Thế giới

Nhóm phiến quân nhận chỉ đạo vụ ám sát đại sứ Nga

Nhóm phiến quân nhận trách nhiệm về vụ ám sát đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 19/12 từng là một chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda.

nhom-phien-quan-nhan-chi-dao-vu-am-sat-dai-su-nga

Jabhat Fateh al-Sham (tên trước đây là al-Nusra Front) từng là một  chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda. Ảnh: AP

Nhóm Jabhat Fateh al-Sham (tên trước đây là al-Nusra Front) ngày 21/12, thông qua một lá thư đăng trên mạng, nhận đứng sau vụ giết hại đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov.

Ông Karlov bị một tay súng từng là cảnh sát chống bạo động ở Ankara ám sát khi đang phát biểu tại một buổi triển lãm nghệ thuật. Sau khoảng 15 phút đấu súng với lực lượng an ninh, thủ phạm bị tiêu diệt.

Trước lúc chết, hắn hét lên nhiều câu bằng tiếng Arab như: "Chúng ta đã thề với Nhà tiên tri Muhammad sẽ tử vì đạo để trả thù cho Syria và Aleppo", hay "Đấng Allah Toàn năng"... Hiện nhà chức trách đặt ra hàng loạt giả thuyết về động cơ của thủ phạm, trong đó nghi vấn y là thành viên của một tổ chức Hồi giáo cực đoan cũng đang được xem xét.

Al-Nusra Front thành lập vào cuối năm 2011, tự xưng là chi nhánh al-Qaeda ở Syria. Hồi tháng 7, thủ lĩnh al-Nusra Front từ bỏ liên kết với al-Qaeda và đổi tên nhóm thành Jabhat al-Fateh Sham (Mặt trận Chinh phục Syria). Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng việc công khai tuyên bố cắt đứt liên hệ với al-Qaeda chỉ là cách để Jabhat al-Fateh Sham có thể tham gia sâu hơn vào tiến trình chính trị ở Syria, nơi nhóm đang chiến đấu chống lại các lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Được lãnh đạo bởi Abu Mohammed al-Julani, từ khi thành lập tới nay, Jabhat al-Fateh Sham luôn tìm cách xây dựng liên minh với những nhóm phiến quân Hồi giáo Syria nhưng nỗ lực này bị ảnh hưởng không nhỏ bởi mối liên quan tới al-Qaeda.

Al-Nusra Front, tiền thân của Jabhat al-Fateh Sham, được thành lập theo yêu cầu của thủ lĩnh al-Qaeda ở Iraq lúc bấy giờ, nay là thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (IS), Abu Bakr al-Baghdadi. Nhóm sau đó phát triển nhanh chóng nhờ nguồn cung vũ khí, tài chính cũng như chiến binh giàu kinh nghiệm chiến trường từ al-Qaeda.

Thời điểm mới xuất hiện, al-Nusra Front liên tục nhận trách nhiệm gây ra hàng loạt vụ đánh bom tự sát ở Syria, kể cả nhắm vào dân thường. Khi al-Baghdadi thông báo al-Nusra Front là một phần của phiến quân IS ở Iraq,  nhóm từ chối cam kết trung thành, vẫn tiếp tục liên minh với al-Qaeda.

Sự khước từ này làm bùng phát xung đột giữa al-Nusra Front và IS. Hậu quả là nhóm đã để mất căn cứ Deir al-Zour ở miền đông Syria cùng một số mỏ dầu quan trọng, đem lại nguồn thu nhập chính cho al-Nusra Front.

Dù vướng vào cuộc cạnh tranh gay gắt với IS, al-Nusra Front vẫn giữ vững kiểm soát tại tỉnh Idlib, phía tây bắc Syria. Mùa hè năm 2015, al-Nusra Front chiếm đóng gần như toàn bộ tỉnh Idlib, bao gồm cả thủ phủ cùng tên, thiết lập nên những tòa án Sharia và chiếm điều hành các cơ quan chính phủ.

Al-Nusra Front còn nắm trong tay một số thành trì ở khu vực Aleppo lân cận, nơi nhóm xảy ra giao tranh quyết liệt với lực lượng ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad, đồng thời liên tiếp phải hứng chịu các cuộc không kích từ quân đội nước ngoài.

Mối quan hệ giữa al-Nusra Front với các nhóm phiến quân khác được mở rộng không ngừng. Al-Nusra Front hiện duy trì liên lạc với các nhóm không thân IS, điển hình là phiến quân Ahrar al-Sham.

Bên cạnh đó, Jabhat Fateh al-Sham cũng có mối quan hệ tương đối phức tạp với lực lượng ôn hòa Quân đội Giải phóng Syria (FSA), một liên minh gồm nhiều nhóm vũ trang nhỏ. Một số nhóm thuộc FSA sẵn sàng hợp tác cùng Jabhat Fateh al-Sham nhưng số khác lại không mấy mặn mà.

Dù khác nhau về hệ tư tưởng song Jabhat Fateh al-Sham và FSA có chung mục tiêu là lật đổ chính quyền Assad, đồng thời đã cùng nhau chiến đấu chống lại cả IS.

nhom-phien-quan-nhan-chi-dao-vu-am-sat-dai-su-nga-1

Các tay súng Jabhat Fateh al-Sham. Ảnh: AFP

Jabhat Fateh al-Sham có quân số dao động từ 5.000 - 10.000 chiến binh, chủ yếu là người Syria. Khác với IS, nhóm không phải "thỏi nam châm" thu hút các tay súng ngoại quốc. Tuy nhiên, Jabhat Fateh al-Sham vẫn khiến chính quyền các nước Arab và phương Tây phải đề cao cảnh giác bởi tư tưởng cực đoan và lịch sử liên kết với al-Qaeda.

Mỹ tháng 11/2012 liệt al-Nusra Front vào danh sách các tổ chức khủng bố. Sau sự kiện nhóm đổi tên, Washington đã khẳng định sẽ không thay đổi trạng thái đối với Jabhat Fateh al-Sham.

Vũ Hoàng

VNExpress

phiến quân, đại sứ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Jabhat Fatah al-Sham, al-Nusra Front


      © 2021 FAP
        3,682,010       467