IS giãy chết, châu Âu thêm chia rẽ, chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy có thể khiến tình hình thế giới thêm phức tạp và bất ổn trong năm 2017.
Năm 2016 chuẩn bị kết thúc với nhiều bất ổn và biến cố. Tuy nhiên, các chuyên gia thuộc tổ chức tư vấn tình báo Stratfor cho rằng năm 2017 sẽ không êm đềm hơn, khi một loạt thách thức về kinh tế, thương mại, an ninh đang chờ đón nhân loại.
Mỹ thoái lui
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP |
Theo Stratfor, trải qua những cuộc chiến liên miên ở Trung Đông, Mỹ giờ đây đã quá mệt mỏi với công cuộc lấn sâu vào thế giới Hồi giáo nên muốn "thoái lui để cải thiện tình hình trong nước".
Ý tưởng trên càng được khẳng định sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhiều lần cảnh báo ông sẽ rút Mỹ khỏi các nghĩa vụ quốc tế và nhường lại một phần gánh nặng an ninh cho các đối tác và đồng minh, chẳng hạn như NATO. Ông cũng tuyên bố sẽ rút khỏi các thỏa thuận thương mại đa phương để tập trung phát triển kinh tế của nước Mỹ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định rằng việc nước Mỹ rút khỏi các điểm nóng an ninh và kinh tế trên thế giới sẽ không hề dễ dàng như tuyên bố của ông Trump, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại.
Việc rút khỏi các quan hệ thương mại quốc tế hiện nay không còn khả thi như hai thập kỷ trước đây, bởi trật tự toàn cầu đang thay đổi, công nghệ, kỹ thuật sản xuất đang ngày càng tiến bộ và các nền kinh tế, dù lớn hay nhỏ, đều liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với việc ông Trump trong chiến dịch tranh cử cáo buộc Trung Quốc là "kẻ thao túng tiền tệ", đồng thời không ít lần chỉ trích các chính sách kinh tế Trung Quốc, Mỹ năm 2017 có thể áp đặt thêm các rào cản thương mại đối với Trung Quốc. Từ đây, sự chia cắt về thương mại giữa Washington và Bắc Kinh sẽ được cảm nhận rõ nét hơn trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, "Bắc Kinh cũng có đòn bẩy thương mại và an ninh của riêng mình. Chúng chắc chắn sẽ kéo Mỹ vào đấu trường Thái Bình Dương", Stratfor đánh giá.
Châu Âu vật lộn
Giới quan sát nhận định 2017 sẽ là một năm đầy chông gai đối với các quốc gia châu Âu. Liên minh châu Âu (EU), vốn đang phải vật lộn giữa muôn trùng khó khăn bởi làn sóng nhập cư ồ ạt cùng khủng hoảng kinh tế, sẽ trải qua hàng loạt thời khắc thử thách.
Các cuộc bầu cử ở những nền kinh tế lớn nhất khu vực, gồm Đức, Pháp và Italy, dường như "sẽ tác động lẫn nhau và đe dọa đến sự tồn tại của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)".
Stratfor suy đoán EU sẽ giải thể nhưng không phải ngay lập tức. "Câu hỏi đặt ra trong năm 2017 là những cuộc bầu cử này ảnh hưởng tới tiến trình giải thể ở mức độ như thế nào. Dù những người ôn hòa hay cực đoan chiến thắng, châu Âu vẫn rơi vào tình cảnh tan vỡ thành những khối khu vực".
Trong khi đó, các quốc gia ở Đông Âu có lẽ lại đoàn kết hơn trước bối cảnh Nga ngày càng mở rộng ảnh hưởng và chính sách Mỹ dưới thời Donald Trump chưa thực sự rõ ràng.
Nga tăng cường ảnh hưởng
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AWD News |
Một châu Âu chia rẽ là lợi thế đối với Nga, tạo ra nhiều không gian hơn cho Moscow củng cố ảnh hưởng tại những khu vực giáp ranh với NATO, giới chuyên gia nhận định.
Chính quyền Mỹ dưới thời Trump có thể sẽ giảm nhẹ những lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga và phối hợp chặt chẽ hơn với Moscow nhằm xử lý các xung đột ở Syria. Kịch bản trên hoàn toàn có khả năng xảy ra bởi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện đều có quan điểm tích cực về nhau.
Nhà tài phiệt New York hồi tháng 9 khen ông chủ Điện Kremlin là "nhà lãnh đạo thực sự". Ông Putin cũng từng ca ngợi tỷ phú Trump là một người "tài năng".
Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Mỹ và Nga cũng có giới hạn nhất định. Nga muốn gia tăng tối đa lợi thế, đặc biệt ở vùng Trung Đông và trên không gian mạng. Song Washington không mong muốn điều này và sẽ phải tìm mọi cách để kiềm chế Moscow.
