Thế giới

Trung Quốc bị tố gây sức ép buộc quốc gia châu Phi cắt quan hệ với đảo Đài Loan

Lãnh đạo Đài Loan tố Bắc Kinh lợi dụng biến động tài chính ở Sao Tome và Principe để ép quốc gia Tây Phi này cắt quan hệ ngoại giao với hòn đảo.

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: Reuters.

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc hôm nay hoan nghênh việc Cộng hòa Dân chủ Sao Tome và Principe ngày 20/12 ra thông báo quyết định cắt quan hệ ngoại giao với đảo Đài Loan. Quốc gia Tây Phi này ngừng quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đại lục năm 1997 để chọn thiết lập quan hệ với đảo Đài Loan.

Tuy nhiên, Trung Quốc không nói sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao với Sao Tome và Principe hay nước này có viện trợ tài chính cho quốc đảo hay không.

David Lee, người đứng đầu cơ quan đối ngoại Đài Loan, cho biết ông cảm thấy "đáng tiếc" với quyết định của Sao Tome và khẳng định hòn đảo sẽ không thực hiện chính sách "ngoại giao USD" với quốc gia trên. Ông Lee cũng cho rằng lý do của động thái trên là vì Đài Loan không đáp ứng được các nhu cầu về tài chính của Sao Tome, theo SCMP.

"Chúng tôi nghĩ Bắc Kinh không nên dùng hố đen tài chính Sao Tome... làm thời cơ để thúc đẩy chính sách 'Một Trung Quốc'", Reuters dẫn lời Lee cho biết trong cuộc họp báo ngày 21/12 tại Đài Bắc. "Hành động này không giúp ích cho mối quan hệ qua eo biển".

Văn phòng lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cũng cảnh báo việc Bắc Kinh thúc đẩy chính sách "Một Trung Quốc" theo cách trên sẽ khiến quan hệ hai bên bất ổn, không có lợi về lâu dài.

Kinh tế Sao Tome và Principe chủ yếu dựa vào xuất khẩu ca cao. Tuy nhiên, quốc đảo nằm giữa vùng Vịnh Guinea này có trữ lượng dầu mỏ lớn nên có tiềm năng trở thành nước sản xuất dầu mỏ và khí đốt.

Tại châu Phi, hiện chỉ còn Burkina Faso và Swaziland vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Bà Thái Anh Văn sẽ thăm các đồng minh Trung Mỹ gồm Honduras, Nicaragua, Guatemala và El Salvador vào tháng sau.

"Chúng tôi hiện còn 21 đồng minh. Chúng tôi phải yêu quý họ", Lee nói.

Trung Quốc từ lâu vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ được thống nhất và sẵn sàng dùng vũ lực nếu cần. Do đó, Bắc Kinh coi "Một Trung Quốc" là vấn đề đặc biệt nhạy cảm.

Bà Thái Anh Văn và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump ngày 2/12 có cuộc điện đàm khiến Trung Quốc tức tối. Đây là lần đầu tiên một tổng thống hay tổng thống đắc cử của Mỹ điện đàm với lãnh đạo Đài Loan kể từ năm 1979, khi Washington công nhận chính sách "Một Trung Quốc".

Ông Trump còn dọa xem xét lại chính sách "Một Trung Quốc" nếu không thể thỏa thuận được với Bắc Kinh về một số vấn đề. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo những người tìm cách phá chính sách "Một Trung Quốc" và gây tổn hại đến các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc là "tự lấy đá ghè chân".

Vị trí Sao Tome và Principe. Đồ họa: BBC.

Vị trí Cộng hòa Dân chủ Sao Tome và Principe. Đồ họa: BBC.

Như Tâm

VNExpress

Đài Loan, Trung Quốc, Sao Tome, Một Trung Quốc


      © 2021 FAP
        3,685,740       785