Thế giới

Sai lầm khiến sư đoàn Iraq rơi vào bẫy tử thần của IS

Chỉ huy sư đoàn 9 Iraq vội vàng xua quân đánh chiếm một bệnh viện mà không hề biết rằng mình đang chui vào chiếc bẫy đã giăng sẵn của IS ở Mosul.

sai-lam-khien-su-doan-iraq-roi-vao-bay-tu-than-cua-is

Quân đội Iraq tham gia chiến dịch giải phóng Mosul. Ảnh: Reuters

Một đơn vị quân đội Iraq ngày 6/12 ồ ạt tiến vào bệnh viện al-Salam ở thành phố Mosul, sào huyệt của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), mà hầu như không vấp phải sự kháng cự đáng kể nào từ phía đối phương, theo NYTimes.

Sư đoàn 9 là đơn vị tiên phong trong đội quân 100.000 người được Mỹ hậu thuẫn nhằm thực hiện chiến dịch tái chiếm thành phố Mosul từ tay IS. Họ đã phát động chiến dịch lớn nhất này từ tháng 10 và đang dần hình thành thế bao vây Mosul, thành phố đông đúc dân cư, nơi hàng nghìn tay súng IS đang tử thủ.

Nhận thấy mọi việc diễn ra khá dễ dàng, các chỉ huy sư đoàn quyết định cho quân đánh chiếm bệnh viện al-Salam, thay vì lùng sục các tòa nhà dọc theo con đường dẫn tới bệnh viện này. Họ không ngờ rằng quyết định đầy chủ quan đó đã đẩy cả đơn vị vào một chiếc bẫy tử thần khổng lồ, khiến lực lượng tiên phong này gần như bị xóa sổ.

Đến rạng sáng ngày hôm sau, chiếc bẫy tử thần bắt đầu sập xuống. Đầu tiên là 6 chiếc xe đánh bom tự sát lần lượt lao vào bệnh viện và kích nổ, gây thương vong nặng nề cho lực lượng cảnh giới vòng ngoài. Ngay sau đó, bệnh viện bị bao vây bởi hàng trăm phiến quân trang bị súng máy hạng nặng và súng phóng lựu.

"Lúc đó chúng tôi nghĩ rằng mình sẽ chết, tất cả những gì chúng tôi có thể tính được là làm cách nào để tự cứu lấy mạng mình", binh nhì Mithad Abdulzahra thuộc Sư đoàn 9 quân đội Iraq, kể lại trên giường bệnh sau đó. Anh này bị trúng một viên đạn khiến bàn tay phải gần như dập nát.

Abdulzahra cho biết chỉ sau một thời gian ngắn giao tranh, IS đã áp đảo hoàn toàn về hỏa lực và tiến vào bên trong bệnh viện. Khoảng 100 lính Iraq bị mắc kẹt bên trong đều chết hoặc bị thương dưới đòn tấn công dữ dội của phiến quân.

Sau 7 tuần bị bao vây và hứng chịu các đợt không kích dữ dội của liên quân do Mỹ đứng đầu, phiến quân IS vẫn còn trụ lại bên trong những tòa nhà ở Mosul, khiến chiến dịch giải phóng thành phố nhiều khả năng sẽ kéo dài tới năm sau. Trận chiến tại bệnh viện al-Salam cho thấy những thách thức mà các lực lượng an ninh Iraq phải đối mặt trong quá trình tiến sâu hơn vào trung tâm thành phố.

sai-lam-khien-su-doan-iraq-roi-vao-bay-tu-than-cua-is-1

Phiến quân IS bị chia cắt vào bao vây trong thành phố Mosul. Đồ họa: BBC

"Mỗi lần chúng tôi tiêu diệt được một đơn vị IS, một toán khác lại xuất hiện", đại tá Haider Hatem, người trúng một viên đạn bắn tỉa của phiến quân, cho biết. Ông nói rằng khi thấy quân của mình bị bao vây trong bệnh viện, ông đã yêu cầu không quân Mỹ ném bom chi viện hỏa lực. Tuy nhiên phía Mỹ thông báo lại rằng phiến quân IS đang ở quá gần vị trí của quân đội Iraq, việc ném bom sẽ gây nguy cơ tiêu diệt cả địch lẫn ta là rất lớn.

