Thế giới

Liên kết trớ trêu giữa băng đảng Trung Quốc và khủng hoảng ma túy Philippines

Khi ông Duterte muốn xích lại gần Bắc Kinh thì có một thực tế trớ trêu là chính các băng đảng Trung Quốc đã tuồn và sản xuất lượng lớn ma túy đá tại Philippines.

ma-tuy-da-thuc-te-tro-treu-dang-ma-tuy-da-trung-quoc

Lính và cảnh sát Philippines gác một cơ sở bào chế ma túy đá ở phía bắc Manila. Ảnh: Reuters

Khoảng 10h sáng ngày 22/9, lực lượng chức năng Philippines đột kích một trang trại chăn nuôi lợn ở chân ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động Arayat, phía bắc Manila. Chiến dịch được thực hiện dưới cái cớ kiểm tra việc đảm bảo an toàn lao động, theo Reuters.

Thế nhưng họ không tìm thấy một con lợn nào. Thay vào đó là một nhà kho rộng bằng sân bóng đá, bên trong có một máy phát điện, máy làm lạnh quy mô công nghiệp cùng các thiết bị chưng cất được đặt trên cao. Đây đều là các thiết bị để sản xuất ma túy đá. Theo báo cáo của cảnh sát, mỗi ngày cơ sở này có thể sản xuất ít nhất 200 kg ma túy đá, có giá trên thị trường chợ đen khoảng 120.000 USD/kg.

Trước đó cảnh sát đã được người dân địa phương thông tin về việc có những chiếc xe chở "nhiều nam giới có vẻ là người Trung Quốc" đi vào khu trại trong đêm và rời đi lúc sáng sớm. Trong cuộc đột kích, cảnh sát bắt được nghi phạm Hong Wenzheng, 39 tuổi, công dân Trung Quốc đến từ tỉnh Phúc Kiến. Tên này đang bị giam chờ xét xử, trong khi 4 tên khác được tin cũng là người Trung Quốc đã bỏ trốn và đang bị truy nã.

Thực tế không dễ chịu

Vụ đột kích trại nuôi lợn trá hình cho thấy một thực tế không mấy dễ chịu với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong cuộc chiến bài trừ ma túy, khi vấn nạn ông đang nỗ lực đẩy lùi lại chủ yếu xuất phát từ Trung Quốc.

Hong chỉ là một trong nhiều tội phạm ma túy Trung Quốc tại Philippines. Trong 77 người nước ngoài bị bắt liên quan đến ma túy đá từ tháng 1/2015 đến 8/2016, gần 2/3 là người Trung Quốc đến từ đại lục và khoảng một phần tư đến từ Đài Loan hoặc Hong Kong, Cơ quan Bài trừ Ma túy Philippines (PDEA) cho biết.

Được giới tội phạm ma túy gọi là "đầu bếp" hay "nhà hóa học", các "chuyên gia" sản xuất ma túy đá được các băng đảng tại Trung Quốc đưa tới Philippines để làm việc tại các phòng thí nghiệm. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn là nguồn cung cấp lớn nhất ma túy đá cùng tiền chất để sản xuất loại ma túy tổng hợp này.

"Có thể khẳng định rằng phần lớn ma túy đá tại Philippines đến từ Trung Quốc", người phát ngôn của PDEA Derrick Carreon khẳng định.

Việc tội phạm Trung Quốc có vai trò then chốt trong hoạt động buôn bán ma túy tại Philippines vẫn không khiến ông Duterte thôi xích lại gần hơn với Bắc Kinh, cho dù chính ông tuyên bố ma túy là vấn nạn tồi tệ nhất của nước mình. Chiến dịch chống ma túy do ông phát động đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng, 38.000 người bị bắt. Cảnh sát còn đang điều tra hơn 3.000 trường hợp tử vong khác.

Trong khi đó, ông Duterte lại đang quay lưng với Mỹ, quốc gia cung cấp nhiều viện trợ cũng như chuyên gia cho Manila trong cuộc chiến chống ma túy. Cơ quan Chống ma túy Mỹ (DEA) từng giúp Philippines phát hiện 6 vụ chuyển lậu cocaine tại sân bay.

