Với nhiều tính năng ưu việt, F-22 Rapor là tiêm kích duy nhất giúp Mỹ duy trì ưu thế trên không trong bối cảnh vị thế bá chủ bầu trời đang bị đe dọa.
Tiêm kích F-22 bay biểu diễn. Ảnh: Wikipedia. |
Sự cạnh tranh quyết liệt đến từ các quốc gia như Trung Quốc và Nga trong những năm gần đây đã đe dọa làm xói mòn lợi thế làm chủ bầu trời mà Mỹ đã duy trì từ sau Thế chiến II. Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ chỉ còn duy nhất một loại máy bay vẫn giữ được ưu thế về công nghệ trước bất cứ đối thủ nào, đó chính là tiêm kích tàng hình Chim ăn thịt F-22, theo Bussiness Insider.
Chuyên gia phân tích quân sự Alex Lockie cho rằng Mỹ có lực lượng không quân lớn nhất thế giới với hơn 5000 máy bay, nhưng phải bố trí dàn trải trên toàn cầu. Việc Nga triển khai các đơn vị tên lửa hiện đại tới Trung Đông và vùng Kaliningrad, hay việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, có thể đe dọa đến hoạt động của máy bay Mỹ ở Thái Bình Dương hay vùng Baltic.
"Tôi cho rằng đây là một cuộc khủng hoảng. Ưu thế trên không không phải là một quyền thừa kế, nó thực sự là một thứ gì đó chúng ta phải nỗ lực để duy trì", tướng David Goldfein, tham mưu trưởng Không quân Mỹ, nhận xét.
Lockie đánh giá F-22 Mỹ là loại tiêm kích duy nhất có thể đối phó hiệu quả với các mối đe dọa này để duy trì ưu thế trên không của Mỹ.
F-22 là tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên, khác với bất kỳ chiến đấu cơ nào trên thế giới. Đây là loại máy bay có thể thực hành các động tác cơ động cực khó trên không, phát hiện được các mối đe dọa hiện hữu ở khoảng cách xa, trong khi vẫn duy trì được khả năng tàng hình.
Trong một đoạn video đăng tải hôm 4/10, một tiêm kích F-22 đã thực hiện loạt các động tác cực khó trên không như bay theo phương thẳng đứng, xoay đầu chuyển hướng xuống trong thời gian ngắn. Sau đó, phi công cho máy bay xoay vòng và cơ động theo kiểu "lá rơi", khiến người xem gần như không thấy hai động cơ phản lực của nó.
Trong không chiến, các thông số như tốc độ tối đa không phải là tất cả. Ngoài tính năng bay hành trình ở tốc độ siêu thanh, khả năng hãm tốc độ và cơ động tiếp cận mục tiêu của F-22 rất quan trọng trong không chiến tầm gần.
Trên lý thuyết, máy bay trang bị hệ thống tìm kiếm và bám bắt mục tiêu hồng ngoại (IRST) tối tân có thể phát hiện, theo dõi tiêm kích tàng hình F-22 ở khoảng cách khá xa. Tuy nhiên, ngay cả trong thời tiết tốt, việc dò tìm F-22 bằng hệ thống IRST cũng kém hiệu quả, bởi phạm vi quét của hệ thống này không bằng radar, Jusstin Bronk, học giả thuộc Viện nghiên cứu các lực lượng vũ trang Thống nhất Hoàng gia Anh khẳng định.
Tiết diện phản xạ radar của F-22 được cho là chỉ bằng một viên bi. Bởi vậy, nó vẫn là niềm hy vọng duy nhất của Mỹ trong việc chọc thủng lưới phòng không dày đặc của đối phương.
Bên cạnh đó, để tấn công các mục tiêu được các hệ thống tên lửa phòng không tối tân bảo vệ, phi công F-22 cũng được huấn luyện xử trí tình huống thông minh hơn. "Về cơ bản, chúng tôi sẽ được huấn luyện để đối phó với các mối đe dọa lớn và tồi tệ nhất", một phi công F-22 cho hay.
Tiêm kích F-22 tiếp dầu trên không
Tiêm kích tàng hình F-22 duy trì ưu thế áp đảo từ xa nhờ khả năng tấn công các mục tiêu đối phương trước khi bị phát hiện. Nhưng các phi công F-22 vẫn được huấn luyện khả năng không chiến tầm gần.
"Ngay cả khi đối đầu với các mối đe dọa giả định thách thức nhất như Su-35, hệ thống phòng không S-300V4 và S-400, F-22 vẫn rất khó bị bắn hạ", một phi công F-22 tiết lộ.
Với việc ngân sách quốc phòng dự kiến gia tăng dưới thời Donald Trump, Mỹ có thể đảo ngược đà suy thoái của nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không bằng cách chế tạo thêm các tiêm kích F-22 Raptor, tiến sĩ Peter Layton, học giả tại Đại học Griffith, nhấn mạnh.
Xem thêm: Tiêm kích F-22 Mỹ tại Syria bị bong sơn tàng hình
Duy Sơn
F-22, Raptor, tiêm kích, Mỹ, ưu thế, trên không, máy bay