Thế giới

Truyền thống bổ nhiệm đại sứ ít kinh nghiệm gây tranh cãi ở Mỹ

Tổng thống Mỹ có thể chọn những người không nhất thiết phải có kinh nghiệm ngoại giao vào vị trí đại sứ.

truyen-thong-bo-nhiem-dai-su-it-kinh-nghiem-gay-tranh-cai-o-my

Ivana, người vợ đầu tiên của Donald Trump. Ảnh: wnd

Ivana Trump, người vợ cũ gốc Czech của Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm 10/11 nói rằng ông Trump nên bổ nhiệm bà làm đại sứ Mỹ tại Cộng hòa Czech.

Ivana chỉ là một trong số những người được đồn là có thể được chính quyền Donald Trump bổ nhiệm dù không có nền tảng ngoại giao. Có những tin tức đã bị bác bỏ rằng ông Trump chỉ định Mike Huckabee, cựu thống đốc bang Arkansas, làm đại sứ Mỹ tại Israel. Marla Maples, một người vợ cũ khác của Trump, cũng được New York Post đưa tin đang nhắm đến chức đại sứ ở "nước nào đó" tại châu Phi.

Tuy nhiên, việc tổng thống Mỹ chỉ định người có ít hoặc hoàn toàn không có kinh nghiệm ngoại giao làm đại sứ Mỹ không phải điều bất thường. Thực tế, đó là điều được chấp nhận rộng rãi ở Mỹ dù ít nước học theo cách làm này, theo Washington Post. 

Không cần kinh nghiệm

Trong vài thế kỷ qua, khoảng 30% đại sứ Mỹ là những người được "bổ nhiệm chính trị" còn 70% đại sứ Mỹ là các nhà ngoại giao chuyên nghiệp thăng tiến trong Bộ Ngoại giao Mỹ.

Người được bổ nhiệm chính trị là bất cứ nhân sự nào được tổng thống, phó tổng thống hay người đứng đầu các cơ quan ban ngành đích thân đề cử vào một vị trí nào đó trong chính quyền. 

Mặc dù nhiều quyết định có thể được đưa ra vì người được chọn phù hợp với công việc, có một truyền thống lâu đời nhưng gây tranh cãi là trao chức đại sứ cho những nhà tài trợ lớn hoặc người vận động các nhà tài trợ trong quá trình tranh cử. Tổng thống Richard M. Nixon từng nói với chánh văn phòng Nhà Trắng năm 1971 trong một đoạn băng ghi âm rằng: "Bất cứ ai muốn làm đại sứ phải tài trợ ít nhất 250.000 USD".

Đôi khi, những người được bổ nhiệm này không nhất thiết phải có đủ tiêu chuẩn phù hợp cho công việc. Khi Tổng thống Obama đề cử George Tsunis, một ông trùm ngành khách sạn kiêm người vận động quyên góp cho quỹ tranh cử của Obama, vào vị trí đại sứ Mỹ tại Na Uy năm 2014, Tsunis đã bị Thượng nghị sĩ John McCain chất vấn công khai xoay quanh kiến thức về đất nước Na Uy. Một hãng tin Na Uy cho biết câu trả lời của Tsunis "không rành mạch và rời rạc".

Nỗ lực trở thành đại sứ Mỹ của Tsunis rốt cục thất bại song phần lớn những người được chỉ định chính trị đều vượt qua cuộc điều trần tại thượng viện. Nhiều người đảm đương vai trò đại sứ Mỹ trong vài năm và không để xảy ra biến cố nào, nhưng một vài khác người khác thì không.

Cynthia Stroum, người giữ chức đại sứ Mỹ tại Luxembourg năm 2009 - 2011 sau khi đã tài trợ lớn cho chiến dịch tranh cử của Obama, đã bị các quan chức ở Văn phòng Tổng thanh tra thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc "khiến các bộ phận quan trọng của đại sứ quán Mỹ tại Luxembourg rơi vào tình trạng rối loạn", vì phong cách quản lý của bà và nhiều vấn đề khác.

Những người ủng hộ hệ thống bổ nhiệm này thì cho rằng những người được chọn có thể có mối quan hệ gần gũi với tổng thống và việc đó sẽ nâng tầm họ trong mắt nước chủ nhà hoặc đơn giản là bản thân họ đủ năng lực.

