Thế giới

Ông trùm dầu khí - ngựa ô cán đích cuộc đua ngoại trưởng Mỹ

Rex Tillerson, giám đốc tập đoàn dầu khí Exxon Mobil vừa được Donald Trump chỉ định ngồi vào ghế ngoại trưởng Mỹ, là người có mối quan hệ hữu hảo với Nga.

ong-trum-dau-khi-ngua-o-can-dich-cuoc-dua-ngoai-truong-my

Giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí Exxon Mobil Rex Tillerson. Ảnh: AP

Báo chí Mỹ hôm qua dẫn các nguồn tin từ ban chuyển giao quyền lực của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết ông đã quyết định bổ nhiệm giám đốc tập đoàn dầu khí Exxon Mobil Rex Tillerson vào ghế ngoại trưởng.

Đến nay, phần lớn những người mà nhà tài phiệt New York bổ nhiệm vào các ghế bộ trưởng đều là doanh nhân triệu phú, tỷ phú hoặc tướng về hưu. Xét theo xu hướng trên, quyết định cất nhắc Rex Tillerson cho chức vụ ngoại trưởng có lẽ cũng không quá gây bất ngờ khi ông được đánh giá là ứng viên "ngựa ô", có nhiều khả năng vượt qua những ứng viên là các nhà chính trị chuyên nghiệp, gồm cựu thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney hay Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker.

Theo Washington Post, Tillerson không có kinh nghiệm làm việc tại các cơ quan chính quyền và đây là lần đầu tiên trong lịch sử đương đại Mỹ có một ứng viên như vậy được bổ nhiệm chức ngoại trưởng.

Việc bổ nhiệm một lãnh đạo ở khu vực tư nhân làm ngoại trưởng từng diễn ra trong quá khứ. Theo Wall Street Journal, George Shultz, chủ tịch tập đoàn xây dựng Bechtel, đã giữ cương vị ngoại trưởng Mỹ dưới thời tổng thống Ronald Reagan. Tuy nhiên, ít ra, trước đó, Shultz cũng kinh qua các vị trí như bộ trưởng lao động và bộ trưởng tài chính.

Tillerson, 64 tuổi, gia nhập Exxon Mobil vào năm 1975 sau khi nhận bằng cử nhân ngành kỹ thuật xây dựng dân dụng ở Đại học Texas. Ông  nỗ lực làm việc và dần thăng tiến qua nhiều chức vụ, bắt đầu với vị trí kỹ sư sản xuất và cuối cùng trở thành chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Exxon Mobil vào năm 2006.

Trải qua nhiều thập kỷ gắn bó với Exxon Mobil, công việc của Tillerson đưa ông đi khắp thế giới. Điều này kết hợp với kinh nghiệm ở vai trò giám đốc điều hành rõ ràng đã tạo cho ông một nền tảng kiến thức nhất định trong lĩnh vực ngoại giao quốc tế.

Viết trên Twitter, Suzanne Maloney, cựu nhân viên Exxon Mobil, người đang làm việc tại Viện Brookings bênh vực Tillerson: "Giới dầu khí đều biết rõ điều này: bất kỳ ai quản lý các dự án trị giá nhiều tỷ USD kéo dài nhiều thập kỷ cần có am hiểu sâu sắc về bối cảnh chính trị... Tillerson đã vươn lên vị trí đứng đầu một công ty được đánh giá cao về trình độ kỹ thuật xuất sắc, các chỉ số tài chính vững mạnh, với thái độ làm việc cần mẫn và liêm chính".

Tillerson nhận huân chương hữu nghị Liên bang Nga từ Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2013. Ông từng đảm nhận vai trò phụ trách các mỏ dầu do công ty con Exxon Neftegas của Exxon Mobil khai thác ở Nga và biển Caspian, nằm sát Nga.

Hai năm trước khi nhận huân chương trên, Exxon Mobil trúng gói thầu khai thác dầu ở một vùng biển do Nga kiểm soát ở Bắc Băng Dương. Đích thân Tổng thống Nga Putin thông báo kết quả trúng thầu tại một cuộc họp ở thành phố Sochi.

Cổ phần mà Tillerson nắm giữ tại Exxon Mobil chắc chắn sẽ là vấn đề bị chất vấn tại cuộc điều trần phê chuẩn chức vụ diễn ra tại thượng viện Mỹ. Khi Nga sáp nhập lãnh thổ Crimea  vào năm 2014, Mỹ lúc bấy giờ thông qua các biện pháp trừng phạt Nga, bao gồm cả quyết định đình chỉ thỏa thuận thăm dò dầu khí của Exxon Mobil ở Bắc Băng Dương. Nếu các biện pháp trừng phạt không còn nữa, thỏa thuận trên sẽ tiếp tục được thực hiện, giúp giá trị cổ phần của Tillerson ở Exxon Mobil tăng lên đáng kể. Nhưng theoWall Street Jounral, Tillerson có thể phải bán số cổ phần này nếu trở thành làm ngoại trưởng.

