Thế giới

Tranh cãi về kho báu 64 hòm vàng trên 'tàu Titanic của Hitler'

Tàu du lịch Wilhelm Gustloff của Đức quốc xã bị đánh chìm trong Thế chiến II được cho là chở theo 64 hòm vàng hoặc Căn phòng Hổ phách nhưng đến nay câu chuyện vẫn chưa sáng tỏ.

tranh-cai-ve-kho-bau-64-hom-vang-tren-tau-titanic-cua-hitler

Tàu du lịch Wilhelm Gustloff của Đức quốc xã. Ảnh:eutopress

Ngày 30/1/1945, ba quả ngư lôi phóng từ tàu ngầm S-13 của Liên Xô đánh chìm tàu du lịch Wilhelm Gustloff của Đức Quốc xã khi nó đang chở người dân và lính phát xít tháo chạy khỏi Gdniya, lúc bấy giờ có tên là Gotenhafen, một thành phố ở vùng Đông Phổ.

Hơn 9.300 người thiệt mạng trong vụ tấn công. Đây được xem là vụ chìm tàu có tổn thất nhân mạng lớn nhất trong lịch sử hàng hải, theo International Business Times.

Mệnh danh "Titanic của Hitler", Wilhelm Gustloff là tàu thuộc cơ quan giải trí Vui để khỏe (Strength Through Joy) của Đức Quốc xã. Các công nhân trung thành với Mặt trận Lao động Đức Quốc xã thường được thưởng các chuyến du lịch trên con tàu này đến Tây Ban Nha và Na Uy. Trong suốt Thế chiến II, tàu Wilhelm Gustloff được trưng dụng làm tàu bệnh viện và chuyên chở thủy thủ tàu ngầm Đức Quốc xã.

Nhiều thập niên sau thảm họa Wilhelm Gustloff, bắt đầu xuất hiện những lời đồn về một lô hàng bí mật trên con tàu khi nó bị chìm. Ông Heinz Schoen, trợ lý thủ quỹ tàu Wilhelm Gustloff, người may mắn sống sót, đã viết nhiều cuốn sách về vụ chìm tàu, trong đó, một cuốn nhắc đến những chiếc hòm được chuyển lên tàu trước khi nó khởi hành.

Những chiếc hòm bí ẩn

tranh-cai-ve-kho-bau-64-hom-vang-tren-tau-titanic-cua-hitler-1

Tàu Wilhelm Gustloff lúc bị đánh chìm. Ảnh minh họa: wilhelmgustloff.com

Quãng thời gian làm thợ lặn ở Đức vào cuối thập niên 1980, Philip Sayers, tác giả cuốn sách "Vàng biển Batic" (Baltic Gold) đã gặp Rudi Lange, kỹ thuật viên vô tuyến trên tàu Wilhelm Gustloff, người khẳng định tận mắt thấy những chiếc hòm được chuyển lên tàu.

"Ông ấy kể cho tôi câu chuyện về vụ chìm tàu này và nghe có vẻ giống vụ đắm tàu Titanic. Ông ấy phải tìm cách sống sót giữa biển khơi và đã bơi rất lâu quanh các xác chết cùng những người đang hấp hối. Ông ấy bật khóc khi ký ức về các nạn nhân cùng những đứa trẻ thoi thóp ùa về", Sayers nói.

"Ông ấy giải thích với tôi rằng vào đêm tàu Wilhelm Gustloff khởi hành, một đoàn xe tải chất đầy hàng hóa xuất hiện ở bến cảng khi tàu chuẩn bị lên đường và ông đã chứng kiến một toán lính phát xít khiêng những chiếc hòm nhỏ nhưng nặng lên cầu tàu", Sayers thuật lại.

Các suy luận và đồn đoán về thứ chứa bên trong những chiếc hòm kể trên vẫn kéo dài đến nay. Ông Schoen tin chúng chứa những bức vách Căn phòng Hổ phách nổi tiếng bị lính phát xít cướp từ Cung điện Catherine khi vây hãm thành phố St. Petersburg. Lính phát xít được cho là đã đưa Căn phòng Hổ phách, trị giá khoảng 400 triệu USD, đến thành phố Koenigsberg (sau này đổi tên thành Kaliningrad) nằm gần Gdniya.

Dù vậy, Rudi Lange cho rằng giả thiết trên đáng ngờ vì những chiếc hòm mà ông thấy có kích cỡ nhỏ. Hơn nữa, Lange cũng khẳng định ông đã phát hiện ra những chiếc hòm thực sự chứa gì.

Lange tiết lộ với Sayers ông đã gặp một người trong toán lính phát xít chuyển những chiếc hòm bí ẩn lên tàu tại một sự kiện tưởng niệm các nạn nhân vụ chìm tàu Cap Arcona tổ chức ở thị trấn Neustadt, Đức, vào năm 1972. Cap Arcona là tàu vận tải của Đức Quốc xã bị các chiến đấu cơ không quân Anh đánh chìm vào tháng 5/1945, làm khoảng 5.000 người trên tàu thiệt mạng, chủ yếu là tù nhân từ các trại tập trung ở Đức.