"Một giải pháp hòa bình cho Syria vẫn rất khó thành hình và Moscow sẽ tiếp tục xích lại gần hơn với Tehran khi mối quan hệ Mỹ - Iran xấu đi", Stratfor đánh giá.
Căng thẳng Trung Đông gia tăng
Nhà nước Hồi giáo (IS) được dự báo suy yếu nhưng al-Qaeda lại trỗi dậy. Ảnh minh họa: AFP |
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tập trung vào việc mở rộng ảnh hưởng và kìm hãm phong trào ly khai người Kurd. Iran trong khi đó lại muốn bảo vệ ảnh hưởng của mình trong khu vực.
Dù phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) được dự báo tiếp tục suy yếu và dần lâm vào cảnh bị tiêu diệt, đây vẫn là một lực lượng đáng gờm ở khu vực và các hoạt động quân sự chống IS có khả năng đem đến những hệ quả không thể đoán trước.
"Các bên liên quan sẽ tăng cường tranh giành lãnh thổ, tài nguyên cũng như ảnh hưởng" và hệ quả từ việc IS suy yếu sẽ được nhìn thấy rõ ràng hơn khi các cuộc tấn công khủng bố, phong trào nổi loạn bùng nổ bên ngoài Trung Đông, giới chuyên gia phân tích nhấn mạnh.
Mặt khác, IS suy yếu cũng là cơ hội để tổ chức khủng bố al-Qaeda trỗi dậy.
Với mọi sự chú ý đều đổ dồn vào IS, al-Qeada đã âm thầm xây dựng lực lượng và bám rễ tại một số địa điểm như Bắc Phi hay bán đảo Arab và tổ chức này có thể hoạt động tích cực hơn vào năm 2017.
Trung Quốc bận rộn
Năm 2017, Trung Quốc được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng ảnh hưởng của mình, không chỉ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ tìm kiếm cơ hội ở Moscow, đặc biệt trong các dự án năng lượng, hợp tác quân sự cũng như công nghệ mạng.
Trung Quốc vẫn là một "ông lớn" ở châu Á - Thái Bình Dương dù nền kinh tế nước này sẽ bắt đầu chững lại sau ba thập kỷ tăng trưởng ổn định, động lực tăng trưởng kinh tế yếu đi. Mặt khác, mức nợ công lớn cũng là vấn đề cần quan tâm.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với một mối đe dọa từ chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng tuyên bố sẽ áp thuế cao đối với các mặt hàng Trung Quốc.
Stratfor cho rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ chủ động hơn trong việc thúc đẩy kinh tế trong nước, tập trung tự sản xuất các mặt hàng mà họ từng phải nhập khẩu, qua đó ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế toàn cầu.
Tổ chức này dự đoán Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược bành trướng nhằm tuyên bố chủ quyền phi lý tại Biển Đông nhưng với một cách tiếp cận thận trọng hơn, nhằm dò xét phản ứng quốc tế, đặc biệt là từ chính quyền Mỹ mới. Trung Quốc "đang thay thế chiến lược mở rộng hung hăng bằng chiến lược tạo không gian cho hợp tác, đi kèm với gây sức ép".
Kinh tế thế giới khó khăn
Lạm phát được dự báo sẽ quay trở lại đeo bám thị trường toàn cầu, khiến ngân hàng trung ương các nước phải từ bỏ những chính sách phi truyền thống và áp dụng các phương pháp thắt chặt tiền tệ.
Động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ chắc chắn làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu trong đầu năm 2017.
Thị trường thế giới nhiều khả năng phải trải qua một thời kỳ biến động khi Eurozone đứng trước nguy cơ sụp đổ vì Brexit và những tranh chấp về thương mại có khả năng khiến các nhà đầu tư hoang mang, dễ dẫn tới các phản ứng quá khích.
Anh có thể đánh mất ảnh hưởng ở châu Âu xét trên khía cạnh sáng kiến thương mại quốc tế.
Kinh tế khó khăn cùng các chính sách thắt lưng buộc bụng, thắt chặt chính sách tiền tệ chắc chắn sẽ gây ra một số biến động trong lòng xã hội châu Âu và thế giới, kích thích chủ nghĩa dân tộc gia tăng mạnh mẽ trên toàn cầu.
"Vết thương kinh tế càng kéo dài, phản ứng chính trị càng mạnh mẽ. Tổn thương kinh tế sẽ gây ra tác động trầm trọng nhất với châu Âu và Mỹ", Stratfor cảnh báo.
Vũ Hoàng
Nhà nước Hồi giáo, Donald Trump, Mỹ, Nga, Trung Quốc