Thế giới

Tiếp cận Đông Nam Á, Trump tìm cách siết 'vòng kim cô' với Triều Tiên

Với lời mời lãnh đạo các đồng minh ASEAN đến Nhà Trắng, Trump đang tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của khu vực này nhằm siết chặt cô lập Triều Tiên.

tiep-can-dong-nam-a-trump-tim-cach-siet-vong-kim-co-voi-trieu-tien

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tổng thống Donald Trump ngày 30/4 mời các lãnh đạo Thái Lan và Singapore đến thăm Nhà Trắng, ngay sau khi chuyển lời mời tương tự cho Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, theo Wall Street Journal.

Các nước Đông Nam Á có thể giúp Trump cô lập Triều Tiên hơn nữa vì khu vực này không thực thi triệt để các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus cho rằng Nhà Trắng cần xây dựng sự đồng thuận giữa các đồng minh châu Á. "Vấn đề chúng tôi đang đối mặt về Triều Tiên nghiêm trọng đến nỗi chúng tôi cần sự hợp tác ở một cấp độ nào đó với càng nhiều đối tác trong khu vực càng tốt", ông nói với đài truyền hình ABC News hôm 30/4.

"Đây là ba nước mà ông ấy cần phải trao đổi nếu muốn có sức ép nào đó ở Đông Nam Á. Thái Lan và Singapore là hai nước còn lại ở Đông Nam Á vẫn còn giao thương với Triều Tiên", Justin Hastings, một chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên ở Đại học Sydney, Australia, nói.

Theo cây bút Jake Maxwell Watts của Wall Street Journal, ba nước nói trên có mối quan hệ kinh tế và chính trị lâu đời với Mỹ, dù quan hệ Washington và Manila trở nên ảm đạm kể từ khi ông Rodrigo Duterte lên nắm quyền tổng thống Philippines vào năm ngoái. Quan hệ Mỹ - Thái cũng có phần sa sút kể từ khi phe quân đội lên nắm quyền vào năm 2014.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhận lời mời đến thăm Nhà Trắng. Cả hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết duy trì mối quan hệ gần gũi của với Mỹ, Nhà Trắng cho biết.

Trong cuộc điện đàm với ông Prayuth, ông Trump khẳng định rằng Mỹ cam kết "đóng vai trò dẫn đầu và tích cực ở châu Á" thông qua sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác và đồng minh như Thái Lan.

tiep-can-dong-nam-a-trump-tim-cach-siet-vong-kim-co-voi-trieu-tien-1

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: philstar

Đông Nam Á quan trọng đối Triều Tiên

Thái Lan là nước xuất khẩu lớn thứ 4 vào Triều Tiên trong năm 2015 sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc. Philippines là nước xuất khẩu lớn thứ 5 vào Triều Tiên.

Năm 2015, Thái Lan và Triều Tiên cũng đã cùng phát hành tem lưu niệm đánh dấu 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao của hai nước.

Người phát ngôn của ông Prayuth nói rằng sau cuộc thảo luận với Trump, Thái Lan sẽ "ủng hộ vai trò xây dựng của Mỹ nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực".

Tháng 2/2017, báo cáo của ủy ban chuyên gia Liên Hợp Quốc cho biết các đại diện của Bình Nhưỡng đã quá cảnh ở Singapore hàng chục lần để giao dịch thương mại. Singapore vẫn duy trì thỏa thuận miễn thị thực nhập cảnh đối với công dân Triều Tiên cho đến năm ngoái, khi các lệnh trừng phạt quốc tế siết chặt đối với Bình Nhưỡng.

Sự ủng hộ của các nước thành viên Liên Hợp Quốc đối với việc củng cố các lệnh trừng phạt đã không chuyển hóa thành hành động thực thi hiệu quả, báo cáo của Liên Hợp Quốc có đoạn viết.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 29/4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte kêu gọi Washington thận trọng với Triều Tiên. "Mỹ, nước đang giơ cây gậy lớn nhất để răn đe Triều Tiên, cần phải thận trọng và kiên nhẫn", ông nói.

Michael Barr, phó giáo sư quan hệ quốc tế ở Đại học Flinders, Australia, cho rằng Trump cần phải đưa Duterte trở về phía Mỹ.

Hôm 29/4, Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi các nước ASEAN hối thúc Triều Tiên dừng các động thái khiêu khích và quay trở lại "con đường đối thoại".

Triều Tiên đang có quan hệ ngoại giao với tất cả 10 nước Đông Nam Á. Triều Tiên đã sử dụng khu vực như điểm trung chuyển để tiếp cận các hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu và trong một số trường hợp đã luồn lách các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Phát tín hiệu đến Bắc Kinh

Mối quan hệ lâu đời của Mỹ với Philippines, Singapore, Thái Lan đang bị thách thức bởi sức mạnh ngày gia tăng của Trung Quốc. Hơn nữa, Đông Nam Á cũng ngày càng lo ngại về việc liệu Mỹ có duy trì cam kết an ninh ở khu vực này hay không khi chính quyền Trump tìm cách tái định nghĩa hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế.

Việc Trump tiếp cận ba lãnh đạo Philippines, Thái Lan, Singapore cũng "đang phát đi một tín hiệu đến Bắc Kinh rằng Mỹ vẫn quan tâm đến khu vực này", James Chin, chuyên gia quan hệ quốc tế ở Đại học Tasmania, Australia, nhận định.

Bằng động thái mời ba lãnh đạo này đến thăm Nhà Trắng, Trump đang muốn tìm cách cải thiện quan hệ với các chính phủ đã xung đột với chính quyền Tổng thống Barack Obama về vấn đề nhân quyền, đáng chú ý là hục hặc giữa Mỹ và Philippines sau khi Mỹ cáo buộc Philippines vi phạm nhân quyền trong chiến dịch chống ma túy.

Tước bỏ năng lực hạt nhân chiến lược của Triều Tiên - mục tiêu mà những người tiền nhiệm của Trump không làm được, đã trở thành trọng điểm trong chương trình nghị sự của Trump. Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình CBS phát sóng ngày 30/4, khi được hỏi liệu ông có hành động quân sự chống lại Triều Tiên hay không, ông Trump đã nói rằng: "Chúng ta hãy chờ xem".

Hồng Vân

VNExpress

Donald Trump, Đông Nam Á, chính sách Mỹ với châu Á, ASEAN, Thái Lan, Philippines, Singapore, Triều Tiên, vấn đề hạt nhân, căng thẳng trên bán đảo Triề


      © 2021 FAP
        2,985,229       599