Du lịch

Leo núi cuối tuần ở Mỹ Đức

TTO - Nổi tiếng với quần thể di tích - văn hóa Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) còn được thiên nhiên ban tặng một hệ thống núi đá vôi trùng trùng điệp điệp soi bóng xuống những hồ nước bao la, tạo ra khung cảnh 
tuyệt đẹp.

Đi thuyền trên hồ Quan Sơn - Ảnh HẢI DƯƠNG
Đi thuyền trên hồ Quan Sơn - Ảnh HẢI DƯƠNG

Chỉ có một ngày nghỉ cuối tuần nhưng chúng tôi đã có dịp khám phá được một bức tranh sơn thủy hùng vĩ ngay tại Hà Nội, sau lời gợi ý của anh bạn quê ở huyện Mỹ Đức: “Về quê tôi leo núi”.

Chinh phục Phổ Đà Sơn

Từ điểm hẹn Ngã Tư Sở, nhóm di chuyển xuống Ba La, rồi theo đường 21B về Mỹ Đức. Cách điểm Chợ Bến ghi trên cột mốc chừng 4km, đoàn bắt đầu hỏi đường rẽ phải nhằm hướng xã Hồng Sơn thẳng tiến.

Đi được một đoạn, con đường đá dăm lổn nhổn bắt đầu thử thách các tay lái. Nhưng phía bên trái cung đường, một vùng hồ mênh mông với làn nước trong xanh phẳng lặng soi bóng dáng núi hòa vào nền trời tạo ra một khung cảnh tuyệt sắc. Xe đi chậm lại để những cặp mắt ngắm 
nghía cho thỏa thích.

Sau khi gửi xe trong ngôi chùa Quan Âm bên hồ Bát Nhã (xã Hồng Sơn), chúng tôi bắt đầu xuất phát để chinh phục đỉnh Phổ Đà Sơn (còn gọi là núi chùa Cao) - nằm ở lưng chừng núi với độ cao hơn 300m so với mặt đất. Những bậc đá cực dốc men theo triền núi đã lấy ngay sức lực của mọi người.

Nhiều bạn trong nhóm là dân văn phòng vốn thừa độ ì bởi chỉ ngồi một chỗ, thiếu vận động đã kêu trời khi lần đầu phải chiến đấu với từng bậc đá bằng ý chí. Ai nấy mồ hôi đổ ra như tắm, 
ướt sũng những vạt áo.

Càng lên cao, sự hoang vắng, u tịch càng hiện hữu. Những bông hoa rừng lạ mắt điểm vào màu xanh của cây lá làm cho mọi người hào hứng đỡ mệt. Bên dưới là vùng hồ nước Tuy Lai mênh mông, xa xa làng xóm, ruộng đồng hiện ra thật nên thơ, rồi cứ nhòe dần trong ánh mắt theo màu nắng.

Và sau khi leo hết khoảng 1.500 bậc đá, chúng tôi cũng tới được chùa Cao. Vài phút dừng chân uống nước và hóng gió, mọi người hạ quyết tâm tới đỉnh Phổ Đà Sơn trước khi nắng gắt 
buổi trưa đổ xuống.

Do không có đường mòn, mọi người phải dùng hai tay bám vào vách đá lấy sức đẩy cơ thể đi lên từng bước. Những đôi giày, dép ít ma sát đều được cởi bỏ để leo chân trần cho an toàn. Cuối cùng, cửa động Bảo Quan Âm (còn gọi là động Ngọc Long) - một trong năm ngọn núi trong dãy Phổ Đà Sơn - cũng đã hiện ra.

Từ động Ngọc Long, có thể đưa tầm mắt nhìn xuống dưới để ngắm bức tranh toàn cảnh xa xa như một bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc.

Cũng có thể nhìn sang đỉnh Hai Ngọn, nơi có động Bồng Lai hoặc bên kia là đỉnh Bàn Cờ, nơi có dáng bàn cờ tiên giữa mây trời. Bên trong động lại như một thế giới với những luồng hơi mát như từ chiếc máy điều hòa tự nhiên, khổng lồ xả vào mọi người.

Những vũng nước như mới lấy từ tủ đá ra cho cả nhóm rửa tay, rửa mặt. Bên trên là các chùm nhũ đá, măng đá đua nhau khoe sắc dưới ánh đèn.

