Trong đêm đi tuần tra cùng cảnh sát Philippines, phóng viên Mỹ không chứng kiến vụ giết người nào nhưng cô thấy rất nhiều nỗi sợ.
Kathlyn Domingo đến gặp nghi phạm ma túy. Ảnh: NYTimes |
Nữ cảnh sát Kathlyn Domingo đi qua một mê cung những con hẻm hẹp để đến một ngôi nhà hai tầng ọp ẹp làm bằng gỗ và đinh gỉ.
Rắn rỏi, nghiêm túc và mang theo một khẩu súng lục, Domingo, 30 tuổi, tuần tra một trong những khu ổ chuột nghèo khó nhất của Manila, Santa Ana. Tháng trước, Aurora Almendral, phóng viên NYTimes, đã đi tuần tra với cô và một số đồng nghiệp để hiểu được góc nhìn của họ về cuộc chiến chống ma túy Philippines.
Hơn 2.000 nghi phạm ma túy đã bị giết bởi cảnh sát và ít nhất 1.000 người thiệt mạng dưới tay những nhóm tự cho mình là "thay trời hành đạo" kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức vào tháng 7. Cảnh sát Domingo không thích tập trung vào tính chất bạo lực của chiến dịch mà muốn chú ý đến 750.000 người đầu thú với cảnh sát và được cho là đã từ bỏ cuộc sống ma túy và tội phạm.
Qua cánh cửa một ngôi nhà, cô gọi một người như vậy ra gặp - Roberto Elsis. Elsis nói rằng anh ta đã không sử dụng ma túy từ năm 2007, vì vậy, phóng viên Almendral hỏi tại sao giờ anh phải ra đầu thú.
"Tôi có tên trên danh sách theo dõi", Elsis giải thích. "Tôi không có sự lựa chọn nào khác".
Các trưởng khu phố, cảnh sát và cán bộ hành pháp lập danh sách những người bị nghi ngờ sử dụng hoặc buôn bán ma túy, sau đó cảnh sát đến từng nhà để tìm họ. Những người không đồng ý đầu thú có thể phải đối mặt với cái chết.
Khi các cảnh sát trở lại xe, một người phụ nữ cản đường họ. Đó là mẹ của Elsis, bà nghe nói cảnh sát tới gặp con trai mình nên chạy đến. "Tôi đã rất sợ", bà nói. "Tôi cứ nghĩ rằng họ sẽ giết nó".
Cư dân ở Santa Ana và các khu ổ chuột khác nói với phóng viên Mỹ rằng cảnh sát bịt mặt có vũ trang đi tuần trên đường phố vào ban đêm, khiến các thanh niên lo sợ sẽ bị bắn chết hoặc bị tống vào các nhà tù quá tải. Một người phụ nữ giấu tên cho biết cuộc sống dễ dàng hơn khi cô chỉ cần phải tránh những kẻ buôn ma túy, vì bây giờ cô còn phải dè chừng cả cảnh sát.
Nhưng các cảnh sát thì nói ông Duterte đã mở ra một kỷ nguyên mới về an toàn và trật tự. Đường phố ít thành phần bất hảo và tội phạm hơn, những kẻ buôn ma túy phải trốn lui trốn lủi. Cảnh sát nói rằng mọi người đều biết ơn về điều đó, các cuộc thăm dò cho thấy tín nhiệm của ông Duterte đều đặn ở mức hơn 77%.
Xe cảnh sát Philippines. Ảnh: NYTimes |
Phóng viên Almendral đi tuần tra với ba cảnh sát trẻ vào một tối thứ 7. Người đầu tiên chở cô đi là Mark Castaneda, 25 tuổi. Khi họ rẽ vào Dagonoy, một khu ổ chuột đầy nhà tạm, Castaneda nói: "Bây giờ chúng ta đang đi vào vùng chiến".
