở khu du lịch này.

Ông Nguyễn Phụ Sơn, giám đốc Công ty Hoàng Đạt, cho biết dự kiến trong quý 1-2017, dự án mới bắt đầu đi vào hoạt động, khi đó việc tổ chức các tour tuyến tham quan cho du khách sẽ đi vào quy củ, chuyên nghiệp.

“Tôi cũng lo lắm, nhất là việc ô nhiễm môi trường. Khách đến vứt rác lung tung, các hộ dân tổ chức đưa khách đến thì thiếu trách nhiệm, nên doanh nghiệp bố trí tám nhân viên, lúc cao điểm đến 22 nhân viên mà dọn rác thải không xuể.

Hơn nữa, đến thời điểm này mà nói chúng tôi cũng chưa biết khi mình đi vào hoạt động sẽ “sống chung” với các tour du lịch tự phát như thế nào... Nếu không quản lý được du lịch tự phát, không bao lâu Kỳ Co sẽ bị tàn phá” - ông Sơn nói.

Siết chặt an toàn giao thông đường thủy

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phan Cao Thắng vừa ký văn bản yêu cầu UBND TP Quy Nhơn chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động người dân không dùng canô, ghe thuyền chưa đăng ký, đăng kiểm và chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về giao thông đường thủy để chở khách du lịch từ đất liền ra các đảo: Hòn Sẹo, Eo Gió, Hòn Khô, khu du lịch Kỳ Co - Nhơn Lý.

Theo đó, yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý đối với những người vi phạm. Ngoài ra, Công ty CP du lịch và thương mại Hoàng Đạt phải khẩn trương xây dựng, thông báo công khai phương án khai thác, quản lý, sử dụng mặt nước biển trong khu vực dự án Kỳ Co đảm bảo hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

DUY THANH (duythanh@tuoitre.com.vn)
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        12,922,739       697