Felix Rohatyn, một lãnh đạo của ngân hàng đầu tư, được Tổng thống Bill Clinton chọn làm đại sứ Mỹ tại Pháp năm 1997. Cho đến lúc rời cương vị vào năm 2000, ông đã xây dựng được danh tiếng là chuyên gia về chính trị Pháp. "Số người ông ấy biết ở Paris có lẽ nhiều như số người ông ấy quen ở New York", Henri Barkey, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nói.

Nikki Haley, ngôi sao đang lên của đảng Cộng hòa được ông Trump chọn làm đại sứ Mỹ ở Liên Hợp Quốc hôm 23/11, cũng "non tay" trong lĩnh vực ngoại giao, bà chủ yếu có kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại và lao động.

'Phân chia chiến lợi phẩm'

Nhà bình luận Adam Taylor của Washington Post nhận định rằng những người được bổ nhiệm chính trị có xu hướng được nhận nhiệm vụ ở những nơi dễ chịu, chẳng hạn Tây Âu, Bắc Âu hay vùng Caribbean. Trái lại, các nhà ngoại giao chuyên nghiệp thường được cử đến làm việc ở những nơi ít được biết đến. Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên trước thực tế không có người được bổ nhiệm chính trị nào từng nhận nhiệm vụ ở Trung Á.

Có một số hạn chế đối với việc bổ nhiệm chính trị cho chức danh đại sứ. Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ có thể từ chối phê chuẩn hoặc nước tiếp nhận có thể không tán thành người được bổ nhiệm, nhưng những động thái như vậy hiếm khi xảy ra. Về mặt lý thuyết, các nhà ngoại giao chuyên nghiệp làm việc dưới quyền đại sứ được bổ nhiệm chính trị có thể kiềm chế bất kỳ thái độ không phù hợp nào của người này.

Tuy nhiên, nhiều người trong giới chính sách ngoại giao cảm thấy lo ngại với truyền thống này, một số người cho rằng chúng đã lỗi thời. "Những gì chúng ta có là một hệ thống phân chia chiến lợi phẩm mới", học giả Ted Bromund ở Quỹ Di sản viết vào năm 2013 khi ám chỉ đến thông lệ của đảng thắng cử: phân bổ các chức danh trong chính phủ cho bạn bè, người ủng hộ, như là để tưởng thưởng cho nỗ lực làm việc của họ nhằm mang đến chiến thắng.

Thông lệ này gần như không tồn tại ở hầu hết các nền dân chủ phát triển khác. Canada và Anh tuy cũng có nhưng ít áp dụng thông lệ đó. Phần lớn đại sứ nước ngoài tại Washington D.C. đều là các nhà ngoại giao chuyên nghiệp và nếu không từng làm ngoại giao thì ít nhất cũng là cựu quan chức chính phủ cấp cao.

Khi Obama đến Nhà Trắng năm 2009, ông cam kết rằng ông sẽ "thay đổi lề lối hoạt động của Washington", nhưng ông vẫn tuân thủ thông lệ bổ nhiệm đại sứ. Giống các tổng thống trước đó, Obama gần như bổ nhiệm chính xác tỷ lệ 30% và 70% vị trí đại sứ lần lượt cho các "tay mơ" và những nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Ông Trump cam kết sẽ "tháo vũng nước tù đọng ở đầm lầy Washington" nhưng chính sách của ông về việc bổ nhiệm đại sứ vẫn trong quá trình xây dựng.

Dù vậy, có tin tương đối tốt với bà Ivana: Không có nhà ngoại giao chuyên nghiệp nào được chọn làm đại sứ Mỹ tại Cộng hòa Czech kể từ năm 1995. Bà Ivana có thể nhận được sự hoan nghênh nồng hậu của nước chủ nhà. "Họ không thể gửi một đại sứ nào tốt hơn thế đến Prague", Tổng thống Czech Milos Zeman tuần trước nói.

Xem thêm: Cố vấn an ninh quốc gia gây tranh cãi của Trump

Putin và Trump muốn gì ở nhau

Hồng Vân

VNExpress

Donald Trump, vợ cũ, đại sứ, chỉ định


      © 2021 FAP
        3,191,269       1,552