Theo BBC, Tillerson là bạn Igor Sechin, chủ tịch tập đoàn dầu khí lớn nhất Nga Rosneft đồng thời là cựu phó thủ tướng Nga. Ông Sechin được nhìn nhận là người quyền lực thứ hai ở Nga, chỉ sau Tổng thống Putin. Tillerson cũng từng lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạtphương Tây áp đặt lên Nga liên quan đến vụ sáp nhập Crimea. Năm 2014, Exxon Mobil trình bản báo cáo cho biết các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đối với Nga có thể khiến tập đoàn này thiệt hại đến một tỷ USD ở các liên doanh với Nga.

ong-trum-dau-khi-ngua-o-can-dich-cuoc-dua-ngoai-truong-my-1

Ông Rex Tillerson (trái) trong một cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP

Thay đổi lập trường về biến đổi khí hậu

Lập trường của Tillerson về vấn đề biến đổi khí hậu có thể xung khắc với ông Trump. Theo một báo cáo gần đây, từ năm 1977, Exxon Mobil đã nắm rõ mối liên quan giữa khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hiện tượng khí hậu toàn cầu nóng lên. Tuy nhiên, thời điểm đó, Exxon Mobil bác bỏ điều này, đồng thời nhấn mạnh vào rủi ro với ngành công nghiệp dầu khí nếu cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Gần đây, Exxon Mobil công khai thừa nhận mối liên hệ trên và ủng hộ việc tiếp nhận những bằng chứng khoa học và xác định các giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu.

Sự thay đổi lập trường này diễn ra dưới thời Tillerson. Biến đổi khí hậu sẽ là đề tài trọng tâm đối với bất kỳ ai lên nắm ghế ngoại trưởng Mỹ bởi nó là vấn đề mà cộng đồng quốc tế lâu nay dành nhiều nỗ lực ngoại giao để giải quyết.

Ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Exxon Mobil ra tuyên bố ủng hộ thỏa thuận toàn diện ở Paris hồi cuối năm ngoái nhằm cắt giảm khí thải CO2 trên toàn cầu. Nhưng trong quá trình vận động tranh cử, Trump nhiều lần tuyên bố ông phản đối thỏa thuận Paris và thường xuyên bày tỏ thái độ không đồng tình với việc đưa ra các hành động ứng phó biến đổi khí hậu.

Tillerson, với tư cách giám đốc điều hành Exxon Mobil, thúc đẩy những lập trường trái ngược với Trump trong vấn đề biến đổi khí hậu. Các phát biểu cá nhân của ông gần đây càng củng cố cho lập trường thay đổi của Exxon Mobil khi ông gọi mối đe dọa biến đổi khí hậu là "có thật" và "nghiêm trọng".

Ẩn số quan điểm chính trị

ong-trum-dau-khi-ngua-o-can-dich-cuoc-dua-ngoai-truong-my-2

Ông Rex Tillerson phát biểu tại một hội nghị dầu khí ở London vào năm 2015. Ảnh: AFP

Tillerson là thành viên lâu năm thuộc Hội Nam Hướng đạo Mỹ (BSA) và từng giữ chức chủ tịch BSA từ năm 2010 - 2012. Trong thời kỳ Tillerson lãnh đạo BSA, ông tiếp nhận cả các nam thanh niên đồng tính.

Theo bình luận viên Philip Bump từ Washington Post, quan điểm của Tillerson về các vấn đề chính trị khác phần lớn vẫn chưa rõ ràng. Tờ Wall Street Journal lưu ý rằng Tillerson sẽ ủng hộ tự do thương mại bởi với tư cách giám đốc điều hành một tập đoàn quốc tế tầm cỡ, lập trường này là lẽ tự nhiên.

Xu hướng chính trị của Tillerson cho thấy ông đứng về phía thiết chế đảng Cộng hòa vì ông từng nhiều lần đóng góp ủng hộ cho đảng Cộng hòa ở bang Texas cũng như Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul D. Ryan. Tháng 9/2014, ông đóng góp ủng hộ ở mức tối đa cho quỹ vận động tranh cử của ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng Jeb Bush.

Cây bút Steve Coll từ tạp chí New Yorker cho biết Exxon Mobil cũng duy trì nhóm chuyên gia phân tích giống như ở Bộ Ngoại giao nhằm dự báo quốc gia nào sẽ duy trì được ổn định đủ để bảo đảm đầu tư sinh lợi nhuận. Tuy nhiên, Coll nhận định việc Exxon Mobil có nhiều dự án hợp tác khai thác dầu khí với Nga nhiều khả năng sẽ làm phức tạp thêm quy trình phê chuẩn bổ nhiệm ông ở thượng viện.

Tillerson có thời gian dài làm việc ở phân bộ quốc tế của Exxon Mobil nên ông đã phát triển nhiều mối quan hệ vời các nước trên thế giới, đặc biệt là Nga. "Công việc này đưa ông ấy tiếp xúc với Vladimir Putin. Exxon Mobil là một trong số ít các công ty dầu khí Mỹ tìm cách bám trụ tại Nga xuyên suốt qua mọi biến động chính trị", Coll bình luận

 Hồng Vân

VNExpress

dầu khí, ông trùm, ngoại trưởng, Mỹ, Nga, Exxon Mobil, Rex Tillerson


      © 2021 FAP
        3,882,816       388