"Toàn bộ bạn bè của tôi đều trong lực lượng DEA của Mỹ", một quan chức cấp cao giấu tên trong lực lượng chống ma túy Philippines, cho biết. "Hầu như mọi thông tin đều đến từ DEA Mỹ". Nhưng điều này có thể thay đổi. Mỹ đã quyết định dừng viện trợ 5 triệu USD cho các chương trình kiểm soát ma túy của cảnh sát Philippines, sau khi nhiều nghi phạm trong các vụ án ma túy bị bắn chết không qua xét xử.

Sau cuộc đột kích vào cơ sở bào chế ma túy tại Arayat, ông Duterte đã tuyên bố rằng nếu Bắc Kinh xem Manila là bạn, họ cần hành động để chặn đứng dòng chảy ma túy vào Philippines. Trước đó, hồi tháng 8, đại sứ Trung Quốc đã được triệu tập để giải thích về việc ma túy từ Trung Quốc được chuyển ồ ạt vào Philippines.

Theo Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, đại sứ Trung Quốc Zhao Jianhua khi đó đã bác bỏ cáo buộc. "Tôi nói với ông ấy rằng các báo cáo này dựa trên thông tin tình báo và đã được kiểm chứng", ông Yasay nói.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 10, ông Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý tăng cường trao đổi thông tin tình báo, các kiến thức và công nghệ bài trừ tội phạm ma túy, cũng như việc thiết lập cơ chế điều tra chung trong các vụ án ma túy. Trong bản thông cáo chung sau chuyến thăm, Philippines đã cảm ơn Trung Quốc vì đã đề nghị ủng hộ các thiết bị phát hiện ma túy cũng như hỗ trợ huấn luyện.

Một số quan chức chống ma túy Philippines thì mỉa mai đề nghị hỗ trợ của Trung Quốc. "Tôi suýt ngã khỏi ghế khi nghe thấy Trung Quốc nói sẽ hỗ trợ giải quyết vấn đề ma túy của Philippines", một quan chức chống ma túy tại Bộ Tư pháp Philippines cho biết. Theo ông, Bắc Kinh từ nhiều năm nay hiếm khi hỗ trợ họ.

Ngoài ra, Trung Quốc còn đề nghị giúp Philippines trong công tác cai nghiện. Một doanh nhân Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ xây dựng hai trung tâm cai nghiện với 10.000 giường tại Philippines. Một trong những dự án như vậy đã được mở hồi cuối tháng 11.

Kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền, số vụ bắt giữ và đột kích của cảnh sát vào các cơ sở bào chế ma túy đã tăng. Trong năm nay, 9 cơ sở bào chế đã bị triệt phá, nhiều hơn số lượng của ba năm trước cộng lại. 6 trong số này bị đột kích sau khi ông Duterte lên nắm quyền. Cảnh sát cho biết nhiều cơ sở bào chế này do các thành viên của hội Tam Hoàng - tổ chức tội phạm tàn bạo khét tiếng châu Á - vận hành.

Tính từ đầu năm đến ngày 10/11, 1.520 kg ma túy đá đã bị thu giữ, gấp 2,5 lần cả năm 2015. Dù vậy, đây vẫn chỉ là con số nhỏ so với lượng ma túy được tiêu thụ, Jeremy Douglas, đại diện Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) tại Đông Nam Á, cho biết.

ma-tuy-da-thuc-te-tro-treu-dang-ma-tuy-da-trung-quoc-1

Cảnh sát đứng gác hai công dân Trung Quốc bị bắt trong cuộc đột kích vào cơ sở bào chế ma túy đá ở bắc Philippines hồi tháng 9. Ảnh: Reuters

Thủ đoạn tinh vi

Ngoài vụ đột kích vào trại chăn nuôi lợn tại Arayat, vài tuần trước đó, cảnh sát Philippines cũng đã triệt phá một cơ sở bào chế ma túy đá khác được đặt ở tầng hầm một tòa nhà trong một trang trại nuôi lợn. Tại đây, 20 kg tiền chất cùng một lượng nhỏ thành phẩm bị thu giữ. 7 người mang quốc tịch Trung Quốc cũng bị bắt.

Các băng đảng ma túy thường đặt cơ sở bào chế ma túy tại các trang trại nuôi lợn nhằm che giấu mùi tỏa ra nồng nặc từ hoạt động bào chế ma túy đá, cảnh sát Graciano Mijares cho biết.

