Hải quân Trung Quốc phóng thành công tên lửa YJ-83K từ tiêm kích J-15, cho thấy bước phát triển mới của loại máy bay này.
Tiêm kích J-15 phóng tên lửa chống hạm YJ-83K. Ảnh: CCTV. |
Một tiêm kích J-15 xuất phát từ tàu sân bay Liêu Ninh đã lần đầu tiên phóng tên lửa chống hạm có điều khiển YJ-83K vào mục tiêu giả định trong cuộc tập trận do Hải quân Trung Quốc (PLAN) tổ chức, Livejournal ngày 16/12 đưa tin.
Truyền thông Trung Quốc cho biết tên lửa YJ-83K sử dụng đầu dò radar chủ động với góc quét rộng, có khả năng chống nhiễu chủ động và thụ động để tìm kiếm mục tiêu. Tên lửa được dẫn đường bởi hệ thống định vị vệ tinh và quán tính, còn độ cao hành trình được thiết bị đo laser kiểm soát. Trong pha cuối tiếp cận mục tiêu, YJ-83K có thể tăng tốc lên mức siêu âm để tránh bị đánh chặn.
Dòng YJ-83 được công bố lần đầu tiên vào năm 1999. Tên lửa sử dụng động cơ phản lực tuốc bin để tiết kiệm nhiên liệu, tăng tầm bắn lên tới 180-250 km tùy phiên bản. Phiên bản YJ-83K sử dụng đầu nổ nặng tới 185 kg.
Mẫu tiêm kích Shenyang J-15 phóng tên lửa này được phát triển dựa trên thiết kế tiêm kích hạm Su-33 của Liên Xô. Trung Quốc được cho là đã mua mẫu máy bay này từ Ukraine vào năm 2001, sau đó sao chép công nghệ để cho ra đời dòng J-15 để phục vụ trên tàu sân bay.
Tiêm kích hạm J-15 có vẻ ngoài tương tự Su-33, nhưng hệ thống điện tử hoàn toàn do Trung Quốc phát triển, được kế thừa từ phiên bản J-11B sao chép Su-27SK của Nga. Việc phóng được tên lửa chống hạm cho thấy J-15 đã có phần nhỉnh hơn Su-33, vốn chỉ sử dụng được bom và rocket không điều khiển, chuyên gia từ Viện phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) của Nga nhận định.
Tiêm kích J-15 phóng thử tên lửa chống hạm
Tử Quỳnh
Trung Quốc, J-15, tiêm kích hạm, tàu sân bay, Liêu Ninh, thử nghiệm, YJ-83