Thế giới

Hy vọng và sợ hãi trong lễ nhậm chức của Trump

Lễ nhậm chức của Trump sẽ quy tụ hàng nghìn người ủng hộ cùng hàng chục nhóm tổ chức biểu tình phản đối ông.

hy-vong-va-so-hai-trong-le-nham-chuc-cua-trump

Các khâu chuẩn bị cho lễ nhậm chức của Trump đang hoàn tất. Ảnh: WP

Hàng nghìn người sẽ tới tham dự lễ nhậm chức tổng thống của Donald Trump vào ngày 20/1 để thể hiện sự ủng hộ đối với ông, nhưng cũng không ít người đang quyết tâm tổ chức các cuộc biểu tình phản đối, báo hiệu một cuộc chiến gay gắt giữa niềm hy vọng và nỗi sợ hãi trong ngày trọng đại này, theo Guardian.

Trong ngày tuyên thệ, Trump sẽ phải đưa ra một bài diễn văn nhậm chức có thể khơi dậy cảm hứng giống như những bậc tiền bối Abraham Lincoln, Franklin D Roosevelt hay John F. Kennedy từng làm trước đây, hay gần đây nhất là Tổng thống Barack Obama, người có phong cách gần như đối lập so với tỷ phú.

Trump tuần trước hứa hẹn lễ nhậm chức sẽ là một "ngày rất rất trang nhã" với "những đám đông khổng lồ", giống như những gì ông mô tả về các cuộc tuần hành ủng hộ mình trước kỳ bầu cử. Ủy ban Quốc hội phụ trách các hoạt động nhậm chức ước tính sẽ có 700.000-750.000 người tới dự sự kiện này.

Tom Barrack, người đứng đầu ủy ban quyên góp quỹ cho lễ nhậm chức của Trump, cho biết họ đã nhận được số tiền ủng hộ hơn 90 triệu USD, gần bằng tổng số tiền mà những người ủng hộ Obama quyên được trong hai lần nhậm chức. Với số tiền khổng lồ này, Barrack hy vọng sẽ không tạo ra "bầu không khí như rạp xiếc" trong lễ nhậm chức mà là tâm trạng "bắt tay vào làm việc", với trung tâm là Trump, "vĩ nhân vĩ đại nhất thế giới".

Nhiều người Mỹ không giấu nổi sự hào hứng đối với lễ tuyên thệ của Trump. "Tôi chưa từng dự lễ nhậm chức tổng thống nào trước đây. Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều trong suốt 15 tháng qua và giờ là lúc chứng kiến công sức mình được đền đáp", Michael Barnett, chủ tịch ủy ban đảng Cộng hòa ở Palm Beach, Florida, bày tỏ. "Tôi chắc là mình sẽ chìm đắm vào sự kiện đó. Đó sẽ là thời khắc tuyệt vời, nhưng mới chỉ là khởi đầu".

Luật sư 39 tuổi gốc Phi này tin rằng lễ nhậm chức của Trump sẽ là thời điểm giúp nước Mỹ hàn gắn và đoàn kết. "Ấn tượng lúc gặp trực tiếp và trò chuyện cùng ông ấy rất khác so với những gì bạn thấy trên tivi. Ông ấy là người rất tốt và tôi rất mến ông. Ông ấy đã làm rất tốt".

Benjamin Marchi, chủ một cơ sở chăm sóc y tế ở Easton, Maryland, khẳng định mình sẽ tham dự lễ nhậm chức của Trump. "Đó sẽ là một ngày tuyệt vời với rất nhiều niềm vui và phấn khích, tương tự như đêm bầu cử. Ông ấy là tổng thống đầu tiên không phải dựa dẫm vào ai, thậm chí cả đảng Cộng hòa", Marchi nói.

