Chiếc tiêm kích Sea Harrier của Hải quân Anh bay lạc hướng và buộc phải hạ cánh xuống tàu chở hàng, khiến Anh phải bồi thường khoản tiền lớn.
Chiếc Sea Harrier đáp xuống tàu Alraigo. Ảnh: Milaviate. |
Trong cuộc tập trận hải quân NATO ngày 6/5/1983, thiếu úy Ian "Soapy" Watson đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống tàu chở hàng Alraigo của Tây Ban Nha ở ngoài khơi bờ biển Bồ Đào Nha. Vụ việc thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông, đồng thời khiến Hải quân Anh mất hơn 1,1 triệu USD để bồi thường, theo tạp chí Air & Space.
Thiếu úy Watson điều khiển chiếc tiêm kích Sea Harrier số hiệu ZA-176 xuất phát từ tàu sân bay HMS Illustrious tham gia cuộc tập trận. Bay cùng biên đội với Watson là một phi công chỉ huy dày dạn kinh nghiệm của Không quân Hải quân Anh (FAA). Nhiệm vụ của biên đội Sea Harrier trong cuộc tập trận là tìm kiếm tàu sân bay Pháp.
Để mô phỏng tình trạng chiến đấu, hai phi công bay ở độ cao thấp, không sử dụng liên lạc radio, hệ thống radar trinh sát của máy bay cũng được tắt. Họ bay tới khu vực được chỉ định, sau đó tách đội hình để độc lập tìm kiếm tàu chiến Pháp. Một lúc sau, phi công chỉ huy mất dấu chiếc tiêm kích của Watson.
Phi công chỉ huy nhận định hệ thống định vị của Watson đã bị sai lệch. Đây là sự cố thường gặp trên biển, nhưng do Watson mới thực hiện 3 chuyến bay trên tàu HMS Illustrious nên không hề có kinh nghiệm khắc phục. Điểm mốc của chiếc Sea Harrier cũng bị sai lệch, khiến Watson không thể tìm đến điểm tập kết để trở về tàu sân bay.
Phi công chỉ huy đã cố gắng tìm kiếm và chờ đợi Watson, nhưng nhiên liệu gần cạn buộc người này phải trở về tàu mẹ.
Về phần Watson, do không tìm thấy địa điểm tập kết bằng hệ thống định vị, phi công này phải dựa vào hệ thống dẫn đường quán tính để tìm đường trở về HMS Illustrious. Watson khẳng định đã sử dụng mọi thiết bị trên máy bay, bao gồm radio, mở radar, phát tín hiệu khẩn cấp nhưng không hề nhận được tín hiệu phản hồi nào của tàu sân bay Anh.
Nắm được tuyến hàng hải ngoài khơi Bồ Đào Nha, Watson chuyển hướng bay về phía đông. Khi radar bắt được một mục tiêu, phi công này nhắm về hướng đó để tìm sự giúp đỡ. Ở khoảng cách 80 km, chiếc Sea Harrier đã gần cạn nhiên liệu, chỉ đủ để bay trong vài phút. Nhìn thấy tàu chở hàng Alraigo ở khoảng cách 19 km, Watson định bay lại gần để thủy thủ đoàn nhìn thấy, sau đó phóng ghế thoát hiểm khỏi máy bay.
Do không có cách liên lạc với Alraigo, Watson thực hiện động tác bay thấp song song thân tàu để thu hút sự chú ý. Trong quá trình này, phi công nhận thấy các thùng container trên tàu Alraigo tạo thành một sàn đáp vừa đủ cho Sea Harrier, tương tự những gì Watson từng được học.
Sea Harrier là mẫu tiêm kích có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng hoặc trên đường băng ngắn (SVTOL). Khả năng SVTOL giúp Sea Harrier hạ cánh trên những bãi đáp nhỏ, thậm chí chỉ bằng kích thước của máy bay, thay vì các đường băng dài hàng nghìn mét như tiêm kích thông thường.
Một tiêm kích Sea Harrier hạ cánh thẳng đứng trên tàu sân bay
Chiếc Sea Harrier của Watson nhẹ nhàng đáp xuống nóc dãy container, nhưng nó bị tuột về phía sau vì trơn trượt, dù Watson đã cố gắng thu càng đáp. Chiếc máy bay hếch mũi lên trời, đuôi đập xuống một chiếc xe tải bên dưới trước khi dừng hẳn.
Thuyền trưởng tàu Alraigo từ chối bỏ dở hành trình để bàn giao chiếc Sea Harrier và phi công cho Hải quân Anh. Họ gửi thông báo tới chính phủ Anh, cho biết Watson cùng máy bay sẽ được đưa tới cảng Tenerife, Tây Ban Nha sau 4 ngày.
Khi Alraigo cập cảng Santa Cruz de Tenerife, đại diện của Anh và rất nhiều phóng viên đã chờ đợi sẵn. Hãng vận tải và thủy thủ đoàn đòi chính phủ Anh bồi thường 1,14 triệu USD chi phí "cứu hộ" chiếc Sea Harrier và phi công. Watson sau đó trở về tàu HMS Illustrious, một ủy ban điều tra được thành lập nhưng không đưa ra kết luận nào.
Tàu Alraigo khi cập cảng Tenerife
Năm 2007, chính phủ Anh giải mật nhiều tài liệu của Hải quân, bao gồm cả kết luận về vụ việc của thiếu úy Watson năm 1983. Báo cáo điều tra cho thấy Watson mới chỉ hoàn thành 75% chương trình huấn luyện khi được biên chế đến tàu HMS Illustrious. Ủy ban điều tra đổ lỗi cho Watson với lý do thiếu kinh nghiệm, chỉ huy đơn vị cũng bị phê bình vì sử dụng một máy bay có sự cố, không sẵn sàng cho nhiệm vụ.
Ian "Soapy" Watson bị kỷ luật và phải nhận công việc bàn giấy trong một thời gian dài trước khi được bay trở lại. Watson rời quân ngũ năm 1996 với tích lũy 2.000 giờ bay trên Sea Harrier, cùng 900 giờ bay nữa trên tiêm kích F/A-18.
Theo Watson, sự chú ý của truyền thông khiến Hải quân Anh bị mất mặt, dẫn tới hình thức kỷ luật khá nặng tay. Người phi công chỉ huy cũng khẳng định Watson đã làm rất tốt với kinh nghiệm bay ít ỏi của mình, theo PPRune.
Xem thêm: Tiêm kích Su-33 rơi xuống biển, Nga nhận thêm bài học cay đắng
Tử Quỳnh
tiêm kích, Anh, hải quân, Harrier, nhầm hướng, hạ cánh, tàu chở hàng, tàu sân bay