"Các hòm ấy không chứa những bức vách Căn phòng Hổ Phách. Viên lính nói anh ta đã chuyển 64 hòm đựng vàng thỏi từ Ngân hàng Trung ương Reichsbank của Đức Quốc xã ở Koenigsberg lên tàu Wilhelm Gustloff", Lange nói với Sayers. Ước tính giá trị các hòm vàng này lên đến hơn 125 triệu USD, tính theo thời giá hiện tại.

Viên lính cho hay các hòm vàng được xếp vào một dãy phòng đặc biệt trên tàu Wilhelm Gustloff vốn chỉ dành riêng cho Hitler. Theo kế hoạch, người ta sau đó sẽ chuyển chúng xuống các xuồng nhỏ và đưa đến một nơi bí mật nhưng chẳng may, Wilhelm Gustloff bị đánh chìm.

Dù vậy, một số chuyên gia lại không tin vào những lời đồn về kho báu trên tàu Wilhelm Gustloff.

Phóng viên người Mỹ Cathryn J. Prince đã phỏng vấn nhiều người sống sót trong thảm họa chìm tàu Wilhelm Gustloff để viết cuốn sách "Chết chóc ở biển Baltic: Vụ chìm tàu Wilhelm Gustloff trong Thế chiến II" (Death in the Baltic: The World War II Sinking of the Wilhelm Gustloff).

"Không một nạn nhân sống sót nào mà tôi nói chuyện cũng như không một tài liệu nào đưa ra mô tả về những chiếc hòm chuyển lên tàu. Tôi đã tiếp xúc với những người làm việc trên tàu Wilhelm Gustloff trước thời điểm họ bắt đầu tiếp nhận người tị nạn nhưng họ nói không thấy bất kỳ hòm nào cả. Mỗi centimet trên tàu đều chật ních người", Prince miêu tả.

Trước giả thiết Căn phòng Hổ phách được đưa lên tàu, Prince chia sẻ: "Các nhà sử học mà tôi trao đổi nhận định một kho báu kiểu như vậy có khả năng cao được đem cất giấu trong các hang núi hoặc hầm mỏ hơn". Prince cho rằng không có chuyện Đức Quốc xã giao phó món hàng hóa có giá trị như vậy cho một tàu du lịch đang chở những người tị nạn tuyệt vọng.

Xác tàu bị lục lọi?

tranh-cai-ve-kho-bau-64-hom-vang-tren-tau-titanic-cua-hitler-2

Căn phòng Hổ phách được tái dựng tại Nga. Ảnh: Reuters

Để kiểm tra các lời đồn, Sayers và một đồng nghiệp thợ lặn đã lặn xuống biển để khảo sát xác tàu Wilhelm Gustloff vào năm 1988. Con tàu nằm ở độ sâu 50 m và cách bờ biển Ba Lan khoảng 60 km. Tuy nhiên, đến nơi cả hai mới phát hiện họ không phải người đầu tiên tìm xuống nơi tàu đắm.

"Rõ ràng có người đã lặn xuống đây và lục lọi, đập phá xác tàu. Họ có thể muốn tìm kiếm Căn phòng Hổ Phách", Sayers nói.

Theo Sayers, Liên Xô đã phá hủy xác tàu để loại bỏ rủi ro các tàu khác va vào nó. Những mảnh vỡ còn lại của tàu Wilhelm Gustloff nằm thành từng đống rải rác dưới lòng biển. Vài phần tàu trông như bị nổ tung.

"Bạn có thể thấy rõ những lỗ xuyên thủng trên thân tàu và những bộ phận mà người ta phải sử dụng máy cắt công suất lớn. Tôi thấy như thể con tàu nổ tung do bị đặt chất nổ", Sayers kể.

Sayers và đồng nghiệp đã gỡ một ô cửa sổ thành tàu bị cháy đen ở buồng y tế để đưa lên bờ. Tuy nhiên, khi trở về cảng ở thành phố Kiel, Đức, họ bị bắt giữ và buộc tội ăn cắp xác tàu.

Cuối cùng, họ được phóng thích và ngay sau đó, theo yêu cầu từ chính phủ Đức,  nhà chức trách Ba Lan đã thiết lập vùng cấm xâm phạm xung quanh địa điểm xác tàu Wilhelm Gustloff chìm, đồng thời xem nơi đây là nghĩa địa chiến tranh. Các thợ lặn chỉ được phép tiếp cận khu vực nếu có giấy phép đặc biệt.

Mike Boring, thợ lặn mà phóng viên Prince từng trò chuyện, đã lặn khảo sát xác tàu Wilhelm Gustloff vào năm 2003. Ông xác nhận tàu đã bị dọn sạch. Nhưng điều khó hiểu hơn cả là không có dấu tích hài cốt con người.

Các truyền thuyết về nơi cất giấu kho vàng bí mật của Đức Quốc xã vẫn làm mê hoặc nhiều nhà thám hiểm. Đối với Prince, thảm kịch tàu Wilhelm Gustloff và số phận bí ẩn của Căn phòng Hổ phách sẽ là chủ đề tiếp tục thu hút những lời đồn, có lẽ trong một khoảng thời gian dài nữa.

Hồng Vân

VNExpress

Titanic của Hiter, kho báu, vàng thỏi, Wilhelm Gustloff


      © 2021 FAP
        3,764,132       483