Thế giới

Dự án điệp viên mèo triệu USD của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh

Cục Tính báo Trung ương Mỹ (CIA) chi tới 20 triệu USD cho việc cấy ghép thiết bị gián điệp lên mèo để do thám Liên Xô nhưng không mang lại kết quả.

du-an-diep-vien-meo-trieu-usd-cua-my-trong-chien-tranh-lanh

Các thiết bị cảm biến trên mèo sẽ ghi âm cuộc trò chuyện từ xa. Ảnh: Imgsafe.

Sau Thế chiến II, căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô gia tăng, khiến hai siêu cường này luôn tìm cách để giành lợi thế trước đối phương. Không chỉ chạy đua về công nghệ và vũ khí, họ còn tạo ra các phương thức gián điệp độc đáo, trong đó có việc biến các loài động vật thành điệp viên, theo War History Online.

Tài liệu giải mã của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ năm 2001 đã tiết lộ một dự án bí mật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) mang tên  "Mèo nghe lén" (Ascoustic Kitty), được tiến hành trong thập niên 1960.

Năm 1961, Phòng nghiên cứu và phát triển của CIA bắt đầu triển khai dự án này. Mèo được chọn vì đây là động vật nhỏ, có thể di chuyển lặng lẽ mà không thu hút sự chú ý. CIA đưa ra ý tưởng gắn một cục pin, máy ghi âm, ăng ten và thiết bị truyền dẫn lên những con mèo để chúng do thám Liên Xô.

Các thiết bị như vậy phải đủ nhỏ để không gây nghi ngờ, chịu được sự cọ sát hoặc liếm. Ngoài ra, các yếu tố hóa học, độ ẩm, thân nhiệt và tính tò mò của loài mèo cũng được tính đến.

Việc đưa các trang bị vào vòng cổ mèo không khả thi, do trình độ công nghệ lúc bấy giờ còn sơ khai. Mỹ quyết định cấy chúng vào trong thân mèo. CIA đã thuê một chuyên gia âm thanh để tiến hành công việc, nhưng không tiết lộ mục đích sử dụng. Sau vài lần kiểm tra trên mô hình, họ bắt đầu thử nghiệm trực tiếp trên thân mèo.

Bộ phận truyền dẫn dài 19 mm được cấy ghép vào đáy hộp sọ mèo, cùng một microphone trong ống tai, pin điện được đặt trong khoang ngực. Đoạn dây lưới đóng vai trò ăng ten được kéo từ gáy đến đuôi và ẩn trong lông mèo.

du-an-diep-vien-meo-trieu-usd-cua-my-trong-chien-tranh-lanh-1

Bản thiết kế hệ thống do thám của dự án "Acoustic Kitty". Ảnh: War History Online.

Nhóm mèo thí nghiệm được giám sát để xem cách phản ứng với thiết bị, đảm bảo chúng thấy thoải mái và di chuyển bình thường để không gây chú ý. Lo ngại bị công chúng phát hiện và phản ứng tiêu cực, CIA điều chỉnh thiết bị để cuộn dây ăng ten không buộc vào cổ mèo. Thay vào đó, chúng được cấy dọc theo cột sống.

Giai đoạn cuối là huấn luyện nhóm mèo điệp viên, khiến chi phí cho toàn bộ dự án lên tới 20 triệu USD.

Năm 1966, mèo được huy động thực hiện nhiệm vụ đầu tiên ở thủ đô Washington DC. Mục tiêu là hai người đàn ông ngồi bên ngoài đại sứ quán Liên Xô. Một con mèo được thả xuống từ xe tải chứa nhiều thiết bị do thám điện tử và các nhân viên tình báo sẵn sàng tiếp nhận tín hiệu được con mèo thu lại.

Nhưng khi băng qua đường để tiếp cận mục tiêu, con mèo bị một chiếc taxi cán phải, công sức đầu tiên của CIA tan thành mây khói. Tuy nhiên, kết quả nhiệm vụ cho thấy điệp viên mèo có thể tập trung vào mục tiêu mà không bị xao nhãng.

Năm 2013, Robert Wallace, cựu giám đốc phòng kỹ thuật của CIA tiết lộ con mèo đó không chết. Nó được mang về để công nghệ nghe lén không bị rơi vào tay người khác. Các trang thiết bị do thám trên thân mèo được gỡ bỏ, sau đó nó được trả về cuộc sống đời thường.

CIA đã tốn tới 20 triệu USD mà không mang lại kết quả nào. Dự án bị hủy năm 1967, CIA chuyển sang sử dụng robot cỡ nhỏ và máy bay do thám của Cơ quan Quản lý các Dự án Nghiên cứu Cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA).

Duy Sơn

VNExpress

mèo, động vật, do thám, tình báo, Mỹ, Liên Xô


      © 2021 FAP
        3,017,722       534