Lãnh đạo các tập đoàn lớn ở Hàn Quốc đang đứng ngồi không yên do sắp phải điều trần trước quốc hội nước này liên quan đến bê bối của Tổng thống Park Geun-hye.
Trưởng Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan-jin (trái) cùng các trợ lý tổng thống khác tuyên thệ trong phiên điều trần liên quan đến bê bối của Tổng thống Park Geun-hye tại quốc hội ngày 5/12. Ảnh: AFP. |
Lãnh đạo các tập đoàn gia đình lớn tại Hàn Quốc, gọi là "chaebol", như Samsung, Huyndai sẽ nằm trong số những người phải điều trần trước quốc hội trước khi cơ quan này bỏ phiếu luận tội Tổng thống Park Geun-hye vào ngày 9/12, AFP đưa tin.
Đợt điều trần, bắt đầu từ ngày 5/12, diễn ra sau hàng loạt cuộc biểu tình quy mô lớn ở Seoul với hàng triệu người tham gia, kêu gọi bà Park từ chức.
Bà Park bị cáo buộc đồng lõa với người bạn thân Choi Soon-sil để ép các tập đoàn khổng lồ "quyên góp" gần 70 triệu USD vào hai quỹ phi lợi nhuận đáng ngờ.
Choi, bị truy tố với cáo buộc cưỡng ép và lạm quyền, còn bị tố dùng một phần tiền quyền góp cho mục đích cá nhân. Bà phủ nhận mọi cáo buộc hình sự. Choi dự kiến tham gia buổi điều trần ngày 7/12, được phát sóng trên truyền hình. Đây là lần đầu tiên Choi công khai trả lời những câu hỏi về vai trò của bà trong bê bối.
Trong ngày 6/12, ủy ban điều tra bê bối sẽ thẩm vấn lãnh đạo 9 tập đoàn, trong đó có Lee Jae-yong, người đứng đầu tập đoàn Samsung, chủ tịch Huyndai Chung Mong-koo, chủ tịch LG Koo Bon-moo, chủ tịch SK Chey Tae-won và chủ tịch Lotte Shin Dong-bin.
Họ nằm trong số những người giàu nhất và quyền lực nhất ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, bê bối "Choi-gate" đã khiến sự bất bình của người dân, về sự ảnh hưởng và nghi ngờ họ được hưởng đặc quyền, vốn âm ỉ bùng lên.
Chosun Ilbo dẫn nguồn tin từ các công ty cho biết nhiều ông trùm kinh doanh đã chuẩn bị điên cuồng để tránh bị công chúng lăng mạ, tự tổ chức nhiều phiên chất vấn mô phỏng với các trợ lý và ghi nhớ cách trả lời vấn đề nhạy cảm. Có người còn cử quản lý đi khảo sát quốc hội, tính thời gian đến phòng thẩm vấn và đường ra không bị báo giới bắt gặp.
Samsung, tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, đóng góp nhiều nhất, 20 tỷ won (17 triệu USD), cho các quỹ của Choi, tiếp đó là Huyndai, SK, LG và Lotte. Các công tố viên đã khám xét các trụ sở của Samsung và các tập đoàn khác để tìm chứng cứ rằng họ nhận được chính sách ưu ái vì những đóng góp.
Riêng Samsung bị cáo buộc chuyển hàng triệu euro cho Choi để tài trợ cho con gái bà học cưỡi ngựa tại Đức. Tập đoàn này cũng bị điều tra vì nghi ngờ có vận động các quan chức để họ ủng hộ một thỏa thuận sáp nhập gây tranh cãi năm 2015.
Park sẽ không xuất hiện trước các phiên điều trần do đảng bảo thủ cầm quyền Saenuri phản đối mạnh mẽ đề nghị này.
Ba đảng đối lập Hàn Quốc ngày 3/12 trình kiến nghị về biểu quyết luận tội Tổng thống Park. Điều kiện để luận tội bà Park là ít nhất 200 trong tổng số 300 nhà lập pháp thông qua bản kiến nghị của đảng đối lập, đồng nghĩa với việc cần 28 thành viên Saenuri cầm quyền ủng hộ.
Saenuri đề xuất bà Park từ chức vào tháng 4 với lý do là khi đó sẽ thuận lợi hơn để có thể chuẩn bị tổ chức bầu cử tổng thống sớm.
Bê bối Choigate có thể coi là sự kiện kết thúc một năm đáng buồn cho Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Hàn Quốc năm nay vướng vào khủng hoảng thu hồi sản phẩm Galaxy Note 7 của Samsung, công ty vận tải biển Hanjin Shipping phá sản và nợ nhà đất cao kỷ lục.
Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) gần đây hạ triển vọng tăng trưởng của Hàn Quốc cho năm 2017 0,4%, còn 2,6%, sau khi ngân hàng trung ương Hàn Quốc có động thái tương tự.
Như Tâm
Hàn Quốc, bê bối, tổng thống, Park Geun-hye, Choi Soon-sil, Samsung, LG, Hanjin