TTO - Theo Công ty tư vấn du lịch IPK International (Đức), 40% du khách quốc tế ngán ngại đe dọa khủng bố, trong đó 15% sẽ không dám ra nước ngoài và 25% chọn các điểm đến an toàn hơn.
Khu dân cư sầm uất Karrada tan hoang sau vụ nổ bom xe - Ảnh: AFP |
“Đến tôi còn sợ làm việc ở nơi này |
Ismail Celebi (nhân viên cửa hàng nữ trang gần nơi khủng bố tại Istanbul ngày 12-1-2016) |
Hãng AFP hôm qua đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ bị giảm 35% du khách nước ngoài trong tháng 5, mức giảm cao nhất trong 22 năm qua. Đây là hậu quả của nhiều vụ khủng bố nhắm vào du khách ở Thổ Nhĩ Kỳ. Không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều quốc gia từng bị khủng bố đều gặp phải tình trạng này.
Thổ Nhĩ Kỳ: du lịch quốc tế sụp đổ
Du lịch mang lại gần 30 tỉ euro/năm cho Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm 4% GDP và giúp đảm bảo 8% lao động có việc làm trong ngành này. Tuy nhiên, du khách ngày càng giảm do lo sợ khủng bố.
Bộ Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận tính từ đầu năm, số du khách giảm 23%, nhiều nhất là du khách Nga. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo chương trình hỗ trợ tài chính để vực dậy du lịch.
Ai Cập: 5 năm liền tàn tạ
Tại Ai Cập, “con bò sữa” du lịch từng đem lại 11,4% GDP và chiếm hơn 10% lao động (2,6 triệu việc làm). Năm 2010, Ai Cập thu hút hơn 15 triệu du khách. Sau đó, du lịch đi xuống sau sự kiện Mùa xuân Ả Rập rồi đến khủng hoảng chính trị liên miên và nguy cơ khủng bố.
Tháng 10-2015, vụ IS đặt bom trên máy bay Nga chở du khách từ Sharm el-Sheikh về Nga tiếp tục đè du lịch không ngóc đầu lên nổi. Năm ngoái số du khách chỉ còn 9 triệu và năm nay cũng chẳng khá hơn. Hồi tháng 2, chỉ có 30-40% số phòng khách sạn tại Sharm el-Sheikh có khách.
Pháp: du khách giảm mạnh ở Paris
Pháp là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới với hơn 84 triệu du khách năm 2015. Sau vụ khủng bố ngày 13-11-2015 tại Paris, du khách quốc tế giảm 8% trong tháng 1 năm nay.
Đặc biệt du khách quốc tế giảm mạnh tại thủ đô Paris trong ba tháng đầu năm như du khách Nhật giảm 56%, du khách Nga giảm 35%.
Thêm vào đó là tình hình bãi công và thời tiết xấu. Ngày 29-6, Chính phủ Pháp phải thông báo lập một ủy ban khẩn cấp kinh tế trong tháng 7. Du lịch giải quyết 2 triệu việc làm và mang lại 7% GDP cho Pháp.
Nam Âu và châu Á: những điểm đến an toàn
Giám đốc nghiên cứu của Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) Rochelle Turner nhận xét du khách vẫn đi du lịch nhưng sẽ chọn điểm đến an toàn hơn.
Trong tháng 2, du khách quốc tế đã tăng 5,1% so với cùng kỳ 2015, đặc biệt tăng 11,7% ở nam sa mạc Sahara của châu Phi, 8,3% ở châu Á - Thái Bình Dương, 6,6% ở châu Mỹ và 4,2% ở châu Âu.
Về mức đặt phòng, Nghiệp đoàn Các nhà lữ hành Pháp ghi nhận so với cùng kỳ năm ngoái, số du khách trong tháng 5 giảm 59% ở Tunisia, 62% ở Thổ Nhĩ Kỳ, 17% ở Morocco trong khi tăng 30% ở Bồ Đào Nha, 8% ở Tây Ban Nha, 2% ở Ý hoặc các nơi xa như Indonesia tăng 43%, Thái Lan tăng 17%, Cuba tăng 36%.
Du lịch thế giới vẫn tăng trưởng? Mặc dù nguy cơ khủng bố, ngành du lịch vẫn phát triển. Người phát ngôn Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) Chris Goater phân tích: “Thị trường đang tăng và có sức bền... Mong muốn đi du lịch đã vượt trên nỗi sợ hãi”. IATA dự báo tăng trưởng du khách sẽ đạt 6% trong năm nay. WTTC đánh giá mức tăng trưởng du lịch sẽ đạt 3,5% năm 2016. Trong bốn loại khủng hoảng (y tế, môi trường, chính trị và khủng bố), công trình nghiên cứu cho thấy nếu trung bình thời gian trở lại bình thường là 13 tháng sau một vụ tấn công thì đối với dịch bệnh là 21,3 tháng và rối loạn chính trị là 26,7 tháng. |