Ông Donald Trump sau khi chính thức bước chân vào Nhà Trắng sẽ ngay lập tức phải đối diện với những quyết định khó khăn về kho vũ khí hạt nhân đang cần được hiện đại hóa của Mỹ.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Những câu hỏi cấp thiết đặt ra lúc này là: Hiện đại hóa bao nhiêu là đủ? Liệu sức mạnh Mỹ có suy yếu không nếu số lượng vũ khí hạt nhân giảm sút? Hay Mỹ nên đối phó ra sao với các mối đe dọa hạt nhân, theo AP.
Trang web chuyển giao quyền lực của tổng thống đắc cử Mỹ cho biết ông "nhận thức rõ những mối nguy hiểm độc nhất vô nhị bắt nguồn từ vũ khí hạt nhân và hành vi tấn công mạng", đồng thời thêm rằng Donald Trump chắc chắn sẽ hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân "để đảm bảo nó tiếp tục đóng vai trò như một biện pháp răn đe hiệu quả".
Tuy nhiên, nhà tài phiệt New York đến giờ tiết lộ rất ít chi tiết về các kế hoạch ông dự định thực hiện liên quan đến kho vũ khí hạt nhân Mỹ.
Trong thời gian vận động tranh cử, vấn đề hạt nhân chỉ được đưa ra thảo luận một cách chung chung. Ông Trump từng gây hoang mang khi tuyên bố Mỹ nên từ bỏ việc duy trì chiếc ô phòng vệ hạt nhân cho các đồng minh châu Á nếu họ không đóng góp thêm vào chi phí phòng thủ khu vực hoặc họ cũng có thể tự mình chế tạo bom nguyên tử.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng một số nhà phê bình đã đặt nghi vấn về việc liệu ông Trump có thực sự đủ khả năng để nắm giữ "nút bấm" kích hoạt kho vũ khí hạt nhân hay không. 10 cựu quan chức giữ trọng trách điều khiển hoạt động tên lửa hạt nhân Mỹ từng viết một bức thư nhấn mạnh rằng tính khí, năng lực phán đoán, kỹ năng ngoại giao của Trump hoàn toàn không phù hợp để chịu trách nhiệm về kho vũ khí hạt nhân.
Hiện đại hóa hay không?
Tình trạng kho vũ khí hạt nhân Mỹ là đề tài hiếm khi được thảo luận. Trong phạm vi đó, Trump đã thể hiện một tầm hiểu biết khá mờ nhạt về vũ khí hạt nhân, chuyên gia đánh giá. Tại một cuộc tranh luận với các đối thủ đảng Cộng hòa trước đây, nhà tài phiệt New York tỏ ra mơ hồ trước khái niệm bộ ba hạt nhân quan trọng, cần cho việc phát động một cuộc tấn công hạt nhân gồm tàu ngầm, tên lửa trên đất liền và máy bay ném bom chiến lược.
"Tôi nghĩ hạt nhân đơn thuần đi đôi với sức mạnh, khả năng hủy diệt vô cùng quan trọng đối với tôi", ông Trump nói.
Giới quan sát đánh giá tổng thống đắc cử Mỹ có lẽ cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ làm quen với các vấn đề liên quan đến vũ khí hạt nhân bởi ông sẽ sớm phải quản lý một Lầu Năm Góc đang bất đồng giữa hai luồng ý kiến. Một bên ủng hộ hiện đại hóa những loại vũ khí truyền thống, bên còn lại muốn nâng cấp kho vũ khí hạt nhân.
Michaela Dodge, nhà phân tích chính sách quốc phòng tại Quỹ Heritage, nhận định chính quyền Donald Trump tương lai có thể sẽ đảo ngược những chính sách hạt nhân mà Tổng thống Obama theo đuổi, thứ mà bà cho rằng là "hão huyền", bao gồm việc khuyến khích giảm nhẹ vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh Mỹ.
"Mỹ đã lơ là các chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân kể từ thời điểm Chiến tranh Lạnh kết thúc, và khi chúng sắp hết hạn sử dụng, chúng ta cần đi trước một bước và hiện đại hóa những hệ thống hạt nhân", bao gồm cả các nhà máy công nghiệp hay phòng thí nghiệm hỗ trợ kho vũ khí, bà Dodge viết trong một báo cáo.
Tướng James Mattis, ứng viên số một cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong chính quyền ông Trump, hiện tỏ ra hoài nghi về thế cân bằng hạt nhân toàn cầu.
"Bạn nên đặt câu hỏi 'đã đến lúc giảm bộ ba hạt nhân thành bộ đôi hạt nhân, loại bỏ tên lửa trên mặt đất, hay chưa?'", Mattis hồi tháng một năm ngoái nói trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.
Ông đề xuất xem xét lại những câu hỏi cơ bản nhằm "xác định rõ vai trò của vũ khí hạt nhân Mỹ. Có phải chúng chỉ phục vụ một mục đích duy nhất là ngăn chặn chiến tranh hạt nhân hay không? Nếu vậy, một câu trả lời rõ ràng sẽ giúp xác định số lượng vũ khí hạt nhân mà Mỹ cần".
Nhiều tổ chức phi chính phủ đang nghiên cứu nhu cầu hiện đại hóa cũng như các mối hiểm họa từ kho vũ khí hạt nhân. Tổ chức Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân, trụ sở ở Washington, hiện tập trung nghiên cứu về nguy cơ khủng bố hạt nhân cùng những mối đe dọa trên không gian mạng đối với các hệ thống chỉ huy - điều khiển hạt nhân Mỹ.
"Điều gì xảy ra nếu tin tặc can thiệp vào một cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân, kích động một cuộc phản công trả đũa có thể gây ra cái chết của hàng triệu người", nhóm đặt vấn đề trong phần mô tả về dự án nghiên cứu.
Bên trong chiếc valy hạt nhân bất ly thân của tổng thống Mỹ
Xem thêm: Bên trong chiếc cặp hạt nhân chuyển giao giữa các đời tổng thống Mỹ
Vũ Hoàng
Donald Trump, vũ khí hạt nhân, tổng thống Mỹ