Thế giới

Nghệ thuật xoay chuyển tình thế của Donald Trump

Trong nhiều vụ bê bối lớn, tỷ phú Trump vẫn biết cách lấy lại lợi thế nhờ chiến thuật hướng sự chú ý của dư luận sang vấn đề khác.

nghe-thuat-xoay-chuyen-tinh-the-cua-donald-trump

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Chiến thắng của tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã khiến nhiều người bất ngờ, bởi chiến dịch tranh cử của ông đầy rẫy những bê bối có thể hủy hoại sự nghiệp của bất cứ chính trị gia nào. Thế nhưng Trump đã vượt qua tất cả bằng một nghệ thuật xoay chuyển tình thế rất tài tình, theo BBC.

Những sự kiện xảy ra trước đây cho thấy Trump và đội ngũ của mình thường hóa giải những vụ ồn ào, tai tiếng chỉ bằng cách đơn giản là lái sự chú ý của dư luận sang một hướng khác, khiến những bê bối của ông nhanh chóng chìm vào quên lãng.

Vụ lùm xùm ở Đại học Trump

Năm 2005, ông Trump tuyên bố mở một trường đại học để giảng dạy cho sinh viên những bí quyết kinh doanh của một nhà tài phiệt bất động sản thực thụ. Sinh viên đăng ký vào Đại học Trump phải nộp 35.000 USD cho các môn học, thế nhưng một vài người trong số họ đã nộp đơn kiện lên tòa án, cho rằng đã lãng phí tiền vào những chiến thuật bán hàng "áp lực cao" của Trump.

Hai sinh viên kiện ông Trump tại tòa án California, người còn lại nộp đơn lên văn phòng chưởng lý New York. Với những vụ kiện này, ông Trump có thể là tổng thống đắc cử Mỹ đầu tiên phải ra điều trần trước tòa án.

Tuy nhiên, hôm 18/11, Trump tuyên bố đã thu xếp xong vụ kiện với mức thỏa thuận đền bù là 25 triệu USD, với lý do ông không có thời gian để theo kiện khi còn phải bận rộn xây dựng đội ngũ tiếp quản quyền lực. Tuyên bố trên của Trump lập tức thu hút sự chú ý của dư luận, bởi ông vốn nổi tiếng là tỷ phú không bao giờ chịu nhượng bộ.

Chỉ vài tiếng sau đó, phó tướng Mike Pence của ông tới dự buổi biểu diễn âm nhạc Hamilton ở New York, nơi ông bị khán giả la ó, thậm chí một số người còn tuyên bố cảm thấy "lo lắng và bất an" vì chính quyền mới của Trump "sẽ không bảo vệ họ".

Ông Trump lập tức chớp lấy cơ hội, sử dụng vũ khí mạng xã hội Twitter lợi hại của mình để yêu cầu đội ngũ thực hiện chương trình Hamilton xin lỗi vì "hành vi thô lỗ" đối với phó tướng. Dòng tweet của ông Trump ngay sau đó làm dấy lên cuộc chiến trên mạng xã hội, khi những người ủng hộ ông đòi tẩy chay Hamilton, còn các khán giả chương trình thì không ngớt lời chỉ trích Pence.

Chiến thuật này có vẻ như đã phát huy tác dụng. Những bài viết về vụ thỏa thuận bồi thường của Trump nhanh chóng bị thay thế bởi vụ ồn tào tại nhà hát của phó tướng Pence. Câu chuyện lùm xùm quanh Đại học Trump chỉ được nhắc đến trên báo chí và mạng xã hội trong đúng một ngày, và những bài viết tiếp theo về chủ đề này nhanh chóng bị chìm nghỉm.

Vụ bê bối cáo buộc tấn công tình dục

Ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ít nhất 10 phụ nữ đã lên tiếng tố cáo ông Trump sàm sỡ, tấn công tình dục họ, dù tỷ phú bác bỏ tất cả cáo buộc này.

Hôm 7/10, Washington Post tung ra một quả bom khi công bố đoạn băng được quay cách đây 10 năm, cho thấy tỷ phú Trump khoe khoang về khả năng sàm sỡ phụ nữ một cách thoải mái mà không sợ bị trừng phạt của mình. Vụ bê bối lập tức gây chấn động dư luận, khiến tỷ lệ ủng hộ Trump sụt giảm thê thảm, một loạt lãnh đạo đảng Cộng hòa tuyên bố không ủng hộ ông.

Trump đã lên tiếng xin lỗi về đoạn băng, nói rằng "những lời lẽ đó không phản ánh con người thực" của ông, thế nhưng sức ép của dư luận vẫn không hề giảm bớt, khi cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ hai với đối thủ Hillary Clinton chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra. Nhiều chuyên gia đánh giá ông Trump đã hết cơ hội bước vào Nhà Trắng với vụ bê bối này.

Để xoay chuyển tình thế, chỉ vài giờ trước khi tranh luận với bà Clinton, ông Trump tổ chức một cuộc họp báo bất ngờ với sự tham gia của một số phụ nữ từng cáo buộc cựu tổng thống Bill Clinton tấn công tình dục và cưỡng hiếp. Trong cuộc họp báo, những phụ nữ này thừa nhận họ đã "được mời đến".

