Một vụ tỉa cành cây bạch dương trong khu phi quân sự đã gây nên căng thẳng, suýt đẩy Hàn Quốc và Triều Tiên tiếp tục sa vào một cuộc chiến khốc liệt.
Biên phòng Hàn Quốc và Triều Tiên canh gác tại khu phi quân sự. Ảnh: Reuters |
Sau cuộc chiến 1950-1953, bán đảo Triều Tiên suýt một lần nữa rơi vào cảnh tương tàn thảm khốc do một sự cố bắt nguồn từ cây bạch dương ở khu phi quân sự ngăn cách Hàn Quốc và Triều Tiên hồi thập niên 1970, theo National Interest.
Sáng ngày 18/8/1976, một nhóm công nhân thuộc Lực lượng Liên Hợp Quốc (UNC) tiến vào Khu vực An ninh chung (JSA) ở khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên với nhiệm vụ tỉa cành một cây bạch dương che khuất tầm quan sát của các quan sát viên UNC phụ trách giám sát khu vực.
5 công nhân dân sự thuộc Cục Hậu cần Hàn Quốc, được hộ tống bởi 11 lính liên quân Hàn Quốc - Mỹ không mang vũ khí do hai sĩ quan Mỹ là đại úy Arthur Bonifas và thiếu úy Mark Barrett chỉ huy, đã cắt tỉa cành cây dưới sự chứng kiến của các đại diện phía Triều Tiên. Bất chấp căng thẳng trong các lần đụng độ với lính gác Triều Tiên trước đó, mọi người đều tin rằng việc này sẽ không gặp sự cố nào.
Tuy nhiên sau đó, một nhóm khoảng 15 lính Triều Tiên do trung úy Pak Chul chỉ huy xuất hiện. Là người rất hiếu chiến trong các sự cố trước đó, nên sau khi quan sát việc cắt tỉa cành, Pak yêu cầu nhóm công nhân dừng công việc lại vì cho rằng cây bạch dương này là do lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành trồng. Đại úy Bonifas phớt lờ yêu cầu đó, ra lệnh cho công nhân Hàn Quốc tiếp tục tỉa cành. Một lúc sau, một xe tải chở thêm hơn 20 lính gác Triều Tiên được điều đến.
Theo hiệu lệnh của trung úy Pak, lính gác Triều Tiên lao vào nhóm hộ tống không mang vũ khí. Họ nhặt rìu của công nhân trên mặt đất và tấn công trong khoảng 30 giây khiến hầu hết các công nhân này bị thương. Đại úy Bonifast bị một số lính Triều Tiên bao vây và đánh đến chết, trong khi thiếu úy Barrett bị thương nặng và chết trên đường tới bệnh viện.
Lính Triều Tiên từ trên xe tải lao xuống tấn công nhóm công nhân và lính Hàn Quốc, Mỹ. Ảnh: History |
Bình Nhưỡng nhanh chóng tố sự việc này một hành động khiêu khích của "những tên côn đồ đế quốc" Mỹ. "4 người chúng tôi đã đến hiện trường và cảnh báo họ dừng công việc vì chúng tôi không đồng ý. Bất chấp sự thuyết phục của chúng tôi, nhờ quân số áp đảo nên họ đánh lính bảo vệ và đây là hành vi gây hấn nghiêm trọng", báo chí Triều Tiên đưa tin.
Có lẽ phía Triều Tiên tin rằng dù hai sĩ quan bị sát hại, Mỹ sẽ không dám phát động chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên trong thời điểm đó. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Gerald Ford quyết định tiến hành chiến dịch Paul Bunyan để thị uy sức mạnh cho Triều Tiên biết Mỹ có thể sẵn sàng tham chiến lần nữa trên bán đảo này.
Ngày 21/8/1976, ba ngày sau sự cố làm hai sĩ quan Mỹ thiệt mạng, một đội gồm 16 công nhân mang theo cưa máy, được 60 lính thuộc lực lượng An ninh Liên quân trang bị súng và rìu, quay lại chỗ cây bạch dương.
Không những vậy, lính gác Triều Tiên còn bị choáng váng bởi dàn trực thăng AH-1 Cobra, được hộ tống bởi các oanh tạc cơ B-52 Mỹ bay cùng các tiêm kích F-4 và F-5 Hàn Quốc, quần thảo trên bầu trời biên giới phía Hàn Quốc. Các tiêm kích F-111 và những tiêm kích khác trên đường băng ở Hàn Quốc cũng sẵn sàng xuất kích, trong khi một tàu sân bay Mỹ đã di chuyển đến khu vực. Ngoài ra, lực lượng bộ binh, thiết giáp và pháo binh Mỹ trên bộ cũng sẵn sàng yểm trợ nhóm công nhân mới triển khai tỉa cành.
64 đặc nhiệm Hàn Quốc thuần thục kỹ năng cận chiến bằng võ Taek won do cũng được huy động hỗ trợ nhóm công nhân, sẵn sàng giao chiến bằng tay không và vũ khí thô sơ nếu phía Triều Tiên tấn công. Trên xe tải chở đặc nhiệm Hàn Quốc tiến vào khu JSA còn giấu những khẩu súng trường và súng phóng lựu để sử dụng khi cần, thậm chí trên ngực họ còn buộc các quả mìn định hướng Claymore với kíp nổ trong tay nếu lính Triều Tiên dám tấn công.
Đặc nhiệm Hàn Quốc tại khu phi quân sự. Ảnh: History |
"Tôi ở đó, cạnh hai triệu người dọc khu phi quân sự và có thể có hàng chục nghìn người khác trong bán kính 5 km. Các vũ khí hạt nhân trên khoang B-52, rất nhiều pháo ở cả hai phía đều nhắm vào vị trí của chúng tôi, lính Hàn Quốc với những quả mìn trên ngực la hét điên cuồng thách thức lính Triều Tiên trang bị súng máy và AK-47 cách đó chưa đến 100 m", một lính Mỹ tham gia hộ tống nhóm công nhân thứ hai nhớ lại giây phút đối đầu đầy căng thẳng.
Tuy nhiên, lực lượng Triều Tiên vẫn án binh bất động trong lúc nhóm công nhân Hàn Quốc chặt cành cây bạch dương. Nhóm công nhân quay về không gặp sự cố nào.
Vụ việc cây bạch dương này được coi là một trong những sự cố nghiêm trọng nhất có thể đã đẩy Hàn Quốc và Triều Tiên vào miệng hố chiến tranh. Đến nay, khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên vẫn là một trong những khu vực được canh phòng nghiêm ngặt nhất, tập trung nhiều loại vũ khí, trang bị nhất trên thế giới.
Xem thêm: Những chuyến tuần tra thót tim ở khu phi quân sự liên Triều
Duy Sơn
triều tiên