TTO - Dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng mọi người đều thừa nhận du lịch TP.HCM luôn là đầu tàu cả nước, chiếm hơn 58% lượt khách quốc tế đến Việt Nam (2015).
Việt Nam bình yên thu hút du khách nước ngoài viếng thăm - Ảnh minh họa: Internet |
Với 21 khách sạn 5 sao, TP không chỉ dẫn đầu về lưu trú mà còn về số lượng các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp top ten cả nước.
Tuy nhiên so với các thành phố trong khu vực, TP đang tụt hậu rất xa. Số liệu năm 2015 cho biết TP đón được 4,7 triệu lượt khách quốc tế, Hà Nội 3,3 triệu.
Trong khi đó Bangkok (Thái Lan) có 19,3 triệu, Kualar Lumpur (Malaysia) 23,1 triệu, Hong Kong 59,3 triệu lượt khách quốc tế…
Để vươn lên vị trí số 1 của khu vực, TP.HCM còn quá nhiều việc phải làm, trong đó ngành du lịch là một trong những mũi nhọn.
Có việc của T.Ư, có việc của TP, có việc của riêng ngành du lịch.
Việc của T.Ư là đơn giản hóa thủ tục cấp visa; nhất là cửa khẩu đường bộ. Mạnh dạn miễn visa cho các nước tham gia hiệp ước TPP; các thị trường trọng điểm có nguồn khách đông, ổn định và cả những thị trường tiềm năng; là nguồn nhân lực, đặc biệt vai trò của hướng dẫn viên (HDV)...
Riêng TP.HCM, theo tôi, cần làm ngay 10 chuyện:
1. TP yên bình: Điều kiện tiên quyết để tăng tốc là sự yên bình và an ninh xã hội của TP. Các vấn nạn cướp giật, “chặt chém”, trấn lột du khách; vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm, giao thông hỗn loạn phải có lộ trình dứt điểm cụ thể. Chậm trễ là đuổi khách, là đổ sông đổ biển bao công sức quảng bá, PR của du lịch TP.
2. Thái độ phục vụ: Những thay đổi này không tốn kém, ai cũng có thể làm được. TP hiếu khách, thân thiện, niềm nở từ người dân cho đến nhân viên phục vụ.
Đặc biệt là tại các cửa ngõ vào TP như sân bay Tân Sơn Nhất. TP chưa thể cạnh tranh với các đối thủ khu vực về chất lượng dịch vụ nhưng hoàn toàn có khả năng qua mặt họ về chất lượng và thái độ phục vụ. Cần thiết đưa nội dung này vào chương trình giáo dục từ mẫu giáo, để 10 năm sau có một lớp công dân mẫu mực, thân thiện với du khách.
3. Nhà vệ sinh: Chưa cần nhà vệ sinh bạc tỉ hay 4 - 5 sao lấy điểm. Thay vào đó là những nhà vệ sinh sạch, thoáng. Vận động khách sạn, nhà hàng mở cửa cho khách vãng lai đi vệ sinh khi có nhu cầu. Trong giấy phép hoạt động của khách sạn, nhà hàng, cửa hiệu; bắt buộc phải có nhà vệ sinh và có nghĩa vụ hỗ trợ TP giải quyết đầu ra cho du khách.
4. Hàng rong: Là văn hóa bản địa, cần tận dụng để phục vụ du khách như các nước đã làm. TP cần làm ngay việc quy hoạch hàng rong. Hàng rong chủ yếu là đồ lưu niệm, nước uống, ăn nhẹ và vài dịch vụ như đánh giày, đổi tiền…
5. Hàng lưu niệm: Hàng lưu niệm của Việt Nam nói chung và TP nói riêng quá nghèo nàn. Trong khi đây là nguồn thu cũng là cách quảng bá và PR thực tế mà hiệu quả .
6. Bảo tàng: Một thành phố năng động của đất nước ngàn năm văn hiến, có hàng chục bảo tàng nhưng hoạt động èo uột, hiện vật nghèo nàn, trình bày đơn điệu; trừ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Có nơi còn kết hợp cho thuê mặt bằng, làm tiệc cưới; chỉ mở cửa giờ hành chính… Lưu ý những sưu tập cá nhân, chẳng hạn sưu tập của “Hoàng đế cổ vật” với hàng trăm ngàn hiện vật đang ở TP. Cả trăm ngàn hiện vật của ông đang trưng bày tại các Bảo tàng Chăm (Quảng Nam), Bảo tàng Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Bảo tàng Quân cụ, Bảo tàng Văn hóa Việt (Tây Ninh)… Bộ sưu tập 30.000 đồng hồ của ông ở Bình Chánh cũng đang ngủ đông.
7. Ẩm thực: Là mặt mạnh nhất của du lịch Việt Nam nhưng chưa được quan tâm khai thác. Nhất thiết phải nghĩ tới chuyện đặt tên món ăn VN, chứ không gọi chung chung và cụt lủn kiểu cơm chiên, canh chua, cá kho… như hiện nay.
8. Du lịch đường sông: TP mang tên dòng sông ôm ấp, có nhiều kênh rạch mà du lịch đường sông gần như là số 0 thì không thể chấp nhận được. Tàu du lịch trên sông của thiên hạ là để ngoạn cảnh, chỉ uống và ăn nhẹ. Còn tàu trên sông ở TP thì ăn uống là chủ yếu, còn thêm ca nhạc, ảo thuật, xiếc tạp kỹ nên mắt đâu mà ngắm.
Cũng không thấy tàu nào thuyết minh giới thiệu cảnh quan. Bên cạnh đó, cần tạo bến bãi cho khách lên xuống thoải mái; đơn giản thủ xuất nhập bến. Kiến nghị với T.Ư khai thông bế tắc ở kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) để thông suốt đường thủy quốc tế nối TP với Phnom Penh (Campuchia).
9. Sản phẩm mới: TP có ưu thế làm du lịch MICE nhưng thiếu đồng bộ và chưa có quy hoạch nên rất khó phối hợp. Cần có chính sách khuyến khích đầu tư để có những đoàn MICE lớn. Các sản phẩm đặc thù ở Củ Chi và Cần Giờ phải không ngừng đổi mới để kéo khách quay lại.
Trong đó cần tận dụng các làng nghề độc đáo.
10. Điều cuối cùng là đặc biệt quan tâm tới các tập đoàn lữ hành hàng đầu của thế giới, giữ quan hệ gắn bó, tạo điều kiện cho họ hoạt động, kéo khách vào VN. Tiến tới lập văn phòng du lịch tại các thị trường trọng điểm.
Rất nhiều việc phải làm, cái nào cũng quan trọng. Không thể dàn hàng ngang triển khai mà phải biết chọn lựa và ưu tiên những bước đi phù hợp. 2016 - 2020, bốn năm không quá dài, cũng không quá ngắn. Thiên hạ cũng đang rất nỗ lực, do vậy TP cần cố gắng gấp đôi để bốn năm tới diện mạo du lịch TP thay đổi toàn diện.
Rất khó nhưng tôi tin TP.HCM đang có dàn lãnh đạo quyết đoán, năng động và có nhiều người dân đồng lòng. Không có gì là không thể.