Việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể khiến Mỹ hứng chịu tổn thất lớn.
Tổng thống Mỹ đắc cử Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP. Ảnh: Australian |
Trong đoạn video được phát ra hôm qua, thông báo một số công việc sẽ thực hiện khi chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng vào ngày 20/1 năm sau, ông Donald Trump xác nhận Mỹ sẽ không theo đuổi hiệp định TPP với 11 đối tác khác ở châu Á - Thái Bình Dương.
Tổng thống Mỹ đắc cử gọi TPP là "thảm họa tiềm ẩn với đất nước chúng ta", cho hay Washington sẽ đàm phán các hiệp định song phương khác.
"Tuyên bố của ông Trump sẽ làm giảm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á và là mối lợi cho Trung Quốc. Hiệp định TPP mà không có Mỹ sẽ mất đi những lợi ích về địa chiến lược với Trung Quốc, khiến Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng của mình", Giáo sư Jeff Kingston, Đại học Temple Nhật Bản, trao đổi với VnExpress.
Đồng tình với ý kiến này, ông Michael Kugelman, Trung tâm Woodrow Wilson, Mỹ, cho rằng việc rút khỏi TPP là một "đòn giáng" vào sự tín nhiệm của Mỹ ở châu Á. Tác động của việc này đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực này rất lớn, có thể khiến Trung Quốc cảm thấy "có thêm không gian" thực hiện các hoạt động gây hấn ở Biển Đông. Về khía cạnh kinh tế, dù các các nước thành viên TPP vẫn còn các cơ hội nhưng khi không có Mỹ, kết quả tiềm năng cũng bị hạn chế.
"Khó có thể hình dung Mỹ hoàn thành chính sách tái cân bằng châu Á mà không phê chuẩn TPP. Vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực này đang bị đẩy vào thế khó, nhưng nó không phải mối quan ngại của ông Trump, người thường xuyên ám chỉ rằng ông muốn có dấu ấn của Mỹ rõ hơn ở châu Á", ông Kugelman nói.
Chuyên gia này nhắc lại cam kết chính của Donald Trump trong chiến dịch vận động tranh cử là "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", có nghĩa là củng cố nền kinh tế bằng cách tránh các thoả thuận thương mại có thể làm giảm việc làm. Ông Trump và những người ủng hộ ông tin rằng TPP "tương đương với việc lao động Mỹ mất việc làm".
Bày tỏ sự lo ngại lớn, ông Robert Eldridge, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết các nước ở châu Á sẽ phải xoay về phía Trung Quốc nhiều hơn, điều này không tốt cho các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế.
"Nếu Mỹ thực sự rút khỏi TPP và không đưa ra một khuôn khổ khác toàn diện, mang tính thuyết phục, đem lại lợi ích cho các bên và minh bạch để thay thế trong thời gian trước mắt, thì tác động về kinh tế và an ninh tới khu vực châu Á sẽ rất lớn và rất tiêu cực", ông Eldridge cảnh báo.
Với kinh nghiệm nhiều năm theo dõi an ninh châu Á, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, cho biết TPP là một "chân kinh tế" trong chính sách tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama. Việc người kế nhiệm Trump tuyên bố rút khỏi TPP sẽ gây hại lớn đến khả năng thể hiện vai trò lãnh đạo ở khu vực này.
Ông Thayer lưu ý, Bắc Kinh sẽ bước vào khoảng trống này khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thúc đẩy một Thoả thuận tự do thương mại của châu Á - Thái Bình Dương thay thế cho TPP. Trong khi đó sự hiện diện an ninh của Mỹ đang gặp nguy do Tổng thống Philippines Duterte tỏ rõ thiếu thiện cảm, còn kế hoạch xây dựng lực lượng quân sự của ông Trump sẽ phải mất vài năm.
"Có vẻ như các nước Đông Nam Á phải tự kìm mình lại trước một nước Mỹ theo đuổi chủ nghĩa biệt lập, ưa thích chủ nghĩa đơn phương và song phương hơn là đa phương", ông Thayer nói.
Chuyên gia người Australia đánh giá cách tiếp cận của Donald Trump đã làm suy yếu những nỗ lực mà ông Obama đã dày công xây dựng trong việc hỗ trợ ASEAN và các cơ chế an ninh liên quan đến ASEAN. Trong khi ông Trump có ít kinh nghiệm về các vấn đề đối ngoại, có thể các thành viên Nội các của ông và các thành viên đảng Cộng hoà trong Quốc hội Mỹ sẽ đóng vai trò "hãm phanh".
"Nói cách khác, chúng ta đang phải đối mặt với một thời kỳ khó đoán và bất ổn", Thayer nói.
Giải pháp
Theo Giáo sư Thayer, hiện còn quá sớm cho khẳng định "TPP đã chết". Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tuyên bố các nước có thể đàm phán lại hiệp định này. Một số nước thành viên ký TPP đã gặp nhau ở Diễn đàn APEC tại Peru tuần trước để thảo luận về việc xúc tiến hiệp định mà không có Mỹ và có thể mời Trung Quốc tham gia. Tuy nhiên ông Thayer cho rằng khả năng Bắc Kinh tham gia là khó xảy ra vì TPP có những tiêu chuẩn mà Trung Quốc không muốn tuân theo.
Ông Thayer cho biết khi ông Trump bổ nhiệm ngoại trưởng, có thể Mỹ sẽ xem xét lại TPP và có thể mở lại đàm phán để đáp ứng các tiêu chuẩn của Washington.
"Chúng ta chưa biết ai sẽ là tân ngoại trưởng. Trump đã bổ nhiệm hai người thuộc phe bảo thủ làm phụ trách chiến lược và cố vấn an ninh quốc gia. Cả hai đều không hiểu về kinh tế quốc tế. Do đó tân ngoại trưởng Mỹ sẽ phải nỗ lực nhiều để thuyết phục các cố vấn thân cận của Trump", ông Thayer phỏng đoán.
Do đó, tất cả 11 nước tham gia TPP cần hợp tác để vận động hành lang tân ngoại trưởng Mỹ và các quan chức trong Nội các của ông Trump để giữ lại TPP.
Cũng có cách tiếp cận từ phía 11 nước tham gia TPP, ông Robert Eldridge gợi ý các nước này cần hợp tác vì những mục tiêu ban đầu của hiệp định. Các nước cần nỗ lực để chống lại áp lực từ phía Trung Quốc và mở rộng hợp tác trong khuôn khổ TPP.
Khẳng định việc Mỹ rút khỏi TPP là điều tồi tệ cho cả nước này, cho các đồng minh và đối tác, nhưng ông Robert Dujarric đánh giá "các nước chưa mất tất cả", cần chờ đợi thêm diễn biến mới vì có thể cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, các cử tri Cộng hoà và quân đội sẽ phản ứng khi lợi ích của họ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, Donald Trump là một người hay thay đổi và có những ý tưởng mâu thuẫn với nhau, vì thế mọi người không biết ông sẽ làm gì tiếp theo.
Theo ông Dujarric, điều thú vị là việc Mỹ rút khỏi TPP cũng có thể là "tin xấu" với Trung Quốc. Mỹ đã tạo nên hình ảnh tốt đẹp trong việc giúp củng cố ổn định ở châu Á. Bắc Kinh không dễ thay thế vị trí này của Washington và có thể tạo ra sự ngờ vực.
"Hãy thắt chặt đai an toàn của bạn vào", ông Dujarric dẫn lại lời một nhà bình luận trên báo Le Monde khi nói về những gì sắp diễn ra ở châu Á.
Việt Anh
Donald Trump, TPP, châu Á, Trung Quốc