Ma túy được công khai bán và sử dụng tại Dagonoy, nhưng gọi đây là "vùng chiến" có vẻ hơi quá. Các gia đình ngồi chơi trên vỉa hè, trẻ em chạy nhảy trên đường phố. Khi xe cảnh sát đi qua, các thanh thiếu niên ngừng chơi bóng rổ và quay ra nhìn chằm chằm.
Almendral hỏi Castaneda về các vụ giết người do các nhóm tự phát, anh ấy cho rằng cô đề cập đến thông tin phổ biến tại các khu ổ chuột rằng cảnh sát có liên quan đến các "biệt đội tử thần" này.
Castaneda không tin rằng cảnh sát có liên quan. "Chúng tôi không phải là những người duy nhất có khả năng giết người", anh nói.
Khi ca trực thay đổi vào 20h, Castaneda thả Almendral xuống tại đồn cảnh sát Dagonoy, nơi có một khẩu hiệu dán trên tường viết: "Cảnh sát Dagonoy tôn trọng nhân quyền".
Đồn trưởng Dave Abarra cho biết ông dán như vậy để nhắc nhở cán bộ không được ngược đãi nghi phạm.
Khi Almendral hỏi ông về quyền lợi của những nghi phạm bị giết không qua xét xử, Abarra nói rằng "các nhà hoạt động nhân quyền lại đi bảo vệ quyền lợi của những con nghiện ma túy, chứ không bảo vệ quyền lợi các nạn nhân của chúng".
Sau đó, Almendral gặp cảnh sát Domingo, người chuẩn bị đến gõ cửa từng nhà để gặp nghi phạm ma túy. Cô tự hào khoe tập giấy tờ dày hơn 7 cm chứa đầy biên bản có chữ ký của các nghi phạm ra đầu thú. Cô chỉ cho Almendral xem một nghi phạm cô từng thuyết phục.
"Anh ta đã ra đầu thú với tôi và hứa sẽ không dùng ma túy nữa", cô nói. Thế nhưng sau đó, cô thấy anh ta bị tống vào nhà tù Santa Ana, vì bị cảnh sát khác bắt do vẫn ngựa quen đường cũ.
"Thật bực mình", cô nói. "Anh ta thậm chí còn cố tránh mặt tôi".
Trong ca trực, Domingo đến gặp Bernardita Enales, trưởng khu Barangay 775, người đã kêu gọi các nghi phạm ma túy đến văn phòng của mình để đầu thú.
Bà Enales ngủ gật trên ghế khi Domingo và phóng viên Almendral đến. Không ai đến đầu thú.
"Họ sợ bị giết!", bà Enales vừa cười vừa nói. Domingo nói thêm rằng có lẽ họ sợ bị bắt hoặc bị bỏ tù.
Nhân viên bảo vệ cuối cùng đưa vào một cặp vợ chồng. Người chồng thừa nhận sử dụng ma túy; người phụ nữ cho biết cô chưa từng thử. Cảnh sát Domingo điền giấy đầu thú cho cả hai.
Vợ chồng nghi phạm ma túy ra đầu thú. Ảnh: NYTimes |
Sự hiệu quả của chiến dịch chống ma túy phụ thuộc vào sự hợp tác của các cán bộ khu phố như Enales, nhưng chỉ có 7 nghi phạm đến tìm bà đầu thú trong 5 tháng kể từ khi bắt đầu chiến dịch.
Các cảnh sát dành phần còn lại của buổi đêm để đi tuần. Đồn trưởng Abarra chỉ ra một con hẻm trống nơi những kẻ buôn ma túy thường tụ tập, cho đến khi ba trong số họ bị giết tuần trước.
"Đúng là nỗi sợ rất có tác dụng", Abarra nói. "Tay phải đánh nhẹ thì tay trái phải đánh nặng".
Phương Vũ
tuần tra, Philippines, cuộc chiến chống ma túy, phóng viên Mỹ