Ngắm vịnh Hạ Long trên cạn

Cách Phổ Đà Sơn và hồ Tuy Lai không xa là khu hồ Quan Sơn (xã Hợp Tiến) với hàng trăm ngọn núi, hòn đảo lớn nhỏ nổi lên trên mặt nước, được ví như “vịnh Hạ Long trên cạn”. Nếu chỉ đi thuyền ngắm cảnh trên hồ Quan Sơn, mọi người thường chọn mùa hoa sen hoặc hoa súng nở rộ.

Hôm chúng tôi đến, hoa trang trắng phủ kín mặt nước. Nhưng để ngắm được cảnh bao quát “vịnh Hạ Long trên cạn”, chúng ta phải lên được đỉnh núi trên đảo Hoa Quả Sơn.

Nhóm chúng tôi bắt đầu xuống hai chiếc thuyền sắt chèo tay của những người phụ nữ bản địa với dáng người, nét mặt khắc khổ. Vừa chèo thuyền, các chị, các cô vừa niềm nở trò chuyện đủ mọi thứ trên trời dưới đất với du khách, nhưng không quên vai trò hướng dẫn viên khi giới thiệu vẻ đẹp hồ Quan Sơn và tư vấn các hòn đảo nên ghé thăm.

Sau 45 phút, con thuyền rẽ nước qua những vùng hoa sen, hoa trang trắng, chúng tôi đặt chân lên đảo Hoa Quả Sơn, một trong số các đảo lớn nhất vùng lòng hồ Quan Sơn.

Theo người dân bản địa, Hoa Quả Sơn trước đây từng có bầy khỉ đông đúc sinh sống và trên đảo có rất nhiều loại hoa, quả tự nhiên của núi rừng. Để ngắm “vịnh Hạ Long trên cạn” như mọi người đã ví von, chúng tôi tiếp tục phải chinh phục con đường mòn lên đỉnh Cột Cờ.

Tuy không cao như đỉnh Phổ Đà Sơn, nhưng con đường từ đảo lên đỉnh núi cực kỳ khó khăn. Ngoài việc phải vượt qua những mỏm đá trơn, dốc chỉ có chỗ để vừa đúng một bàn chân, mọi người phải tìm cách luồn qua những cành cây đâm ra chắn đường.

Không chỉ có vậy, ai ai cũng phát sợ khi những con ong vo ve trên đầu, cùng rất nhiều loại côn trùng có thể tấn công bất cứ lúc nào. Lên được đỉnh Cột Cờ, mọi người trong đoàn đều đã kiệt sức trong cái nắng trưa chói chang đổ xuống.

Nền trời xanh thẳm, trong vắt những dáng núi nhấp nhô, nối đuôi nhau hiện ra. Phía dưới là lòng hồ Quan Sơn với những mảng hoa trang, hoa sen phủ đầy trên mặt nước. Những dãy núi, hòn đảo hiện ra giữa lòng hồ, xa xa là vùng quê trù phú với cánh đồng, mái nhà nhấp nhô...

Và có lẽ, hồ Quan Sơn được ví như vịnh Hạ Long trên cạn cũng không ngoa, nếu du khách đứng ở đỉnh Cột Cờ trên đảo Hoa Quả Sơn để phóng tầm mắt 
xuống lòng hồ này.

Nhiều tiềm năng phát triển du lịch

Động Ngọc Long với hệ thống nhũ đá đẹp và tượng Quan Âm - Ảnh: HẢI DƯƠNG
Động Ngọc Long với hệ thống nhũ đá đẹp và tượng Quan Âm - Ảnh: HẢI DƯƠNG

Hệ thống núi đá vôi ở Mỹ Đức dài gần 40km với độ cao từ 200-600m, nối với vùng rừng núi của huyện Kim Bôi, Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình). Nơi đây có nhiều hang động karst - loại hang động nhiều nhũ đá, măng đá, sông suối ngầm, có tiềm năng lớn để khai thác du lịch.

Ngoài ra, với hệ thống sông, suối, hồ phong phú như sông Đáy, suối Yên, hồ Tuy Lai, hồ Sơn Sơn... chạy theo núi đá vôi, tạo thành một vùng thắng cảnh non nước hùng vĩ, tuyệt đẹp. Du khách có thể leo núi để vãn cảnh chùa, thăm hang động và chinh phục các đỉnh cao nhất, ngắm cảnh trời đất, sông hồ bao la.

Tuy nhiên, do nhiều điểm rừng núi hoang vắng, không có hàng quán, du khách phải chuẩn bị đồ ăn nhẹ, đồ uống khi đi khám phá những điểm đến này.

HẢI DƯƠNG
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        12,936,109       339