Trong 24 giờ tiếp theo, phiến quân tung ra thêm 15 đợt tấn công bằng xe bom tự sát nữa, với ý đồ xóa sổ hoàn toàn lực lượng Iraq đang bị bao vây. Trước tình thế nguy cấp, chỉ huy chiến dịch quyết định điều lực lượng đặc nhiệm đang tham chiến ở mặt trận phía đông Mosul tới giải cứu sư đoàn đang mắc kẹt.

Lực lượng đặc nhiệm này cũng là một mũi nhọn trong chiến dịch giải phóng Mosul, nhưng đã hứng chịu thương vong nặng nề từ các cuộc đánh bom tự sát của IS. Họ cuối cùng cũng vừa đánh vừa tìm đường đến được bệnh viện al-Salam, mở đường máu cho các binh sĩ của Sư đoàn 9 rút lui về tuyến sau.

"Khi chúng tôi đến nơi, họ gần như không còn đạn để bắn", một sĩ quan đặc nhiệm giấu tên kể lại sứ mệnh giải cứu đầy nguy hiểm.

Khi lính Iraq đã rút ra ngoài an toàn, các chiến đấu cơ Mỹ bắt đầu dội bom xuống bệnh viện và các xe thiết giáp mà quân đội Iraq bỏ lại. Họ quyết định san phẳng bệnh viện, bởi đây nhiều khả năng là một căn cứ để IS tổ chức các đợt phục kích, tập kích vào quân chính phủ. Phiến quân tin rằng máy bay Mỹ sẽ không muốn không kích bệnh viện vì muốn bảo tồn các cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ cho công cuộc tái thiết.

Đại tá John Dorrian, người phát ngôn liên quân, cho biết cuộc không kích được thực hiện theo yêu cầu của lực lượng bộ binh Iraq và bệnh viện al-Salam bị đánh bom để tiêu diệt ổ đề kháng của IS.

Tổng cộng hơn 20 lính Iraq đã thiệt mạng trong trận chiến, hàng chục người khác bị thương, cùng nhiều xe thiết giáp bị IS thu giữ, sĩ quan đặc nhiệm Iraq cho hay. Một đoạn video được IS tung lên mạng vào ngày hôm sau cho thấy cảnh 12 chiếc xe thiết giáp Iraq bị phá hủy gần bệnh viện al-Salam.

Xe thiết giáp quân đội Iraq bị phá hủy bên ngoài bệnh viện al-Salam

Theo các chuyên gia phân tích quân sự, dù đã tham chiến và tái chiếm một loạt thành phố, thị trấn từ tay IS trong năm qua, hầu hết các đơn vị quân đội Iraq vẫn chưa dày dạn kinh nghiệm tác chiến đô thị. Lực lượng đặc nhiệm là đơn vị thiện chiến và được huấn luyện bài bản nhất, nhưng họ lại thiếu hụt về quân số và luôn trong tình trạng bị kéo căng lực lượng.

Trong khi đó, sư đoàn 9 là một đơn vị thiết giáp, chủ yếu được huấn luyện để chiến đấu với các lực lượng chính quy trên địa hình trống trải chứ không phải trong môi trường đô thị chật hẹp. Đây là một nguyên nhân khiến chỉ huy sư đoàn đưa ra quyết định đầy khinh suất, suýt đẩy cả đơn vị vào thảm họa.

Tuy nhiên, Abdulzahra không tin rằng các chỉ huy sư đoàn của mình học được gì nhiều từ sai lầm cay đắng này. "Dĩ nhiên là các sai lầm như vậy vẫn sẽ tiếp tục xảy ra. Chúng xảy ra mọi lúc", người thương binh đang điều trị trong bệnh viện nói.

Xem thêm: Hai tuần tiến đánh Mosul của lực lượng chống khủng bố Iraq

Trí Dũng

VNExpress

Quân đội iraq, phiến quân is, chiến dịch giải phóng mosul


      © 2021 FAP
        3,098,890       762