Dù sở hữu nhiều tính năng vượt trội, tiêm kích tàng hình Mig-39 đã không thể được đưa vào biên chế của không quân Liên Xô do giá thành quá đắt đỏ.
Tiêm kích Mig-39 của Liên Xô. Ảnh: Aviationist |
Tháng 7/1986, nhận được thông tin Mỹ chính thức khởi động chương trình tiêm kích tàng hình thế hệ 5, ban lãnh đạo Liên Xô quyết định triển khai dự án chế tạo một phiên bản máy bay chiến đấu tiền tuyến đa năng (MFI) Mig-1.44 (hay còn gọi là Mig-39) nhằm không để đánh mất ưu thế trên không vào tay đối thủ, theo Aviationsmilitaires.
Với mục tiêu trở thành mẫu tiêm kích tấn công, chiếm ưu thế trên không, Mig-39 sở hữu nhiều tính năng vượt trội như công nghệ tàng hình plasma, tốc độ hành trình siêu âm, hệ thống điện tử hiện đại, vật liệu kết cấu bằng hợp kim nhôm và titan siêu nhẹ.
Máy bay có cánh chính hình tam giác, hai cánh đuôi với cánh mũi nhỏ nằm trước cánh chính có thể di chuyển theo hướng lên xuống.
Mig-39 sử dụng hai động cơ Lyulka AL-41F có buồng đốt lần hai, khả năng điều chỉnh hướng luồng khí phụt, tạo ra lực đẩy rất mạnh. Vì thế, Mig-39 có thể đạt vận tốc tối đa Mach 2.6 (885 m/s) ở độ cao thích hợp, đồng thời có thể duy trì tốc độ siêu âm trong thời gian dài.
Về hệ thống tác chiến điện tử, Mig-39 được trang bị radar xung Doppler cùng một ăngten quét mảng pha điện tử bị động. Hệ thống radar được kết nối với hệ thống điều khiển hỏa lực cho phép máy bay giao chiến với 20 mục tiêu riêng biệt cùng lúc.
Về vũ khí, Mig-39 được thiết kế với 12 giá treo, có thể mang theo 8 tên lửa R-77 có tầm bắn lên đến 90 km, cùng một pháo hạng nhẹ GSh-301 cỡ nòng 30 mm, với cơ số đạn 250 viên.
Mig-39 có khả năng mang tổng cộng 6 tấn vũ khí đạn dược cũng nhiều loại tên lửa uy lực của Nga thời điểm đó như AA-11, AA-12 K-37 và K-74.
Với những khả năng trên, các chuyên gia quân sự của Aviationsmilitaires cho rằng Mig-39 hoàn toàn có khả năng đối đầu với tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Mỹ. Tuy nhiên, do giá thành quá đắt (khoảng 70 triệu USD/chiếc), giới chức Nga đã quyết định hủy bỏ dự án chế tạo loại tiêm kích này vào năm 1997.
Đến năm 2000, Mig-39 có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 29/2, làm dấy lên tin đồn Nga đã nối lại kế hoạch tham vọng này.
Thông tin về số phận chiếc tiêm kích tàng hình yểu mệnh của Nga sau chuyến bay đó hầu như bặt vô âm tín cho đến năm 2011, khi Trung Quốc ra mắt mẫu tiêm kích tàng hình nội địa J-20 Uy Long với nhiều đặc điểm được cho là sao chép từ Mig-39.
Nghi ngờ về việc Trung Quốc sao chép thiết kế càng được khẳng định khi xuất hiện nhiều nguồn tin cho rằng Moscow đã chuyển giao công nghệ sản xuất Mig-39 cho Bắc Kinh theo một thỏa thuận thương mại quân sự.
Xem thêm: 'Nhện độc' YF-23 - tiêm kích tàng hình đoản mệnh của Mỹ
Nguyễn Hoàng
Mig-39, Nga, F-22