Nỗi sợ

hy-vong-va-so-hai-trong-le-nham-chuc-cua-trump-1

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Thế nhưng cùng với những người ủng hộ đầy hân hoan đó, khoảng 30 nhóm hoạt động xã hội đã nhận được giấy phép biểu tình trước, trong và sau sự kiện này. Lễ nhậm chức của Tổng thống Richard Nixon năm 1973 và George W. Bush năm 2001 đều chứng kiến các cuộc biểu tình xảy ra, nhưng chưa có lần nào các cuộc biểu tình lại có quy mô lớn như lễ nhậm chức của Trump.

"Những gì ông Trump thể hiện trong chiến dịch tranh cử đã khiến nhiều người lo lắng, có những người sợ hãi thật sự. Nỗi sợ là cảm xúc còn lớn hơn cả cơn giận dữ trong sự kiện này", Bill Galston, cựu cố vấn chính sách của Bill Clinton, nói.

Một trong những cuộc tuần hành lớn nhất sẽ diễn ra vào ngày 21/1, một ngày sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức, với khoảng 200.000 người tham gia. "Cuộc tuần hành sẽ gửi thông điệp đến các nhà hoạch định chính sách ở Washington rằng người dân đã được huy động và sẵn sàng chiến đấu", Ben Wikler, giám đốc nhóm hoạt động MoveOn.org ở Washington, nói.

"Lễ nhậm chức này không giống với những gì chúng ta từng chứng kiến", Wikler nhận định. "Chúng ta chưa bao giờ thấy một phong trào chống nhậm chức lớn như vậy có mặt trong buổi lễ… Đó sẽ là một động thái lớn nhằm thể hiện sự phản đối đối với Trump".

Lễ nhậm chức tổng thống thường là cơ hội để hai đảng lớn nhất của Mỹ thể hiện sự đoàn kết, thế nhưng nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ gần đây đã công khai tuyên bố tẩy chay sự kiện, trong đó có John Lewis, một trong những lãnh đạo phong trào quyền công dân có ảnh hưởng nhất. Lewis tuyên bố Trump không phải là "tổng thống hợp pháp của Mỹ", cho rằng Nga đã can thiệp để giúp ông trúng cử.

"Đảng Dân chủ đang đối mặt với tình thế rất khó xử. Họ phải tôn trọng lễ nhậm chức theo cách truyền thống như thế nào, hay không tuân theo các quy tắc cũ ở mức độ ra sao đối với sự kiện bất thường này", Robert Schenkkan, nhà viết kịch đoạt giải Pulitzer, nói.

Nhà soạn kịch 63 tuổi này nói rằng lễ nhậm chức của Trump sẽ rất khác với những gì ông từng chứng kiến. "Đó sẽ là ngày gây chia rẽ sâu sắc. Có những người vui mừng vì họ có cảm giác đã lang thang trên sa mạc suốt 8 năm qua, nhưng phần lớn đất nước lại nghĩ khác", ông nói.

hy-vong-va-so-hai-trong-le-nham-chuc-cua-trump-2

Nhiều nhóm biểu tình sẽ tuần hành rầm rộ trong lễ nhậm chức của Trump. Ảnh: WP

"Chất keo xã hội kết dính nền chính trị Mỹ giờ đây đang bị đe dọa, giống như chúng ta đang bước vào miền đất chưa ai đặt chân tới", Schenkkan nhận định.

Tâm điểm của ngày hôm đó sẽ là diễn văn nhậm chức của Trump. Ông nói với bạn bè rằng phong cách của Reagan và âm hưởng về tham vọng quốc gia của Kennedy là nguồn cảm hứng để ông soạn diễn văn. Trong lễ nhậm chức diễn ra cách đây 56 năm, Kennedy từng tuyên bố: "Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc".

"Diễn văn của Kennedy đã mở rộng, làm sâu sắc thêm định nghĩa về việc trở thành một người Mỹ. Nó thể hiện tài hùng biện hiếm hoi của người phát biểu. Tôi không nghĩ chúng ta có thể kỳ vọng điều đó ở Donald Trump", Bob Shrum, một chuyên gia tư vấn chính trị, nhấn mạnh.

Trí Dũng

VNExpress

Donald Trump, lễ nhậm chức


      © 2021 FAP
        2,996,073       669