Trump tổ chức họp báo với những phụ nữ tố cáo Bill Clinton quấy rối tình dục. Ảnh: AP

Trump tổ chức họp báo với những phụ nữ tố cáo Bill Clinton quấy rối tình dục. Ảnh: AP

"Ông Trump có thể nói những lời khó nghe, nhưng Bill Clinton đã cưỡng bức tôi, còn Hillary Clinton đã đe dọa tôi", Juanita Broadrick, một phụ nữ tham gia họp báo, tuyên bố.

Cuộc họp báo này dường như đã tiếp thêm sức mạnh cho ông Trump trong lần đối đầu lần thứ hai với bà Clinton. Trong những ngày sau đó, ông liên tục đề cập đến các cáo buộc chống lại cựu tổng thống Clinton, hướng sự chú ý của dư luận vào quá khứ của vợ chồng nhà Clinton.

Kết quả là chỉ hai tuần sau, vụ bê bối sàm sỡ phụ nữ của Trump dần hạ nhiệt, thậm chí nó không còn là chủ đề gây tranh cãi chính trong cuộc tranh luận trực tiếp lần ba. Trước thềm cuộc bầu cử, dư luận gần như không nhắc đến những câu nói tục tĩu của ông trong đoạn băng đó nữa.

Ồn ào quanh giấy khai sinh của Obama

Ông Trump là một trong những người ủng hộ nhiệt thành cho thuyết âm mưu về nơi sinh của Tổng thống Barack Obama, cho rằng ông Obama được sinh ra ở Kenya chứ không phải Hawaii, do đó không đủ tiêu chuẩn để trở thành tổng tư lệnh nước Mỹ.

Dù ông Obama đã đưa ra giấy khai sinh lập ở Hawaii để chứng minh nơi sinh của mình vào năm 2008 và 2011, tỷ phú New York vẫn liên tục nêu nghi vấn về tính xác thực của tài liệu này.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump vẫn không chịu thừa nhận rằng mình đã sai. Nhưng khi cuộc tranh cãi về giấy khai sinh của Obama có nguy cơ hủy hoại cơ hội chiến thắng, Trump lập tức tìm cách xoay chuyển tình thế.

Tỷ phú quyết định bày ra một cuộc chơi đình đám, với mục đích thu hút sự chú ý của dư luận thế giới. Thay vì tham gia một cuộc đối chất mặt đối mặt lặng lẽ với Obama, ông mời đông đảo phóng viên báo chí đến nghe một "tuyên bố lớn" tại khách sạn mới khai trương ở thủ đô Washington.

Trong thực tế, "thông báo lớn" đó chỉ là một diễn văn ba câu được tỷ phú đưa sau sau khi bắt các phóng viên phải chờ đợi suốt một tiếng đồng hồ tại khách sạn. Trong thông báo này, ông đã đổ lỗi cho bà Clinton khơi lên tranh cãi về nơi sinh của ông Obama, và ông mới là người giải quyết tranh cãi đó.

"Hillary Clinton và chiến dịch tranh cử năm 2008 của bà đã khơi mào tranh cãi về nơi sinh này. Tôi là người kết thúc nó", ông đọc"Tổng thống Barack Obama được sinh ra ở Mỹ, chấm. Giờ chúng ta đều muốn quay lại để làm nước Mỹ hùng mạnh và vĩ đại trở lại."

 Donald Trump thừa nhận ông Obama sinh ra tại Mỹ

Trong những bài báo xuất hiện ngay sau đó về sự thừa nhận của Trump đối với nơi sinh của Obama còn có những thông tin về địa điểm diễn ra sự kiện, đó là khách sạn mới khai trương của tỷ phú, cũng như những dòng bàn về quá trình xây dựng và lựa chọn địa điểm của khách sạn.

"Ông Trump một lần nữa thể hiện rằng ông biết cách điều khiển giới truyền thông giống như chơi đàn, dù họ có muốn tham gia dàn nhạc hay không", nhà báo Anthony Zurcher của BBC bình luận sau sự kiện.

Ông Trump dường như cũng rất tự hào với khả năng dẫn dắt giới truyền thông này của mình. Ông dẫn lại bài báo của Washington Post trên tài khoản Twitter cá nhân, và trích lại nguyên văn tựa đề: "Sự kiện về nơi sinh của Obama là cú lừa ngoạn mục nhất của Donald Trump".

Sau sự kiện đó, mối liên quan giữa Trump và những tranh cãi về nơi sinh của Obama rất hiếm khi được nhắc đến. Có vẻ như chiến thuật lái sự chú ý của dư luận mà tỷ phú áp dụng đã phát huy hiệu quả, cũng có thể nó bị chìm lấp bởi những bê bối đình đám hơn sau này.

Xem thêm: Nỗi oán giận của giới cổ cồn xanh giúp Trump chiến thắng

Trí Dũng

VNExpress

Donald Trump, trump đắc cử tổng thống mỹ


      © 2021 FAP
        3,220,859       1,437