Hoạt động sản xuất, buôn bán này do những nhóm Trung Quốc nhỏ thực hiện. Họ quản lý từ việc mua tiền chất tại Trung Quốc tới sản xuất ma túy ở Philippines và khâu phân phối của các nhóm tội phạm địa phương.

Ma túy đá được buôn lậu từ Trung Quốc thường được chuyển từ các tàu lớn sang các tàu nhỏ hơn, neo ngoài khơi đảo Luzon phía bắc Philippines. Các kiện hàng đôi khi được thả xuống biển và sau đó được ngư dân vớt lên. Tiếp theo, ma túy được chuyển tới tay những kẻ buôn bán địa phương.

Hoạt động sản xuất ma túy đá tại Philippines lại có phương thức hoạt động khác. Các tiền chất thường được giấu trong các container hàng hợp pháp được chuyển qua Biển Đông tới Philippines. Khi lên bờ, chúng sẽ được chuyển tới các cơ sở bào chế. Tại đây có một "nhà hóa học" để giám sát quá trình sản xuất và một "đầu bếp" để trực tiếp bào chế. Những kẻ này sẽ đi trên những chuyến bay khác nhau, nhập cảnh dưới dạng khách du lịch hoặc doanh nhân.

Năm 2012, 11 người trong đó có 5 công dân Trung Quốc đã bị kết tội vì lập ra cơ sở bào chế ma túy lớn tại thành phố Cebu. Cơ sở này bị phát hiện năm 2004 dù được ngụy trang như một điểm kinh doanh hợp pháp.

Một công dân người Anh có tên Hung Chin Chang khai trước tòa rằng đã gặp một người Trung Quốc có tên Calvin de Jesus Tan tại Macau. Tên này là kẻ tài trợ cho cơ sở bào chế. Chang khai Tan đã giới thiệu mình với một người đàn ông Trung Quốc chịu trách nhiệm thuê địa điểm bào chế, tuyển mộ những kẻ tham gia sản xuất và mua nguyên liệu.

Nhóm này sau đó thuê 3 nhà kho, một để sản xuất ma túy đá, một để làm khô và nơi thứ ba để đóng gói và cất trữ thành phẩm.

ma-tuy-da-thuc-te-tro-treu-dang-ma-tuy-da-trung-quoc-2

Tiền chất để sản xuất ma túy đá. Ảnh: Reuters

Vài ngày trước vụ đột kích, đèn điện trong các nhà kho sáng suốt đêm trong khi máy móc chạy hết công suất. Mùi hóa chất từ quá trình bào chế nồng nặc khắp nơi. 11 kẻ này đều đang thụ án tù chung thân tại Philippines.

Sau khi bán ma túy, các nhóm tội phạm thường tìm đến các sòng bạc tại Manila để rửa tiền, nơi nhiều tay chơi cỡ bự cũng là người Trung Quốc, một quan chức chống ma túy địa phương cho biết.

Tại đây, người mua và kẻ bán gặp nhau. Họ giấu ma túy và tiền trong ôtô và chỉ cần trao đổi chìa khóa khi gặp. Người bán sau đó đổi tiền mặt lấy phỉnh của casino là hoàn tất quá trình rửa tiền.

Những quy định lỏng lẻo trong quản lý sòng bạc khiến nơi đây trở thành điểm đến cho những kẻ buôn ma túy. Với tham vọng biến Manila thành trung tâm sòng bạc châu Á, chính phủ Philippines đã miễn trừ cho các casino luật chống rửa tiền, vốn bắt buộc họ phải theo dõi và khai báo giao dịch đáng ngờ.

Cách tỉa dần từng băng đảng Trung Quốc sẽ không có hiệu quả, Fadullon, quan chức tư pháp, nhận xét. "Các băng nhóm rồi sẽ lại mọc lên ở những khu vực khác, những nơi giới chức ít ngờ tới nhất", ông nói.

"Nếu chính phủ Duterte muốn loại bỏ ma túy đá, thì phải tìm đến nguồn rễ vấn đề và thực hiện các cuộc thảo luận cấp cao về cách chấm dứt việc này - phải bàn bạc với chính phủ Trung Quốc", ông nói thêm.

Hoàng Nguyên

VNExpress

Philippines, ma túy đá, Trung Quốc, băng đảng, cuộc chiến chống ma túy Philippines


      © 2021 FAP
        3,028,166       582